Đừng để nhà vệ sinh trường học là nỗi sợ hãi của học sinh (bài cuối)

Thứ Tư, 25/09/2019, 08:02
Giữ được nhà vệ sinh sạch trong bối cảnh cơ sở vật chất xuống cấp, quá tải sỹ số học sinh là bài toán không dễ của nhiều trường công lập trên địa bàn Hà Nội. Thực tế cho thấy, ở nhiều trường, dù có nhà vệ sinh đạt chuẩn, trang thiết bị hiện đại nhưng chỉ sau vài hôm sử dụng lại nhếch nhác, mất vệ sinh nghiêm trọng.


Bài cuối: Quyết liệt thay đổi, vì một nhà trường thân thiện


Từ thực trạng trên, nhiều ý kiến cho rằng, cùng với việc thiết kế, xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn thì việc giáo dục, nâng cao ý thức cho học sinh khi sử dụng nhà vệ sinh cũng phải được coi là một nhiệm vụ quan trọng trong các nhà trường.

Điểm sáng từ “nhà vệ sinh thân thiện”    

Tại Trường Tiểu học Dịch Vọng B, Cầu Giấy (Hà Nội), nhà vệ sinh được thiết kế theo không gian mở, thoáng đãng, không có mùi hôi. Mỗi nhà vệ sinh nam, nữ có từ 3-4 bồn vệ sinh. Tại chậu rửa tay, giấy, xà phòng, máy sấy khô được trang bị đầy đủ. Ngay trên đó là nội dung hướng dẫn 6 bước trong quy trình rửa tay thường quy. Những chậu cây xanh, những bức tranh 3D vẽ theo chủ đề bảo vệ môi trường… được trang trí trên tường nhà vệ sinh tạo sự gần gũi, thân thiện với học sinh.

Đặc biệt nhất là tiếng nhạc du dương, nhẹ nhàng được phát ra từ hệ thống nhạc tự động. Với không gian khô ráo, sạch sẽ, thân thiện, nhà vệ sinh đã không còn là nỗi ám ảnh đối với học sinh tại ngôi trường này. Nhà vệ sinh tại Trường THCS Khương Mai, quận Thanh Xuân (Hà Nội) cũng được học sinh và phụ huynh đánh giá là sạch sẽ, thân thiện.

Cùng với việc sử dụng mô hình nhà vệ sinh công nghiệp, có đội ngũ lao công chuyên nghiệp được thuê ở ngoài dọn dẹp hằng ngày sử dụng nguồn kinh phí của quận Thanh Xuân, nhà trường còn bổ sung thêm nhiều cây xanh, tranh vẽ, hệ thống nhạc bằng nguồn kinh phí của trường và đặc biệt là thường xuyên nâng cao ý thức cho học sinh về việc giữ gìn nhà vệ sinh.

Học sinh thoải mái, dễ chịu khi sinh hoạt trong nhà vệ sinh sạch sẽ, thân thiện.

Cô Nguyễn Thanh Hà, giáo viên chủ nhiệm lớp 7A1 cho biết: “Thứ hai đầu tuần nào nhà trường cũng có chuyên đề được trực tiếp Ban Giám hiệu, cô Hiệu trưởng hoặc thầy Hiệu phó nói chuyện với các em học sinh. Ngoài nhiệm vụ học tập chính, nhà trường còn căn dặn các em bảo đảm an toàn giao thông, công tác vệ sinh môi trường, đặc biệt là ý thức sử dụng nhà vệ sinh. Những bài học nhỏ được bồi đắp hằng ngày đã thấm dần vào ý thức của mỗi học sinh giúp các em tự giác, coi đó là nhiệm vụ của mình”.

Không chỉ quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, mô hình nhà vệ sinh sạch sẽ, thân thiện cũng đã và đang được nhân rộng ra các huyện ngoại thành như Gia Lâm, Long Biên. Đây là mô hình do Thành đoàn Hà Nội phát động, giao cho các Quận đoàn, Huyện đoàn phối hợp cùng với nhà trường tổ chức. Các nhà vệ sinh sau khi chỉnh trang, cải tạo đều được bố trí khoa học, sạch sẽ hơn, được trang trí bởi cây xanh và các bức tranh gần gũi với học sinh.

Qua đó giúp các em thay đổi cảm nhận của mình với nhà vệ sinh trước đây, đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc giữ gìn nhà vệ sinh sạch, đẹp. Với mức kinh phí xã hội hóa được huy động từ nhiều nguồn, nhà vệ sinh Trường THCS Trung Mầu (Gia Lâm) đã thay đổi hoàn toàn diện mạo bên ngoài. Ngoài việc sửa chữa, dọn dẹp nhà vệ sinh sạch, đẹp, đoàn viên, thanh niên và học sinh còn cùng nhau vẽ tranh tường, trồng cây xanh làm đẹp cảnh quan.

Bà Trần Thị Thu Hà, cán bộ phụ trách Đội Trường THCS Trung Mầu cho biết: “Ngay sau khi công trình nhà vệ sinh thân thiện hoàn thành, chúng tôi đã tổ chức tuyên truyền, nâng cao ý thức giữ gìn môi trường cho học sinh. Ngoài ra, nhà trường cũng phân công các lớp thay phiên nhau trực nhật để nhà vệ sinh luôn sạch sẽ; thành lập đội tự quản, kịp thời nhắc nhở học sinh khi vi phạm nội quy”.      

Sẽ quy trách nhiệm cho người đứng đầu

Trong quá trình khảo sát thực tế về nhà vệ sinh trên địa bàn Hà Nội, chúng tôi nhận thấy ở đâu người đứng đầu nhà trường coi nhà vệ sinh là quan trọng, không phải là “công trình phụ” thì ở đó nhìn chung nhà vệ sinh được đảm bảo sạch sẽ, học sinh không bị ám ảnh.

Cũng phải nói thêm rằng, có một số nguyên nhân khách quan khác như nhiều trường học xây lâu năm, công trình xuống cấp, thiếu nước, thiết bị vệ sinh hay hỏng hóc cũng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nhà vệ sinh. Điều này đôi khi nằm ngoài tầm của các hiệu trưởng bởi việc sửa chữa trong các trường công lập phần lớn đều trích từ kinh phí của địa phương.

Việc phê duyệt, thủ tục hành chính để được đầu tư, sửa chữa khá rườm rà trong khi đó nhu cầu sử dụng nhà vệ sinh của học sinh là hằng ngày và không chờ đợi được.

Mặc dù trường học được xây dựng từ nhiều năm, nhà vệ sinh không được hiện đại, khang trang như những trường học mới xây, tuy nhiên, do có cách quản lý, vận hành phù hợp, nhà vệ sinh của Trường Tiểu học Phú Lãm 2 - Hà Đông và Tiểu học Bình Minh-Hoàn Kiếm (Hà Nội) đều được phụ huynh, học sinh đánh giá là sạch sẽ.

Ông Nguyễn Viết Hải, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Lãm 2 cho biết: Do sỹ số học sinh đông, số lượng nhà vệ sinh lại có hạn nên nhà trường phải sử dụng song song 2 giải pháp là hợp đồng với nhân viên làm vệ sinh quét dọn đều đặn một ngày 2 lần và tuyên truyền, nâng cao ý thức sử dụng nhà vệ sinh trong toàn thể giáo viên, học sinh.

“Định kỳ hằng tuần, hằng tháng, các thầy cô trong Ban Giám hiệu vào một số lớp dự sinh hoạt và chia sẻ một cách nhẹ nhàng, hài hước về vấn đề này. Từ đó, học sinh được giáo dục ý thức giữ vệ sinh cá nhân, trường lớp, dần dần tạo thành thói quen tốt cho tất cả các em. Khi chủ trương này được lan tỏa tới các lớp và trở thành một phong trào trong toàn trường, chất lượng nhà vệ sinh từng bước đã được cải thiện nhiều so với trước” - thầy Hùng chia sẻ.

Thầy Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cũng cho rằng: Để có nhà vệ sinh sạch sẽ, thân thiện trước hết phải bắt đầu từ thay đổi trong nhận thức, tư duy của người lãnh đạo.

Nói cách khác, người đứng đầu nhà trường không thể coi nhà vệ sinh là “công trình phụ”, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng sinh hoạt, học tập của học sinh. Do đó, bên cạnh việc xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn theo quy định cứng, các nhà trường cần phải chú trọng hơn đến việc giáo dục ý thức sử dụng công trình công cộng trong trường học cho giáo viên, học sinh. Mỗi ngày, Hiệu trưởng có thể giành ít phút kiểm tra nhà vệ sinh, nhắc nhở và khen chê kịp thời.

“Ở Nhật Bản, dọn vệ sinh trường học có ý nghĩa quan trọng trong giáo dục tại các nhà trường. Từ khi vào lớp 1, học sinh đã làm quen với việc trực nhật. Tùy quy định của từng trường học và dựa vào lứa tuổi, các em được giao nhiệm vụ lau sàn nhà, hành lang và thậm chí dọn nhà vệ sinh. Giáo viên hỗ trợ học trò bằng cách phân công lịch trực thích hợp, chia việc cụ thể cho từng người. Nhờ đó, mọi việc diễn ra công bằng, không có học sinh nào phải dọn nhà vệ sinh quá nhiều lần so với các em khác” - thầy Lâm đưa ra gợi ý.

Ông Phạm Gia Hữu, Trưởng phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân cũng nêu quan điểm: Để có nhà vệ sinh đạt chuẩn, sạch sẽ, thân thiện không chỉ là sự đầu tư của các cấp chính quyền mà còn cần sự vận hành, quản lý tốt của các nhà trường. Trong đó, việc đảm bảo nhà vệ sinh sạch sẽ tại các trường học phải được gắn liền với trách nhiệm của lãnh đạo, giáo viên, nhân viên và học sinh. Đặc biệt, nhà trường phải tuyên truyền nâng cao nhận thức sử dụng nhà vệ sinh, giúp các em nhận thức đó cũng là nhiệm vụ hằng ngày và thường xuyên của chính mình.

Về vấn đề này, ông Phạm Hùng Anh, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất, Bộ GD&ĐT cho biết: Bộ GD&ĐT đang phát động phong trào đảm bảo nhà vệ sinh trong học sinh và giáo viên bằng việc nâng cao ý thức của các em về trách nhiệm giữ gìn vệ sinh. Cùng với đó, Bộ GD&ĐT cũng đưa việc đảm bảo vệ sinh vệ sinh trường học vào tiêu chí thi đua và “quy trách nhiệm cho người đứng đầu”.

Huyền Thanh
.
.
.