Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm nếu để "lạm thu"

Thứ Bảy, 15/09/2018, 08:54
“Lạm thu” đầu năm học là câu chuyện năm nào cũng tái diễn với mức độ và hình thức khác nhau. 

Để khắc phục tình trạng này, trong Chỉ thị đầu năm học mới, Bộ GD&ĐT đều yêu cầu chấn chỉnh, nhắc nhở các địa phương thực hiện thu, chi tại các cơ sở giáo dục tuân thủ đúng quy định, tránh để tình trạng lạm thu gây khó khăn cho phụ huynh học sinh. 

Bộ cũng đề nghị UBND các địa phương quan tâm chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở giáo dục để xảy ra tình trạng lạm thu. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, cứ vào đầu năm học mới, “lạm thu” là câu chuyện chưa bao giờ hết nóng.

Có một thực tế là không chỉ Bộ GD&ĐT mà việc kiên quyết chống lạm thu cũng được nhiều địa phương đôn đốc thực hiện quyết liệt từ rất sớm. 

Đơn cử như tại Hà Nội, ngay từ đầu năm học 2018-2019, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có hướng dẫn yêu cầu tất cả các trường công lập trên địa bàn chấm dứt việc thu, chi khoản đóng góp tự nguyện từ gia đình học sinh để sửa chữa nhỏ hoặc mua sắm trang thiết bị cho nhà trường. 

Hàng trăm phụ huynh yêu cầu Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Đồng, Hoài Đức (Hà Nội) giải thích về nhiều khoản thu không hợp lý. Ảnh minh họa.

Sở GD&ĐT Hà Nội cũng yêu cầu các nhà trường không thu gộp nhiều khoản thu vào đầu năm học; chấm dứt việc lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản thu ngoài quy định. 

Các trường cũng không được thực hiện hoặc đề nghị Ban đại diện cha mẹ học sinh thực hiện các khoản thu khác từ gia đình người học dưới bất kỳ hình thức nào; không tùy tiện lập các loại quỹ hoặc để Ban đại diện cha mẹ học sinh lập quỹ ép buộc học sinh đóng góp dưới danh nghĩa đóng góp tự nguyện. 

Đặc biệt, Sở GD&ĐT cũng đã công bố số điện thoại đường dây nóng để người dân phản ánh hiện tượng thu chi không đúng quy định.

Mặc dù vậy, theo phản ánh từ nhiều kênh thông tin, vẫn có những hiện tượng thu sai và lập quỹ không đúng. 

Mới đây nhất, ngày 4-9, một ngày trước khi diễn ra lễ khai giảng, hàng trăm phụ huynh có con học ở Trường Tiểu học Sơn Đồng (Hoài Đức, Hà Nội) đã “vây” kín sân trường yêu cầu Hiệu trưởng giải thích rõ về hàng loạt khoản thu lên tới gần 8 triệu đồng, trong đó có nhiều khoản không hợp lý. 

Điều đáng nói là chỉ tính riêng quỹ, một khoản thu mang tính chất tự nguyện, cũng đã có tới 3 loại gồm quỹ phụ huynh trường 250.000 đồng; quỹ lớp 300.000 đồng; quỹ học tập 150.000 đồng... 

Tương tự, tại Trường Tiểu học đô thị Việt Hưng (quận Long Biên, Hà Nội), theo phản ánh của phụ huynh, nhà trường cũng đã thu tổng số tiền 3 triệu đồng, trong đó có một triệu đồng tiền tạm ứng cơ sở vật chất, gần 2 triệu tiền sách vở, đồ dùng học tập, đồng phục cho con. 

Đặc biệt, hiện tượng học sinh cứ vào lớp đầu cấp là sẽ phải đóng một khoản quỹ “xã hội hóa” dành cho việc mua sắm trang thiết bị, cơ sở vật chất hoặc rất nhiều loại quỹ núp bóng tự nguyện mà chính các phụ huynh cũng không biết để làm gì. 

Chị Cao Mai, phụ huynh có con học tiểu học tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) kể: “Ngoài quỹ lớp, quỹ trường, năm nay trường con trai chị còn thu thêm một khoản gọi là quỹ khuyến học của nhà trường. Dù rất băn khoăn không biết khoản thu này để làm gì, liệu có cần thiết hay không nhưng tâm lý chung của các phụ huynh là e ngại vì chỉ một vài cá nhân lên tiếng sẽ rất dễ bị số đông còn lại “ném đá”. 

Cũng theo chị Cao Mai, hầu hết các khoản thu tự nguyện hiện nay đều không có hóa đơn, không có chứng từ, ngoại trừ chữ ký xác nhận của phụ huynh học sinh. Số tiền sẽ được đầu tư vào việc gì, chi như thế nào, phụ huynh hoàn toàn không biết hoặc chỉ biết sơ sơ qua thông báo của Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Về vấn đề này, ngay trước thềm năm học mới, ông Trần Tú Khánh - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ GD&ĐT) đã khẳng định: Các trường tuyệt đối không lợi dụng danh nghĩa xã hội hóa, Ban đại diện cha mẹ học sinh để tổ chức thu các khoản đóng góp mang tính cào bằng, áp đặt. 

Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan, đặc biệt là chính quyền địa phương, tiếp tục yêu cầu chấn chỉnh, thanh, kiểm tra công tác thu chi trường học, đặc biệt thời điểm đầu năm học. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, công tác thanh, kiểm tra khó có thể thực hiện được hết, vì thế, phải có quy định gắn trách nhiệm của hiệu trưởng, nếu để xảy ra lạm thu, hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm cao nhất là thôi chức vụ, chuyển công tác. Còn giải pháp gắn trách nhiệm hiện nay là chưa triệt để. 

Như trường hợp của Trường Tiểu học Hải Bối, huyện Đông Anh, Hà Nội, kết quả thanh tra đã chỉ ra thu sai nhiều khoản, nhưng hiệu trưởng chỉ bị khiển trách, vẫn dự kiến tái bổ nhiệm 5 năm tiếp theo, dẫn đến việc các phụ huynh, thậm chí giáo viên trong trường rất hoang mang. 

Tất nhiên, ngoài công văn, văn bản chấn chỉnh từ cấp trên, thậm chí là chế tài xử lý, điều mà xã hội mong đợi nhất vẫn là sự chủ động, tự nguyện, minh bạch trong thu-chi của những người làm nghề giáo, những người đứng đầu cơ sở giáo dục với hi vọng “lạm thu” sẽ không còn là nỗi ám ảnh đối với phụ huynh vào đầu năm học mới.

Huyền Thanh
.
.
.