Đối thoại về sách Công nghệ giáo dục vẫn chưa có hồi kết

Thứ Sáu, 03/01/2020, 17:42
Ngày 3-1, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có buổi đối thoại với GS Hồ Ngọc Đại, PGS Nguyễn Kế Hào, đại diện chương trình Công nghệ giáo dục liên quan đến việc bộ sách Công nghệ Giáo dục bị loại khỏi vòng thẩm định sách giáo khoa (SGK) lớp 1 mới. Đây là buổi đối thoại được thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tại buổi đối thoại, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT đã báo cáo lại quá trình ban hành Thông tư 33 về quy trình biên soạn, thẩm định SGK. Trong đó, khẳng định quy trình tiếp nhận hồ sơ đăng ký thẩm định, việc thành lập hội đồng, quá trình thẩm định diễn ra đúng quy định.

 Theo ông Tài, ngày 18-11-2019, Văn phòng Chính phủ gửi công văn giao cho Bộ GD&ĐT rà soát lại các thủ tục thẩm định GSK. Đến thời điểm này Bộ đã rà soát xong. Việc thứ 2 là đánh giá lại chương trình thực nghiệm của GS Hồ Ngọc Đại, về vấn đề này, từ năm 2017, Bộ GD&ĐT cũng đã thành lập hội đồng thẩm định và đi đến kết luận cho phép triển khai chương trình thực nghiệm cho đến khi có chương trình mới.

Các đại biểu tham dự buổi đối thoại

Trong phần trình bày của mình, PGS-TSKH Nguyễn Kế Hào, Trung tâm công nghệ Giáo dục tái khẳng định, SGK Tiếng Việt 1 Công nghệ có nhiều ưu điểm. Vừa qua, Hội đồng thẩm định 6 bộ sách, 5 bộ được đánh giá đạt, còn bộ sách Công nghệ giáo dục bị loại là không bình thường khiến dư luận xã hội bức xúc. Trên cơ sở đó, PGS Nguyễn Kế Hào kiến nghị, Hội đồng thẩm định cần có tư duy cởi mở, vận dụng hướng dẫn linh hoạt.

 “Hiện cả nước có 48 tỉnh, thành với 90.000 học sinh đang học sách Công nghệ giáo dục. Trẻ học đến đâu chắc đến đó, không tái mù chữ, vì thế không nên loại những cuốn sách này mà đưa vào giảng dạy ở các trường trong năm học mới”- PGS Nguyễn Kế Hào nói.

GS Hồ Ngọc Đại và PGS Nguyễn Kế Hào tại buổi đối thoại

Tại buổi đối thoại, GS Hồ Ngọc Đại cho biết, ông đến cuộc đối thoại này chỉ muốn được xác nhận bộ sách Công nghệ giáo dục của mình được sử dụng cho năm học mới. Khi bộ sách bị loại trong đợt thẩm định đầu tiên, ông không oán trách thành viên của hội đồng, vì họ làm theo trách nhiệm của mình. Tuy vậy, GS Hồ Ngọc Đại cũng nhấn mạnh, bộ sách của ông là công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc suốt 40 năm. Cuốn sách đã được ông sửa chữa và hoàn thiện suốt thời gian qua, đến giờ đã hoàn thiện. GS Hồ Ngọc Đại cũng mong muốn Bộ GD&ĐT thẩm định lại sách Công nghệ giáo dục để tránh việc vận dụng quy định cứng nhắc.

Về phía các thành viên hội đồng thẩm định, PGS Trần Kiều - Chủ tịch Hội đồng thẩm định môn Toán cho rằng, không phải mọi kết luận của hội đồng đều được tất cả các chủ biên tán thành. Do đó, Hội đồng thẩm định cũng rất linh hoạt, rộng rãi. 

Về kiến nghị thẩm định lại bộ sách Công nghệ giáo dục, PGS Trần Kiều cho rằng, khi có chương trình mới, sẽ có những SGK mới phù hợp với chương trình. Có những cuốn SGK rất hay nhưng vẫn phải ngừng. Không thể lấy việc có nhiều học sinh đang học để yêu cầu được tiếp tục. GS Trần Đình Sử cũng chỉ ra nguyên nhân khiến sách của GS Đại bị loại vì sách không đáp ứng chương trình mới. Theo GS Trần Đình Sử, muốn đáp ứng, GS Đại phải sửa theo chương trình vì đây là cuộc chơi chung.

 Phát biểu tại buổi đối thoại, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, Bộ GD&ĐT đã triển khai làm SGK theo Nghị quyết 88 của Quốc hội. Vì thế, quy định, quy trình thẩm định phải đảm bảo công bằng trong tất cả các cuốn sách.  “Bộ khẳng định, việc thẩm định lần này là để công bố cho xã hội đã có những bộ sách đã đáp ứng được tiêu chí để sử dụng cho chương trình giáo dục phổ thông mới. Vì thế nếu coi thẩm định là bước 1 cũng chưa hoàn toàn đúng, nhưng chúng ta sẽ tiếp tục điều chỉnh hàng năm. Còn ý kiến cho rằng Bộ cần có một cách thẩm định khác cho sách Công nghệ Giáo dục thì  lại tạo ra sự không công bằng giữa các bộ SGK khác”- Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu kết luận tại buổi đối thoại

Trước kiến nghị của PGS Nguyễn Kế Hào về việc đánh giá bộ sách Công nghệ giáo dục theo một cách thức khác, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết: Chương trình là gốc, chỉ có một chương trình thống nhất trên toàn quốc. SGK có thể điều chỉnh hàng năm. Do vậy, đề xuất của PGS Nguyễn Kế Hào rất khó thực hiện.

 “Các Chủ tịch Hội đồng đều có khuyến nghị nếu được GS Hồ Ngọc Đại nghiên cứu phương án điều chỉnh cuốn sách này để phù hợp với chương trình mới và tham gia vào việc giảng dạy cho học sinh. Bởi, một trong những mục tiêu khi thực hiện chương trình giáo dục mới là khuyến khích có nhiều bộ SGK đa dạng để sử dụng trong các nhà trường. Bộ GD&ĐT sẽ ghi nhận, tổng hợp ý kiến của GS Hồ Ngọc Đại, PGS Nguyễn Kế Hào để báo cáo lên Chính phủ”- Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh.

    
Huyền Thanh
.
.
.