Đề xuất nâng hạn mức tín dụng đối với sinh viên

Thứ Bảy, 13/01/2018, 06:36
Tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ tổng kết 15 năm thực hiện tín dụng chính sách xã hội, trong đó có tín dụng học sinh, sinh viên diễn ra tại Hà Nội vào cuối năm 2017, đại diện Bộ GD&ĐT cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét nâng mức cho vay tối đa lên 2 triệu đồng đối với một học sinh, sinh viên để đảm bảo hỗ trợ kinh phí 60% học tập. 


Theo Nghị định 86 của Chính phủ, các trường đại học (ĐH) tự chủ sẽ được thu học phí cao hơn so với quy định hiện hành và được tăng theo lộ trình hàng năm.

Mức học phí quá cao sẽ là rào cản đối với những người có nhu cầu học ĐH nhưng không có điều kiện kinh tế, đặc biệt là con em thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo. Do đó, nhiều ý kiến đề xuất Chính phủ tiếp tục xem xét nâng hạn mức tín dụng đối với học sinh, sinh viên để các em có thể trang trải được 60% chi phí học tập khi học phí tăng mạnh.

Nghị định 86 của Chính phủ ban hành ngày 2-10-2015 quy định mức trần học phí đối với các chương trình đào tạo đại trà trình độ ĐH tại các cơ sở giáo dục công lập tự đảm bảo kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư áp dụng theo các khối ngành, chuyên ngành đào tạo từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021.

Nâng hạn mức cho vay sẽ giúp nhiều sinh viên có cơ hội theo học đại học khi học phí tăng.

Cụ thể, mức trần học phí với các ngành thuộc các trường ĐH tự chủ tài chính như sau: Ngành y dược có học phí cao nhất, học phí năm học 2016-2017 là 4,4 triệu đồng/tháng/sinh viên, từ năm học 2018-2019 đến năm học 2019-2020 là 4,6 triệu đồng/tháng/sinh viên và năm học 2020-2021 là 5,05 triệu đồng/tháng/sinh viên. 

Khối ngành khoa học xã hội, kinh tế, luật, nông, lâm, thủy sản, học phí năm học 2016-2017 tối đa là 1,75 triệu đồng/tháng/sinh viên, từ năm học 2018-2019 đến năm học 2019-2020 là 1,85 triệu đồng; năm học 2020-2021 là 2,05 triệu đồng. 

Nhóm ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ, thể dục thể thao, nghệ thuật, khách sạn, du lịch, học phí năm học 2016-2017 tối đa là 2,05 triệu đồng/tháng/sinh viên, từ năm học 2018-2019 đến năm học 2019-2020 là 2,2 triệu đồng/tháng/sinh viên và năm học 2020-2021 là 2,4 triệu đồng/tháng/sinh viên. Như vậy, theo khung học phí được Chính phủ quy định, mức học phí của một số trường đại học thực hiện tự chủ có thể sẽ tăng gấp đôi và gần gấp 3 so với trước. 

Em Bùi Nam Thắng, sinh viên năm thứ 2 Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho biết: “Với chi phí đắt đỏ như hiện nay, trung bình một sinh viên học tại Hà Nội phải chi phí từ 3-4 triệu đồng/tháng, dù qua nhiều lần điều chỉnh song hạn mức cho vay vốn đối với học sinh, sinh viên vẫn ở mức tối đa là 1,5 triệu đồng/tháng. Do vậy, Nhà nước cần xem xét điều chỉnh tăng hạn mức cho vay để sinh viên có thể trang trải được khi học phí ĐH đang tăng mạnh”.

Tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ tổng kết 15 năm thực hiện tín dụng chính sách xã hội, trong đó có tín dụng học sinh, sinh viên diễn ra tại Hà Nội vào cuối năm 2017, đại diện Bộ GD&ĐT cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét nâng mức cho vay tối đa lên 2 triệu đồng đối với một học sinh, sinh viên để đảm bảo hỗ trợ kinh phí 60% học tập.

Theo ông Dương Văn Bá, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh-sinh viên, Bộ GD&ĐT, mặc dù Nghị định 86 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ chi phí học tập đối với sinh viên người dân tộc thiểu số học tại các cơ sở giáo dục ĐH.

Tuy nhiên, trên thực tế còn nhiều sinh viên có hoàn cảnh khó khăn không thuộc đối tượng được hưởng các ưu đãi trong giáo dục, do đó Bộ GD&ĐT mong muốn và đề xuất Chính phủ nghiên cứu có thể nâng mức cho vay và có thể cho phép kéo dài thêm thời gian trả nợ để hỗ trợ sinh viên bớt khó khăn trong điều kiện hiện nay. Bộ GD&ĐT cũng đã đề nghị các trường tự chủ tài chính, có mức thu học phí tăng theo lộ trình cần có những chính sách hỗ trợ đối với sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Ông Bùi Văn Thuấn, Phó Giám đốc Ban Tín dụng học sinh sinh viên và các đối tượng chính sách khác, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) cho biết: Từ khi thực hiện Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg về Chương trình Tín dụng đối với học sinh, sinh viên đến nay, Thủ tướng đã nhiều lần thực hiện điều chỉnh mức cho vay.

Khi chính sách học phí của Nhà nước có thay đổi và giá cả sinh hoạt có sự biến động, NHCSXH thống nhất với Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét, quyết định điều chỉnh mức cho vay cho phù hợp. Việc điều chỉnh mức cho vay phải dựa trên cơ sở Chính phủ cân đối được nguồn vốn cũng như khả năng cấp bù lãi suất từ ngân sách nhà nước để xem xét cụ thể.

Cũng theo ông Thuấn, mặc dù mục tiêu của chương trình là “hỗ trợ một phần chi phí sinh hoạt” nhưng với đa số học sinh, sinh viên vay vốn là con em các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn ở các tỉnh lẻ hoặc các vùng nông thôn thì bên cạnh học phí còn phải thêm các chi phí thuê nhà trọ, phương tiện đi lại và các chi phí sinh hoạt khác nên cũng rất khó khăn. Do đó, việc tiếp tục xem xét nâng mức cho vay đối với chương trình tín dụng học sinh, sinh viên là cần thiết.

Huyền Thanh
.
.
.