Thi trung học phổ thông quốc gia năm 2020:

Giảm tải kiến thức để giảm bớt áp lực cho học sinh ?

Thứ Ba, 17/03/2020, 18:03
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã lùi kỳ thi trung học phổ thông quốc gia (THPTQG) năm 2020 sang tháng 8/2020.

Đây là lần thứ 2 lịch thi THPTQG được điều chỉnh để phù hợp với diễn biến tình hình thực tế. Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, Bộ GD&ĐT nên tính tới phương án giảm tải kiến thức, điều chỉnh nội dung thi THPTQG để học sinh không quá áp lực vì phải “bù đắp” kiến thức do thời gian nghỉ học kéo dài.

Đề xuất chỉ thi các môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ; bỏ các bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên và Khoa học xã hội trong kỳ thi THPTQG năm 2020 để giảm bớt áp lực cho học sinh, tạo điều kiện cho phụ huynh, học sinh yên tâm chống dịch của thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie Hà Nội đã thu hút sự quan tâm của dư luận với nhiều ý kiến trái chiều. 

Theo ghi nhận của chúng tôi, rất nhiều phụ huynh có con học lớp 12 bày tỏ sự đồng tình với đề xuất này. Tuy nhiên, nhiều giáo viên và nhà quản lý giáo dục lại cho rằng, việc giảm bớt môn thi THPTQG sẽ khó khả thi vì kỳ thi THPTQG là kỳ thi đánh giá kiến thức phổ thông do đó, vẫn cần đầy đủ các môn thi, bài thi. Thay vào đó, các ý kiến đề xuất Bộ GD&ĐT xem xét giảm tải kiến thức, điều chỉnh nội dung thi THPTQG để giảm bớt áp lực cho học sinh.

Cô Phạm Thái Lê, giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Marie Curie Hà Nội cho biết: Với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 như hiện nay, Bộ GD&ĐT cần tính tới phương án tinh giản chương trình học chung cho học sinh các cấp. 

Riêng đối với học sinh lớp 12, Bộ có thể giới hạn khung ôn tập theo hướng tinh giản hơn. Vì khung ôn tập và dung lượng đề thi hoàn toàn do Bộ GD&ĐT quyết định và có thể điều chỉnh. Bộ có thể quyết định tinh giản phần kiến thức nào, ra đề trong phạm vi kiến thức nào. Với sự điều chỉnh này, dung lượng của đề thi, số lượng các môn thi, đặc biệt là chất lượng của kỳ thi vẫn giữ nguyên mà học sinh không phải kéo dài giai đoạn ôn tập để “bù đắp” vào thời gian nghỉ học vì dịch COVID-19. 

“Đơn cử như với môn Ngữ văn chẳng hạn, bình thường như mọi năm, Bộ GD&ĐT có thể giới hạn ôn tập trong 15 bài, năm nay có thể giảm bớt 3 bài, còn lại 12 bài chẳng hạn. Trong 12 bài đó, tiếp tục giới hạn phần nào giữ nguyên, phần nào bỏ đi. Điều này sẽ giúp người ra đề thi hoàn toàn có thể chủ động trong việc không ra đề thi vào phần học sinh không học và không thi”- cô Phạm Thái Lê chia sẻ.

Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) cho rằng: Nếu học sinh nghỉ học hết tháng 3 thì vẫn kịp thi THPTQG vào tháng 8 nhưng nếu thời gian nghỉ học kéo dài thêm nữa thì Bộ GD&ĐT sẽ hết “đường lùi”. 

Cùng với việc tinh giảm bớt nội dung kiến thức cho học sinh để đáp ứng thời gian học còn lại, Bộ GD&ĐT cũng nên xem xét điều chỉnh nội dung thi THPTQG để phù hợp với kiến thức của học sinh. Đồng thời cân nhắc, xây dựng và sớm ban hành đề minh họa các môn thi, giúp học sinh và các nhà trường có kênh tham khảo chính thức để ôn tập và yên tâm về định hướng ra đề trong năm học “đặc biệt” này.

Thầy Đào Tuấn Đạt, Hiệu trưởng Trường THPT Anhxtanh Hà Nội cũng cho biết: Kế hoạch học tập và thi cử hoàn toàn phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh và không thể nói trước. Tâm trạng phụ huynh và học sinh, đặc biệt ở các lớp cuối cấp đang cực kỳ lo lắng. 

Việc học online đem lại sự yên tâm phần nào về mặt tâm lý chứ hiệu quả không đến đâu. Do vậy, việc cần làm ngay lúc này là giới hạn phần kiến thức đã học cho đến khi học sinh nghỉ vì dịch, tức là từ đầu năm học cho đến hết tháng 1-2020. Khoanh phần kiến thức chưa học lại. 

Học sinh lớp 9 và lớp 12 dành thời gian này để ôn tập, không học thêm kiến thức mới. Đồng thời, xem xét giới hạn vùng kiến thức thi THPTQG để các tỉnh, thành chủ động ôn tập bằng nhiều hình thức khác nhau. Trong đó, trọng tâm kiến thức thi THPTQG năm 2020 nên nghiêng về kiến thức học kỳ I và chỉ thêm một phần nhỏ của học ky II.

Kỳ thi THPTQG năm 2020 đã được điều chỉnh lùi sang tháng 8. Ảnh minh họa

TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý-Giáo dục Hà Nội nêu quan điểm: Trong trường hợp nếu vẫn kịp thi THPTQG trong tháng 8 thì Bộ cũng nên tính đến việc điều chỉnh nội dung đề thi, không nên để quá dàn trải hết chương trình như lâu nay vẫn làm. 

Điều chỉnh này không chỉ nhằm ứng phó với dịch bệnh mà đã đến lúc chúng ta cần thay đổi về cách ra đề thi, làm thế nào để đánh giá được phương pháp tư duy, năng lực của học sinh, đánh giá được khả năng vận dụng của học sinh trong từng nội dung học tập, chứ không phải để kiểm tra khối lượng kiến thức. 

TS. Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐHQG TP HCM cũng lưu ý: Nếu dịch bệnh không tiếp tục diễn biến phức tạp, học sinh trở lại trường vào đầu tháng 4 thì việc tổ chức kỳ thi THPTQG vào tháng 8 vẫn có thể diễn ra. Nhưng nếu dịch phức tạp kéo dài hơn nữa thì sự tồn tại của kỳ thi này và các phương án khác thay thế cần được tính đến. Do vậy, Bộ GD&ĐT cũng cần dự tính đến các phương án khác trong tình huống xấu nhất, khi dịch bệnh kéo dài.

Liên quan đến những đề xuất này, Bộ GD&ĐT cho biết: Bộ GD&ĐT đánh giá cao và ghi nhận sự đóng góp ý kiến của dư luận xã hội về kỳ thi THPTQG năm 2020. Đây cũng là những kênh thông tin cần thiết để Bộ tham khảo trong quá trình xây dựng các chính sách liên quan đến kỳ thi quan trọng này. Thông tin chính thức về kỳ thi THPTQG năm 2020 sẽ được Bộ GD&ĐT thông báo rộng rãi trong thời gian tới.

Huyền Thanh
.
.
.