Gian nan đưa chữ lên ngàn

Thứ Sáu, 21/11/2014, 09:14
Họ - những giáo viên cắm bản. Họ - những người trẻ mang trong mình trái tim đầy nhiệt huyết, tự nguyện gắn bó với những bản làng heo hút. Nhờ có họ, con chữ được gieo mầm, hé lộ tương lai đổi thay cho những bản nghèo. Đưa chữ lên ngàn, phía sau nó là những vất vả, hi sinh thầm lặng mà không phải ai cũng hiểu…

Bóng tối đổ sầm sập xuống bản Trống Tông, xã La Pán Tẩn (Mù Cang Chải, Yên Bái). Trong gian nhà nhỏ chỉ khoảng 10m2, cô giáo Đặng Thị Hoa – giáo viên Trường Tiểu học La Pán Tẩn đang lúi húi nhặt rau, chuẩn bị nấu cơm tối. Rời quê Thái Bình từ năm 2000, chị Hoa quyết định gắn bó với mảnh đất Yên Bái nhiều gian khó. Thời bấy giờ, điều kiện sống khó khăn, việc tự nguyện lên vùng cao được xem như quyết định dũng cảm.

“Lên nhận công tác được vài ngày, tôi đã khóc vì nhớ nhà, vì buồn. Nhất là khi đêm về, trường học chơ vơ giữa núi, xung quanh đen đặc, chỉ nghe thấy tiếng gió núi. Cả trường chỉ có một mình tôi ở lại nên cảm giác càng sợ hãi. Điện không có, buổi tối thắp đèn dầu ngồi viết thư rồi sáng hôm sau đi bộ hơn chục cây số để gửi. Đã có lúc cuộc sống vất vả quá khiến tôi thấy nản chí” – chị kể lại. 14 năm gắn bó với mảnh đất vùng cao Mù Cang Chải, chị đã chứng kiến bao đổi thay của người Mông nơi đây. Những đứa trẻ sinh ra vốn chỉ biết ngô, sắn thì nay đã biết đọc, viết tiếng Kinh khá rành rọt. Người Mông đã hiểu, chỉ có học chữ mới có thể có tương lai tốt đẹp. Gắn bó quá lâu, thế rồi, đất yêu người, người yêu đất, chị đã coi mình như đứa con của bản. “Chồng, con của tôi vẫn ở dưới xuôi, điều kiện đi lại khó khăn nên 1-2 tháng tôi mới về thăm nhà. Nhiều lúc nhớ chồng con, cũng muốn chuyển công tác về xuôi mà không nỡ rời bỏ ngôi trường này. Lâu lâu tôi không về, chồng lại đưa con lên thăm mẹ” – chị tâm sự.

Điểm trường Bản Mù Thấp, Trạm Tấu, Yên Bái.

Xã Bản Mù (Trạm Tấu, Yên Bái) từng được coi là thủ phủ của loài hoa anh túc. Nơi đây 100% là đồng bào người Mông, đời sống đói nghèo, lạc hậu. Nhờ có con chữ, đời sống ở Bản Mù dần đổi thay. Thầy giáo Trần Tiến Thanh – Hiệu phó Trường Phổ thông dân tộc bán trú xã Bản Mù cho hay, hiện trường có 10 lớp với 15 giáo viên, 275 học sinh, tỉ lệ học sinh trong độ tuổi đến lớp đạt gần 100%. Để có kết quả này là sự cố gắng không mệt mỏi của cả tập thể nhà trường. Năm 1998, sau khi vừa ra trường, thầy giáo Thanh xung phong lên Bản Mù. Khi đó, anh được phân công dạy học ở điểm trường Giang La Páng, một trong những điểm trường khó khăn nhất.

Anh kể lại: “Ngày đầu tiên tôi đến nhận công tác, tôi đã phải đi bộ 17km để tới trường vì ngay cả đường cho xe máy cũng không có. Trường đặt ở trên núi cao nên cứ vào mùa đông là trời mù mịt, phơi quần áo cả tuần không khô, phải mang vào bếp để hong mới có quần áo mặc. Điện không có, đêm nào cũng phải ngồi soạn bài dưới ngọn đèn dầu tù mù”. Để vận động đồng bào người Mông cho con đến trường là việc làm không dễ. Anh bảo: “Hễ cứ vào mùa làm nương là các em nghỉ học gần hết. Chúng tôi lại phải đến từng nhà vận động các em trở lại trường. Đường sá đi lại ở đây rất khó khăn, nhiều bản chưa có đường xe máy, phải đi bộ vài giờ mới tới. Đã vậy, nhiều gia đình còn tỏ thái độ bất hợp tác”. 17 năm dạy học ở Bản Mù, anh may mắn hơn nhiều người khi đã xây dựng cho mình một gia đình hạnh phúc. Vợ anh – cô giáo Lan - cũng là người miền xuôi, quê Thái Bình tình nguyện lên với Bản Mù. Gặp nhau, yêu nhau rồi nên duyên vợ chồng. Anh bảo, anh còn may mắn khi lấy được vợ, nhiều giáo viên ở vùng cao rơi vào cảnh lẻ bóng do không có nhiều điều kiện giao lưu, gặp gỡ trong khi tuổi xuân cứ từng ngày qua đi.

Lớp học của cô giáo Kiều Thị Thuỳ Lan – điểm trường Háng Chi Mua – Trường Mầm non Họa My (xã Bản Mù) vẫn chỉ là nhà tạm. Đây là điểm trường xa nhất, cách trung tâm xã 14km, đường đi đều là dốc thẳng đứng với toàn đá hộc. Háng Chi Mua cũng là bản 100% đồng bào người Mông, đời sống đặc biệt khó khăn. Là người trẻ nhất của trường (sinh năm 1992), cô giáo Lan tự nguyện lên dạy học ở Háng Chi Mua, mặc dù cho đến nay, điểm trường này chỉ có duy nhất một lớp. “Khó khăn lớn nhất của em là không biết tiếng Mông, trong khi ở bản rất ít người nói được tiếng Kinh. Khi cần nói chuyện với phụ huynh, em đều phải nhờ học sinh phiên dịch giúp” – Lan chia sẻ. 

Nói về những khó khăn, vất vả của giáo dục vùng cao, cô giáo Nông Thị Mến – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quang Trung (xã Quang Trung, Trà Lĩnh, Cao Bằng) bộc bạch: “Khổ nhất là thời tiết khắc nghiệt, mùa đông có lúc xuống tới 1-2 độ, xuất hiện băng giá khắp nơi. Theo qui định, nếu nhiệt độ xuống dưới 10 độ thì học sinh được nghỉ học, nhưng với đặc thù vùng cao, mùa đông kéo dài, nếu nghỉ quá nhiều thì không kịp chương trình. Vậy là những ngày nhiệt độ không giảm quá sâu, cả giáo viên và học sinh đều phải cố gắng khắc phục tới lớp”.

Không ai có thể nói hết những hi sinh thầm lặng của những giáo viên cắm bản. Họ cứ lặng lẽ làm công việc của mình, không chờ vinh danh. Vùng cao trở thành nơi thử thách ngọn lửa nhiệt tình của người trẻ. Nhìn những đứa trẻ người Mông chạy chân đất, ôm cặp sách tới trường, trong lòng tôi tràn đầy tin tưởng, rằng đây sẽ là thế hệ làm nên đổi thay cho những bản nghèo.

Khánh Vy – Lưu Hiệp
.
.
.