Hạ điểm thi đua nhà trường có ngăn được tình trạng HS vi phạm Luật giao thông?

Thứ Sáu, 30/08/2019, 16:30
Đề nghị với Sở GTVT miễn phí cho học sinh đi xe buýt để các em sử dụng phương tiện công cộng và sẽ làm thẻ dạng quẹt cho học sinh khi đi xe buýt...


“Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh sắp tới sẽ kiên quyết nâng mức phạt học sinh vi phạm Luật giao thông từ việc hạ hạnh kiểm 1 tháng đối với cá nhân vi phạm lên mức sẽ trừ điểm thi đua của cả trường có HS vi  phạm; nhằm giảm thiểu tiến tới chấm dứt tình trạng học sinh đi xe máy phân khối lớn vẫn diễn ra phổ biến trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, nhất là khối lớp 11, 12”. Bà Bùi Thị Diễm Thu  - Phó GĐ Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết như trên. Đồng thời bà cũng thừa nhận, các lỗi vi phạm chủ yếu của HS đó là, chưa đủ tuổi nhưng đi học bằng xe máy phân khối lớn hoặc không có Bằng lái xe,…

Tuy nhiên, bản thân một số Hiệu trưởng nhà trường còn chưa quyết liệt trong việc xử lý HS đi xe phân khối lớn đến trường. Thậm chí có trường còn giữ xe cho HS tại bãi giữ xe của trường. Thời gian tới Sở sẽ chỉ đạo kiên quyết các trường không được cho HS gửi xe phân khối lớn trong trường. Trong khi ấy, các PHHS cũng thiếu nhận thức, chưa thấy tầm quan trọng của việc hướng dẫn con em sử dụng xe máy đúng theo hướng dẫn của pháp luật và không vi phạm Luật giao thông.

Không chỉ đi xe máy phân khối lớn diễn ra khá phổ biến trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, nhất là học sinh khối lớp 11, 12, nhiều học sinh điều khiển xe máy còn chở 3 và không đội mũ bảo hiểm, rất nguy hiểm.

Có mặt tại cổng chính trường THPT Thủ Thiêm trên đường Vũ Tông Phan, phường An Phú, quận 2 vào giờ tan học chiều ngày 27-8, chúng tôi thấy thấy ngay một học sinh nữ của trường này điều khiển xe Vision màu đỏ không đội mũ bảo hiểm chạy ngang qua cổng trường ùa vào dòng người. Sau đó, có thêm nhiều học sinh cả nam và nữ cũng chạy xe máy từ hướng bên phải đến. Lúc này chúng tôi phát hiện khá nhiều học sinh trong một con đường bên phải của trường đi ra, nhiều em không đội mũ bảo hiểm. Có rất nhiều học sinh chạy xe máy rất nhanh từ trong ra, nhiều em chạy xe máy chở 3, nhiều em không đội mũ bảo hiểm.

 Tình trạng học sinh vi phạm Luật giao thông, đi xe máy phân khối lớn, nhiều khi chở 3 là không hiếm gặp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Đến gần cuối con đường là cổng phụ của nhà trường, một người bảo vệ đứng ngoài đường đối diện với cổng trường quan sát, bên trong có hai người đàn ông đang thu vé và lấy tiền giữ xe. Một bãi xe phía sau trường rất rộng trông giữ xe cho học sinh, chủ yếu là xe máy, rất ít xe đạp.

Một người đàn ông trên 60 tuổi đang đi bộ gần đây nói “học sinh gì mà chạy xe dữ vậy!”. Bởi các em từ trong cổng trường chạy ra ngoài, có em còn tăng ga đùa giỡn nhau ngoài đường. Sau khi các em ra khỏi trường, chúng tôi thấy nhiều em tụ tập phía trước cổng trường rủ nhau đi chơi, đi ăn uống tại một số quán ở gần khu vực trường. 

Đi theo và hỏi một học sinh nữ đang chạy xe máy Click màu đỏ chở bạn, được em này cho biết cô giáo chủ nhiệm lớp có nhắc việc không được sử dụng xe máy phân khối lớn, nhưng “cô giáo không ra bãi xe kiểm tra nên không biết tụi em đi xe gì”. Với lý do là nhà xa, tuyến đường từ nhà đến trường không có xe buýt, sáng cha mẹ bận đi làm việc sớm khỏi bị kẹt xe không đưa đi học được nên nữ học sinh này “đòi bằng được” cha mẹ mua xe máy để đi.

Chị P.T.H (phụ huynh một học sinh trường THPT Trưng Vương) cho biết, chị đi làm mãi trong quận 5 nên phải đi sớm, không đưa đón con được nên chị mua xe cho con đi dù biết như vậy là vi phạm pháp luật.

Chiều 28-8, chúng tôi có mặt tại trường THCS Trưng Vương trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Bến Nghé, quận 1, thấy nhiều học sinh chạy xe máy phân khối lớn từ trong trường ra ngoài đường. Ở đây có vẻ học sinh thận trọng hơn, nên nhiều em mặc áo khoác để che chiếc áo bên trong đề tên trường học.

Chúng tôi hỏi một học sinh nam tên Q. T vừa chạy chiếc xe máy ra khỏi cổng trường cho biết: “Cô giáo có nhắc tụi em không được đi xe máy phân khối lớn, nếu xảy ra tai nạn thì bị hạ hạnh kiểm, nhưng em đi cẩn thận mà!”. Em T vui vẻ nói.

Bà Trương Thị Bích Thuỷ, Hiệu trưởng trường THPT Trưng Vương thừa nhận, vừa qua nhà trường đã rà soát có 300 xe máy của học sinh, trong đó 150 xe có trên 50 phân khối. Trong năm học vừa qua, trường có 2 học sinh vi phạm luật giao thông bị CSGT xử phạt, những em này đã bị hạ hạnh kiểm 1 tháng. Nhà trường cũng đã triển khai đến giáo viên chủ nhiệm các lớp để trao đổi với học sinh và phụ huynh phải chấp hành quy định của pháp luật, không để học sinh sử dụng xe máy phân khối lớn. Nếu mua xe máy cho con cái, phải mua xe dưới 50 phân khối và học sinh điều khiển phải có giấy phép lái xe theo quy định.

Theo bà Thuỷ, trước đây nhà trường đã từng siết chặt việc cấm học sinh sử dụng xe máy phân khối lớn, nên các em không gửi trong bãi xe của nhà trường mà gửi ở bãi bên Thảo Cầm Viên. Sắp tới giám thị nhà trường sẽ đứng tại bãi giữ xe để kiểm tra ghi tên cụ thể học sinh vi phạm, sau đó mời phụ huynh đến.

Trao đổi với PV Báo CAND, bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh thừa nhận tình trạng học sinh sử dụng xe máy phân khối lớn khá phổ biến trên địa bàn. Mặc dù, Sở đã phối hợp với Công an thành phố và Sở Giao thông vận tải trong việc tăng cường tuyên truyền pháp luật về giao thông tại trường học, cũng như xử lý nghiêm những trường hợp học sinh vi phạm. Cho học sinh đăng ký xe đưa rước bằng ô tô, nhưng rất ít học sinh đăng ký. Sở cũng quy định, những trường hợp vi phạm mà bị CSGT xử phạt sẽ bị ha hạnh kiểm 1 tháng, danh sách này Công an thành phố sẽ gửi sang và Sở gửi về trường có học sinh vi phạm để Ban Giám hiệu xử lý. Trong năm học vừa qua, toàn thành phố có trên 100 học sinh điều khiển phương tiện giao thông vi phạm bị CSGT xử phạt.

Bà Thu cho rằng, việc cấm học sinh đi xe máy phân khối lớn gặp nhiều khó khăn bởi cái chính vẫn là trách nhiệm của phụ huynh, nếu cha mẹ không giao xe cho con thì các em không thể có xe để sử dụng. Nhiều phụ huynh cho rằng con cái họ đã lớn và có thể điều khiển được xe máy nên vô tư mua xe cho con chạy.

“Chúng tôi phối hợp với Sở GTVT để đề nghị UBND TP phê duyệt chương trình khuyến khích các trường đưa rước HS bằng ô tô; tăng cường trong các trường học các tiết học về Luật giao thông trong nhà trường để nâng cao nhận thức của học sinh và liên hệ với phụ huynh để phối hợp với nhà trường trong việc đưa đón học sinh một cách tốt nhất”. Bà Thu cho biết.

H.Nga-N.Sơn
.
.
.