Điểm chuẩn năm nay dự kiến sẽ cao hơn năm trước

Thứ Bảy, 01/07/2017, 09:55
Ngay sau khi kết thúc kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, các Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) trên toàn quốc đã “dốc sức” tập trung vào việc chấm thi. Theo kế hoạch, đến 7-7, kết quả thi mới được công bố nhưng theo đánh giá của nhiều giáo viên, phổ điểm năm nay dự kiến sẽ cao hơn năm ngoái do đề thi được đánh giá là cơ bản và “dễ thở” hơn.

Với mặt bằng điểm thi cao, điểm chuẩn có thể sẽ tăng và không loại trừ khả năng một số trường tốp đầu sẽ phải xét tuyển bằng tiêu chí phụ.

Ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Để phục vụ cho công tác chấm thi, Hà Nội điều động 697 cán bộ, giáo viên tham gia công tác chấm thi bảo đảm theo các qui định của kỳ thi. Công tác thanh tra, kiểm tra sẽ được triển khai nghiêm túc. Trong đó, tổ chấm thi trắc nghiệm sẽ có sự giám sát chặt chẽ của cán bộ thanh tra của Sở GD&ĐT, thanh tra Bộ GD&ĐT cùng thanh tra đến từ các trường ĐH và lực lượng an ninh.

Dự kiến, việc chấm thi sẽ hoàn thành trong ngày 4-7. Ông Nguyễn Trọng Hoàn, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Nghệ An cho hay: Ngay trong ngày 27-6, đoàn thanh tra của Bộ GD&ĐT và ĐH Vinh cũng đã thanh tra công tác chấm thi tại Nghệ An. Mặc dù năm nay, trừ môn Ngữ văn, tất cả các môn còn lại đều chấm theo hình thức trắc nghiệm nên số lượng giáo viên điều động chấm thi giảm.

Tuy vậy, quy trình chấm thi vẫn phải thực hiện hết sức nghiêm ngặt với sự tham gia của nhiều lực lượng, đặc biệt là sự giám sát của lực lượng an ninh. Dự kiến, công tác chấm thi sẽ hoàn tất trong ngày 3-7. 

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, sau khi có kết quả, nếu thí sinh cảm thấy điểm thi lệch quá nhiều so với dự đoán của mình thì có thể làm đơn phúc khảo. Đối với môn Ngữ văn, quy chế cũng đã quy định rõ việc chấm thi phải chấm 2 vòng độc lập cùng với chấm kiểm tra một tỉ lệ nhất định các bài thi đã được chấm để phát hiện những sai lệch và điều chỉnh.

Năm nay, điểm thi THPT quốc gia sẽ được Bộ GD&ĐT và Sở GD&ĐT 63 tỉnh, thành đồng loạt công bố để tránh tình trạng nghẽn mạng. Ảnh minh họa.

Theo nhận định của nhiều giáo viên phổ thông, với đề thi năm nay, phổ điểm các môn thi dự kiến sẽ cao hơn so với năm ngoái. Trong đó, đối với các môn khoa học tự nhiên, số lượng điểm 8 trở lên sẽ nhiều vì đề thi có tới 60% câu hỏi cơ bản cho học sinh trung bình, 30% câu hỏi cho học sinh khá và 10% còn lại cho học sinh giỏi.

Mặt bằng điểm chung dự kiến sẽ cao nên điểm chuẩn vào các trường có tổ hợp xét tuyển Toán-Lý-Hóa hoặc Toán-Hóa-Sinh nhiều khả năng sẽ nhích hơn so với năm ngoái từ 0,5 đến 2 điểm. Tương tự, các tổ hợp xét tuyển sử dụng các môn Văn-Sử-Địa và Ngoại ngữ cũng sẽ cao hơn vì với đề thi năm nay, các môn Sử và Địa, đặc biệt tiếng Anh được học sinh đánh giá đều dễ kiếm điểm hơn so với năm ngoái.

PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội cho biết: Trong ngày 13 và 14-7, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ xác định điểm chuẩn của trường. Theo kế hoạch, năm nay, Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ có thêm tiêu chí phụ để xét tuyển.

“Như các năm, khi thiếu chỉ tiêu, trường chỉ hạ điểm chuẩn của các ngành xuống 0,1 điểm thì có khoảng 100 thí sinh trúng tuyển vào trường. Năm nay, có thể điểm thí sinh sẽ cao hơn các năm mà chỉ tiêu của trường có hạn, đồng thời, để đảm bảo công bằng buộc trường phải đưa thêm tiêu chí phụ vào xét tuyển, thậm chí có thể ưu tiên những thí sinh chỉ xét nguyện vọng vào các ngành của trường” - ông Tớp chia sẻ.

Theo PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân, điểm chuẩn năm nay có thể sẽ tăng nhưng chỉ dao động trong quãng từ 0,5 đến 2 điểm. Và khi điểm của thí sinh cao hơn thì các trường cũng sẽ nâng điểm nhận hồ sơ lên để lọc bớt thí sinh trên hệ thống đăng ký nguyện vọng. Bên cạnh đó, nếu quá nhiều thí sinh có mức điểm gần với mức điểm trúng tuyển trong khi chỉ tiêu có hạn thì các trường sẽ phải sử dụng tiêu chí phụ để chọn thí sinh.

H.Thanh-Q.Cảnh
.
.
.