Du học bằng tiền ngân sách rồi… mất hút

Thứ Năm, 04/08/2016, 09:05
Thời gian qua, lùm xùm nhiều vụ công chức, cán bộ ở TP Cần Thơ được đưa đi đào tạo nước ngoài nhưng không về phục vụ địa phương. Việc này làm tốn chi phí ngân sách, thời gian, thậm chí có trường hợp đi học về không phục vụ và không trả lại tiền hoặc mất tích.


Đi rồi không về

Ông Nguyễn Việt Trung, Phó giám đốc Sở Nội vụ TP Cần Thơ thông tin: “Đề án 150 của TP Cần Thơ (thuộc Chương trình Mêkông 1.000, đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ cho vùng ĐBSCL) đưa đi đào tạo được 121 thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài. Hiện nay đã về nước 115 người; 2 người ở lại nước ngoài để học tiếp lên tiến sĩ do săn được học bổng; 3 trường hợp không về và gia đình đang làm thủ tục bồi thường kinh phí đào tạo; 1 trường hợp không liên lạc được, đang nhờ cơ quan lãnh sự và trong nước tìm”.

Trường hợp không liên lạc được là bà Nguyễn Thị Ngọc Anh (32 tuổi), nguyên là nhân viên của Trường ĐH Cần Thơ. Từ tháng 7-2008, bà Anh được cử đi đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Quan hệ công chúng tại Trường Đại học Sydney - Australia trong thời hạn 12 tháng.

Dự kiến, sau khi đào tạo trở về, TP Cần Thơ sẽ bố trí bà Ngọc Anh vào một trong số các vị trí như: chuyên viên phụ trách kinh tế đối ngoại, phụ trách trang web của TP hoặc làm việc tại cơ quan thông tin và truyền thông. 

Nhưng từ tháng 7-2009, Ban chỉ đạo Đề án 150 không liên lạc được với bà Anh. Từ đó đến nay, Sở Nội vụ TP Cần Thơ phối hợp với Cơ quan Công an, Đại Sứ quán Việt Nam tại Australia tìm bà Anh nhưng vẫn không có tung tích. Riêng về gia đình bà Anh sinh sống tại huyện Vĩnh Thạnh, hiện nay đã rời khỏi địa phương nên khó khăn trong việc thu hồi kinh phí đào tạo.

Trường ĐH Cần Thơ, nơi có nhiều cán bộ được đào tạo bằng nguồn ngân sách nhưng không trở về.

Theo ông Trung, đối với những trường hợp về nước thì có 5 người không thực hiện đúng nghĩa vụ như cam kết, đi khỏi cơ quan được phân công trước thời hạn quy định. Đến nay, có 2 trường hợp đã đền bù xong và 3 trường hợp yêu cầu thực hiện chờ đền bù. TP Cần Thơ khuyến khích cán bộ công chức đi học. 

Theo quy hoạch từng giai đoạn, mỗi năm UBND TP Cần Thơ có kế hoạch cụ thể số lượng cán bộ, công chức đi học cho mỗi sở, ngành, trên tinh thần đúng ngành nghề và đúng yêu cầu mà TP đang cần.

Ngoài ra, TP Cần Thơ cũng khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức tự túc học hoặc cơ quan cho phép về thời gian. “Nguồn cử đi học cho Đề án 150 chủ yếu là sinh viên mới ra trường. Phần lớn các em về được phân công đúng ngành nghề được học nên làm việc có hiệu quả. Nhưng một số ít trường hợp đi học không đúng chuyên ngành nên có tâm tư chán nản và bỏ việc”, ông Trung đánh giá.

TS Vũ Thị Nhuận từng bị chính nơi mình làm việc kiện đòi bồi thường chi phí đào tạo.

Làm nửa chừng rồi nghỉ ngang

Cách đây không lâu, ông Trần Ngọc Phi Long, nguyên Phó trưởng phòng hợp tác Quốc tế thuộc Sở Ngoại vụ TP Cần Thơ, là cán bộ nguồn được đưa đi học thạc sĩ chuyên ngành Quản lý quan hệ quốc tế tại Anh theo Đề án 150. 

Sau khi về nước, ông Long trở về đơn vị phục vụ. Tuy nhiên, vào năm 2014, ông Long được cơ quan cử đi Mỹ tham gia khoá đào tạo ngắn hạn 13 ngày theo chương trình hợp tác của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam.

Đến ngày về, ông Long tự ý tách đoàn, ở lại Mỹ. Sau đó, ông Long gửi thư bằng đường bưu điện về Sở Ngoại vụ xin nghỉ việc với lý do gia đình và sức khoẻ. Cho đến nay, ít ai biết thông tin về ông Long, kể cả họ hàng. Một nguồn tin cho hay, rất có thể sau khi ở lại Mỹ, ông Long học lên tiến sĩ chương trình học bổng tự săn, qua giới thiệu của bạn bè từng du học tại vương quốc Anh.

Không giống ông Long, ông Doãn Minh Đăng là cán bộ được cử đi học theo Đề án 150 nhưng sau khi về nước có làm việc tại Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ và được phân công làm Phó Trưởng Khoa Điện - Điện tử - Viễn thông. Tuy nhiên, ông Đăng cho rằng mình bị nhà trường gây khó dễ. Khi đó, UBND TP Cần Thơ phải vào cuộc hoà giải, kết cuộc ông Đăng rời khỏi trường và đền bù kinh phí đào tạo. 

Trường hợp khác, TS Vũ Thị Nhuận, từng là giảng viên của Trường ĐH Cần Thơ tâm sự rằng, khi đi học từ Nhật về, bà mong muốn cống hiến những gì đã học cho sự phát triển của nhà trường và TP Cần Thơ.

Sau đó, bà tiếp tục xin đi học lần 2, nhưng không được ban giám hiệu chấp thuận nên phải làm đơn xin nghỉ việc. PGS-TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ cho biết, qua rà soát, có trên 30 cán bộ đi học ở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước lại không về, hoặc về nhưng không làm việc tại trường. Những trường hợp này, trường đã ra quyết định kỷ luật buộc thôi việc. Hiện trường đang nợ trên 10 tỷ đồng ngân sách do không thu hồi được kinh phí vì những cán bộ này ở nước ngoài.

Gần đây nhất, nhiều bác sĩ tại Bệnh viện đa khoa TP Cần Thơ xin nghỉ hoặc chuyển công tác đi nơi khác làm việc. Bác sĩ Lê QuangVõ, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ cho biết: “Một bác sĩ không đảm bảo sức khỏe, một người có chồng công tác ở bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh nên xin chuyển về trên đó đoàn tụ. Người còn lại xin chuyển về quê để chăm sóc cha mẹ già. Cả 3 người này đều có lý do chính đáng nên bệnh viện họp thống nhất tạo điều kiện cho chuyển công tác.

Bác sĩ Huỳnh Minh Phú – Trưởng phòng tổ chức bệnh viện cho biết thêm, thời gian gần đây có 5 bác sĩ nộp đơn xin nghỉ việc với lý do gia đình, áp lực công việc, thu nhập thấp… Lãnh đạo bệnh viện đã tìm cách khắc phục, thuyết phục và một số bác sỹ rút đơn, đồng ý ở lại công tác.

Nhân tài “chảy” về TP Hồ Chí Minh

TS Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chi nhánh Cần Thơ cho biết, vùng ĐBSCL đào tạo được khoảng 25.000 kỹ sư công nghệ thông tin (CNTT) mỗi năm, chủ yếu tập trung tại TP Cần Thơ. Nhưng phần lớn nhân lực CNTT sau khi được đào tạo có xu hướng đổ xô tìm việc tại TP Hồ Chí Minh. 

Nguyên nhân do tại địa phương thiếu “sân chơi”, vì quá ít doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực này. Mặt khác, do điều kiện làm việc tại TP Hồ Chí Minh tốt hơn, mức lương hấp dẫn hơn nên đã thu hút được nguồn lực từ ĐBSCL.

Văn Vĩnh - Như Anh
.
.
.