“Giật mình” với chất lượng trường lớp tại Đà Lạt

Chủ Nhật, 17/09/2017, 09:07
Sự cố sập phòng học trước thềm năm học mới tại Trường THCS&THPT Đống Đa, TP Đà Lạt (Lâm Đồng) khiến 10 học sinh bị thương là hồi chuông cảnh báo tới cơ quan chức năng. Các bậc phụ huynh thực sự giật mình bởi lâu nay con em phải học trong những căn phòng chờ sập mà không hay biết, trong khi họ vẫn phải thực hiện đầy đủ mọi khoản thu cho nhà trường, trong đó có tiền đóng góp xây dựng.

Theo Sở GD&ĐT tỉnh Lâm Đồng, năm học 2017-2018, chỉ tính riêng trên địa bàn TP Đà Lạt, qua kiểm tra, thẩm định, phát hiện thêm gần 40 phòng học xuống cấp nghiêm trọng, không thể sử dụng buộc phải đóng cửa để bảo đảm an toàn trong việc dạy và học.

Trong đó, ngoài Trường THCS&THPT Đống Đa (đã đóng cửa trường) còn có một số phòng học tại Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Lâm Đồng và Trường THCS&THPT Chi Lăng… Đa số những phòng học bị đóng cửa được xây dựng cách đây trên dưới 50 năm.

Con số phòng học xuống cấp không thể sử dụng có thể sẽ còn tăng bởi sau sự cố sập phòng học tại Trường THCS&THPT Đống Đa, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo ngành Giáo dục phải phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát lại toàn bộ các trường học trong tỉnh. Sau sự cố sập phòng học, toàn bộ 1.460 học sinh của Trường THCS&THPT Đống Đa đã phải chuyển tới “học ké” tại Trường THPT Yersin Đà Lạt trong thời gian chờ trường cũ xây mới.

Sự xuống cấp phòng học còn xảy ra tại Thắng cảnh di tích Quốc gia Trường CĐ Sư phạm Đà Lạt. Hơn 10 năm qua, ngôi trường có kiến trúc nức tiếng này đã trở thành tâm điểm chú ý của dư luận địa phương. Ở ngôi trường gần 90 năm tuổi, đến nay hầu hết các khối nhà đều có dấu hiệu xuống cấp như mái ngói bị mục, vỡ, thấm dột khiến la phông mục, nhiều xà, kèo bằng gỗ bị mối mọt làm mục gãy, tường và sàn nhà bị nứt nhiều chỗ. Một số phòng học mỗi khi mưa lớn là nước tràn vào lênh láng. UBND tỉnh Lâm Đồng đã có đề án trùng tu Trường CĐ Sư phạm Đà Lạt với kinh phí trên 19 tỷ đồng nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Trường THCS&THPT Đống Đa đã đóng cửa hoàn toàn.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thanh Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Đoàn Kết, TP Đà Lạt cho biết, trường được xây dựng vào đầu thập niên 50 của thế kỷ XX, trải qua gần 70 năm, trường này đã xuống cấp rõ rệt.

Mặc dù vẫn được cải tạo nhưng đến nay ngôi trường với 21 phòng học đã có tới 18 phòng không đạt chuẩn, đang chờ nâng cấp sửa chữa vì chật hẹp và xuống cấp. Riêng khối nhà đa năng dùng làm hội trường và phòng ăn, ngủ cho học sinh bán trú vì quá xuống cấp, có nguy cơ sập đổ nên từ năm học 2016-2017, nhà trường buộc phải niêm phong.

Tương tự, Trường tiểu học Lê Lợi, TP Đà Lạt, cũng có dãy phòng nhà cấp 4 xuống cấp phải niêm phong từ nhiều năm qua để tránh nguy cơ đáng tiếc có thể xảy ra. Do trường lớp xuống cấp dẫn đến thiếu phòng học nên các trường này buộc phải tận dụng các phòng chức năng thành phòng học hoặc sắp xếp lớp học tăng ca để đảm bảo không ảnh hưởng đến chương trình dạy và học.

Hiện Phòng GD&ĐT TP Đà Lạt đang quản lý 49 trường tiểu học và THCS; các trường thuộc THCS&THPT (hai cấp học) do Sở GD&ĐT quản lý. “Một số trường tiếp quản lại từ thời trước giải phóng nên rất khó trong việc thẩm định tình trạng xuống cấp bởi hồ sơ, sổ sách bị thất lạc, nhiều trường không biết được xây dựng từ khi nào”, một lãnh đạo Phòng GD&ĐT phân trần. Tuy nhiên, sau sự cố sập phòng học tại Trường THCS&THPT Đống Đa, Phòng GS&ĐT Đà Lạt cũng đã chỉ đạo các trường rà soát lại toàn bộ phòng học báo cáo lên cấp trên để trình UBND TP Đà Lạt chỉ đạo, xử lý.

Sự cố sập phòng học tại Trường THCS&THPT Đống Đa.

Phải cho con em mình hằng ngày học trong những ngôi trường, phòng học mất an toàn là điều bất khả kháng với các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, trước khi chưa xảy ra sự cố sập phòng học khiến 10 học sinh lớp 6, Trường THCS&THPT Đống Đa bị thương, phần lớn các bậc phụ huynh vẫn chưa quan tâm nhiều đến vấn đề này. Sự cố trên là một hồi chuông cảnh tỉnh, không chỉ cho ngành Giáo dục tỉnh Lâm Đồng mà còn ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý các bậc phụ huynh và học sinh.

Chị Nguyễn Thị Hương, phụ huynh có con đang học tại trường vừa có phòng học bị sập cho biết: “Tôi có hai con đang học ở trường Đống Đa, hằng năm đều phải thực hiện nghĩa đóng góp với nhà trường, trong đó có khoản xây dựng. Điều vô lý là chúng tôi đóng tiền xây dựng nhưng sao con cái chúng tôi lại phải học trong những phòng xuống cấp, nguy hiểm như thế!..”. Đây cũng là điều mà phần lớn các bậc phụ huynh đang có con em học tại những ngôi trường, phòng học xuống cấp tại Đà Lạt trăn trở, bức xúc.

Ông Huỳnh Quang Long, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lâm Đồng phân trần, hằng năm sở này vẫn phối hợp với các cơ quan chức năng, trong đó có Sở Xây dựng tiến hành kiểm tra, thẩm định các phòng học có dấu hiệu xuống cấp, nếu không đủ an toàn sẽ niêm phong, đóng cửa.

Vụ sập phòng học tại Trường THCS&THPT Đống Đa khiến 10 học sinh lớp 6 của nhà trường bị thương trước thềm năm học mới là sự cố đáng tiếc tại một phòng học ngoài dự kiến của cơ quan chức năng. Bởi theo ông Long, quan sát thì phòng học bị sập không có dấu hiệu bị xuống cấp nên trước đó chưa được cơ quan chức năng kiểm tra, thẩm định. Sau sự cố này, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các trường rà soát lại tất cả các phòng học để kịp thời có biện pháp xử lý.

Chiều 26-8, trong lúc học sinh lớp 6A4, Trường THCS&THPT Đống Đa, TP Đà Lạt, đang học thì lớp học bất ngờ sập đổ một phần. Bị rơi từ độ cao trên 4m xuống dưới đã khiến 10 học sinh bị chấn thương được chuyển tới Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng điều trị, trong đó có 3 học sinh bị thương nặng. Đến nay, tất cả các nạn nhân đều đã bình phục và đi học bình thường.
Kim Ngân
.
.
.