Gập ghềnh đại học ngoài công lập

Thứ Sáu, 07/04/2017, 09:31
Sự góp mặt của loại hình trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) ngoài công lập (NCL) vào bức tranh tổng thể giáo dục đại học Việt Nam hơn 20 năm qua đã tạo nên diện mạo mới cho giáo dục Việt Nam, tăng thêm cơ hội được học tập và tạo việc làm cho hàng chục vạn người. Tuy vậy, con đường mà các trường ĐH NCL đang đi, theo chủ trương xã hội hóa giáo dục, đang rất gập ghềnh.


Bài 1: Trường đại học ngoài công lập ngày càng “teo tóp”

Chỉ tiêu 40% sinh viên theo học ở các ĐH tư thục vào năm 2020 đang bị thách thức và khó trở thành hiện thực, nhiều trường ĐH NCL đang đứng trước nguy cơ phải giải thể vì không có người học. 

Trong hàng loạt nguyên nhân dẫn đến tình trạng “sống dở, chết dở” của các ĐH NCL, có nguyên nhân xuất phát từ những bất cập trong cơ chế, chính sách của nhà nước đối với loại hình giáo dục này.

Thí sinh nộp hồ sơ và nghe tư vấn xét tuyển vào trường ĐH Văn Hiến.

Nghị quyết 14/2005/NQ-CP ngày 2-11-2005 của Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục ĐH Việt Nam giai đoạn 2006-2020 đặt mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ sinh viên hệ  ĐH NCL đạt 40%. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, khối trường ĐH NCL mới đạt được 14% và phần lớn các trường NCL đều không thực hiện được kế hoạch tuyển sinh dù đã phải nghĩ ra “trăm phương nghìn kế”. 

Nhiều trường cho biết, mặc dù đã đầu tư cơ sở vật chất, giảng viên, giáo trình, thậm chí là cam kết có “đầu ra”... nhưng vẫn không thu hút được người học. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài thì chắc chắn nhiều trường ĐH NCL sẽ bị đào thải khỏi hệ thống các trường ĐH.

“Hẹp cửa” tuyển sinh

Không chỉ rơi vào tình trạng khó khăn về cơ sở vật chất và lực lượng giảng dạy, nhiều trường đại học NCL dù đã xây dựng được trường lớp khang trang hiện đại, bỏ ra không ít tiền để thu hút nhân tài, nguồn giảng viên có năng lực tốt, cam kết đảm bảo chất lượng đầu ra nhưng vẫn rơi vào tình trạng thiếu sinh viên trầm trọng. 

Đa phần các trường ĐH NCL liên tiếp nhiều năm trở lại đây chỉ có 20%-30% sinh viên đến đăng ký xét tuyển so với chỉ tiêu tuyển sinh, hoặc chỉ tuyển được khoảng 20- 50% chỉ tiêu đề ra. 

Một số trường ĐH NCL đóng tại một số địa phương như ĐH Hòa Bình có năm chỉ tuyển được vài trăm sinh viên trên hàng nghìn chỉ tiêu, ĐH Chu Văn An (Hưng Yên) chỉ tuyển được 100 trên tổng số 1.000 chỉ tiêu. Thậm chí, một số trường dù có cơ sở rất khang trang nhưng cuối cùng cũng có nguy cơ giải thể do không tuyển được người vào học như ĐH Hà Hoa Tiên ở Hà Nam...

Một số trường ĐH NCL đã ít nhiều định hình được thương hiệu như ĐH Dân lập Hải Phòng, ĐH Kinh doanh và Công nghệ, ĐH Hoa Sen, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Đông Đô... cũng rơi vào tình trạng “mỏi mắt, dài cổ” đợi thí sinh. 

GS Trần Hữu Nghị, Chủ tịch HĐQT ĐH Dân lập Hải Phòng cho biết: “15 năm qua, trường thành lập và luôn luôn tuyển sinh được. Nhưng những mùa tuyển sinh gần đây, trường đều không tuyển đủ học sinh. Nhiều trường công lập đã hạ điểm chuẩn đến tận điểm sàn để tuyển sinh thì còn đâu thí sinh cho khối NCL nữa. Thậm chí, không ít thí sinh đã yên vị ở trường NCL rồi nhưng khi thấy các trường công lập hạ điểm thì lại rút hồ sơ và chuyển sang trường công lập”. 

Ông Nguyễn Ánh, Hiệu trưởng trường ĐH Tài chính - Ngân hàng Hà Nội cũng cho rằng:  Trong mùa tuyển sinh năm 2016, nhà trường đã tìm đủ cách để thu hút và giữ chân thí sinh như trực tiếp gọi điện vào số điện thoại của thí sinh đã nộp hồ sơ để tư vấn về ngành, nghề đào tạo; thậm chí là quyết định cấp giấy chứng nhận trúng tuyển ngay khi thí sinh đến làm thủ tục, nếu đủ điều kiện điểm xét tuyển theo yêu cầu của trường nhưng vẫn không thể tuyển đủ chỉ tiêu.

GS Hoàng Xuân Sính, Chủ tịch HĐQT trường ĐH Thăng Long, ĐH NCL đầu tiên được thành lập tại Việt Nam chia sẻ: 

Mặc dù các trường NCL đã xuất hiện hơn 20 năm nay, tuy nhiên, xã hội vẫn còn nhiều định kiến với hệ thống các trường NCL. Thực tế trong 20 năm qua, nhà trường đã không ngừng nỗ lực để tạo ra những lớp sinh viên tài năng có nhiều học bổng và có ngay công ăn việc làm ở những nơi mà nhiều sinh viên tốt nghiệp mơ ước, nhưng cũng chẳng mấy hấp dẫn sinh viên và phụ huynh vì với nhiều người, cho con học trường công vẫn “oai” hơn. Thậm chí, sinh viên tốt nghiệp trường NCL đi xin việc cũng “vấp” ngay phản ứng của các doanh nghiệp, nhất là các cơ quan nhà nước. 

“Để các trường có thể nuôi được chính mình, cần một lượng sinh viên ổn định bởi tuyển sinh quá ít, các trường sẽ không có nguồn chi trả. Do vậy, khâu tuyển sinh luôn là khâu quan trọng bậc nhất đối với các trường NCL. Nhưng rõ ràng, khi sinh viên khóa trước tốt nghiệp khó có việc làm chỉ vì xã hội kỳ thị thì ắt hẳn khóa sau các em sẽ e ngại để xét tuyển vào trường. Không có sinh viên thì phá sản ngay lập tức vì trường không có nguồn tài chính nào khác là thu học phí. Một năm, hai năm, rồi ba năm không đủ chỉ tiêu… mọi tổ chức, mọi nhân sự, mọi học thuật phải thay đổi hết”, GS Hoàng Xuân Sính cho biết.

Trường công đang "lấn sân"

Giải thích nguyên nhân dẫn đến việc các trường ĐH NCL khó tuyển sinh, lãnh đạo nhiều trường ĐH NCL cho rằng: Lợi dụng sự lỏng lẻo của Bộ GD&ĐT trong quản lý, các trường công lập đang “bành trướng” bằng cách tăng chỉ tiêu tuyển sinh. Hết chỉ tiêu, lại còn mở thêm hệ ngoài ngân sách hay liên kết với mục tiêu là “vét” được nhiều thí sinh càng tốt. Bên cạnh đó, việc các trường công tuyển sinh bằng điểm sàn cũng đã khiến cho nhiều em quyết định chọn trường công lập thay vì trường NCL vì học phí ưu đãi hơn. 

Ông Vũ Phán, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Phương Đông cho biết: Việc các trường không tuyển đủ chỉ tiêu trong các mùa tuyển sinh gần đây cho thấy, cung- cầu trong tuyển sinh đang mất cân đối. Nguyên nhân là nhu cầu thí sinh vào các trường ĐH, CĐ đã giảm. Trong khi đó, các trường công lại được “thả cửa” chỉ tiêu tuyển sinh nên đã tận dụng mọi cơ hội để “vơ vét” hết các thí sinh bằng mức điểm sàn, vốn là đối tượng chính của các trường NCL.

GS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH-CĐ Việt Nam cũng khẳng định: Một trong những lý do dẫn đến tình trạng các trường NCL không có nguồn tuyển là do từ năm 2012, Bộ GD&ĐT cho phép các trường ĐH được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh nên tổng chỉ tiêu tuyển sinh của hệ ĐH công lập đã đạt con số kỷ lục trên 500.000, vượt xa tổng chỉ tiêu của toàn ngành (cả công lập và NCL) ở những năm trước đó. Việc tăng mạnh chỉ tiêu tuyển sinh của các trường công lập, vốn được xã hội ưu tiên lựa chọn, đã làm hẹp cửa tuyển sinh của các trường NCL.

GS Đào Trọng Thi, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng cho rằng: Bộ GD&ĐT cho phép các trường tự xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh được xem là phương thức mới phù hợp với Luật Giáo dục ĐH. 

“Lẽ ra việc các trường được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh phải kèm theo một số điều kiện đảm bảo chất lượng do Bộ GD&ĐT ban hành nhưng dường như Bộ lại hoàn toàn thả lỏng. Đây cũng chính là kẽ hở để các trường xây dựng chỉ tiêu “vống” lên. Nếu mỗi trường công lập đều xây dựng chỉ tiêu “vống” lên khoảng 10-15% thì sẽ “hết phần” của các trường NCL, vì các trường này đến nay mới chỉ chiếm khoảng 14%”. 

Trong khi đó, các trường công lập có lợi thế là học phí nhẹ hơn do được bao cấp một phần, chất lượng cũng được đánh giá cao hơn nên đương nhiên học sinh sẽ dồn vào các trường công lập”- GS Đào Trọng Thi đặt vấn đề. 

GS. Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cũng cho biết: Ở các quốc gia phát triển như Mỹ, việc phân tầng ĐH rất rõ ràng, ở mỗi bang, tầng trên tuyển 12% chỉ tiêu của bang đó, tầng giữa khoảng 30%, còn lại tầng dưới. Ở Việt Nam, mới có phân công chứ chưa phân tầng. Phần lớn các trường muốn tuyển sinh thật nhiều để tăng thu nhập, nên đã lấn sang tầng dưới, nơi tập trung nhiều đại học NCL.

Huyền Thanh
.
.
.