Đề thi Khoa học xã hội phân hóa cao nhưng không “đánh đố” học sinh

Thứ Tư, 27/06/2018, 12:03
Ngày 27-6, hơn 450.000 thí sinh đã bước vào ngày thi cuối cùng của Kỳ thi THPT quốc gia 2018 với bài thi Tổ hợp Khoa học xã hội (Lịch sử-Địa lý-Giáo dục công dân). Theo đánh giá của các giáo viên, đề thi bài tổ hợp Khoa học xã hội năm nay phân hóa tốt nên nhìn chung khó hơn so với năm 2017 nhưng không “đánh đố” học sinh.

                

Đề thi môn Lịch sử: Phân hóa cao nhưng không có yếu tố bất ngờ

Cô Lê Thu, giáo viên môn Lịch sử của Trung tâm Tuyển sinh 247.com cho rằng: Đề thi THPT QG môn Lịch sử năm 2018 được xây dựng theo ma trận đề hợp lí, bám sát chương trình học, được xây dựng khá khoa học. Nội dung cơ bản được trải đều trong các chủ đề lịch sử, đi sâu vào những vấn đề trọng tâm nhất. 

Nội dung kiến thức phổ rộng và tương đối khó hơn hơn cho học sinh so với đề thi THPT QG môn Lịch sử năm 2017. 8 câu hỏi thuộc phần Lịch sử lớp 11 không quá khó đối với học sinh nếu đã nắm chắc kiến thức cơ bản trong SGK, câu hỏi dừng lại ở mức độ vận dụng kiến thức. 

Thí sinh thở phào nhẹ nhõm khi kết thúc ngày thi cuối cùng.

Giống như đề thi THPT Quốc gia năm 2017, phần kiến thức lớp 12 trong đề thi THPT quốc gia năm 2018 bám sát những vấn đề tiêu biểu của Lịch sử thế giới hiện đại (1945-2000) và Lịch sử Việt Nam (1919- 2000). Trong đó, phần lịch sử thế giới chiếm 10 câu, đi sâu vào những sự kiện, nội dung tiêu biểu các tác động mạnh đến tình hình quốc tế như quan hệ quốc tế Liên Xô, Mỹ, Asean, vấn đề chiến tranh lạnh.

Chủ đề phong trào giải phóng dân tộc (châu Á, châu Phi) và Liên Hợp Quốc đều chiếm số lượng nhỏ câu hỏi trong đề thi. Phần lịch sử Việt Nam với số lượng 12 câu hỏi, nội dung bao quát từ 1919 đến 2000. Trong đó, trọng tâm nhất vẫn là giai đoạn 1945- 1975 tương ứng với những phần kiến thức có nhiều vấn đề liên quan đến các chiến dịch tiêu biểu trong kháng chiến chống Pháp như chiến dịch Việt Bắc, Chiến dịch Biên giới, Chiến dịch Điện Biên Phủ …và các chiến lược chiến tranh của Mĩ và cuộc chiến đấu của nhân dân ta. 

Một số câu hỏi mang tính phân hóa nhận xét chung về đặc điểm từng giai đoạn, đặc biệt là giai đoạn 1945-1975 và 1954- 197Giai đoạn 1975- 2000 chỉ chiếm 2 câu trong đề thi, đều đề cập về công cuộc đổi mới. Mức độ vận dụng và vận dụng cao chủ yếu tập trung vào phần kiến thức này, yêu cầu học sinh cần bình tĩnh, huy động mọi kiến thức đã có mới có thể tìm ra đáp án chính xác nhất. 

Đề thi môn Địa lý: Sẽ ít điểm tuyệt đối hơn năm 2017

Theo thầy Đỗ Hải Nam, giáo viên Tổ Địa lý của Trung tam Tuyển sinh 247.com, nhìn chung đề thi Địa lý năm nay được đánh giá là an toàn, độ phân hóa ở mức chấp nhận được. Từ câu 62 của đề thi bắt đầu có sự phân hóa (tức là 50% tổng số câu hỏi được dùng để xét tốt nghiệp, 50% số câu hỏi được dùng để phân loại trình độ thí sinh). 

Năm nay là năm đầu tiên có sự xuất hiện nội dung của chương trình Địa lí 11 trong đề thi THPT quốc gia. Tỉ lệ câu hỏi thuộc chương trình Địa lí 11 là 20%, còn lại là các câu hỏi thuộc chương trình lớp 12. 

Các câu hỏi thuộc chương trình lớp 11 chủ yếu ở cấp độ nhận biết; thông hiểu không có câu hỏi vận dụng cao; Các câu hỏi lớp 11 tập trung vào Chuyên đề Địa lí Khu vực và Quốc gia. 

Đề thi vẫn sắp xếp theo thứ tự từ dễ đến khó nhưng ở mức tương đối. Các câu hỏi cực khó bắt đầu từ câu 75 đến 80. Các câu hỏi này chỉ nằm trong chương trình lớp 12, cụ thể là Địa lí kinh tế và Địa lí vùng kinh tế. 

Số câu hỏi thực hành có xu hướng tăng, tỉ lệ cao hơn hẳn so với năm 2017 và đề tham khảo (15 câu thực hành, trong đó 11 câu Atlat). So với đề thi năm 2017, đề thi không xuất hiện thêm các dạng câu hỏi mới, lạ và tương tự đề thi tham khảo Bộ đã công bố hồi tháng 1-2018. 

Đề thi đã nêu một vấn đề mang tính thời sự - vấn đề Biển đảo Việt Nam-cụ thể ở các câu (câu 68-mã đề 302) nói về nhân tố để phát triển du lịch Biển đảo Việt Nam, (câu 43 -mã đề 301) - nói về ảnh hưởng của Biển Đông với tự nhiên Việt Nam.

“Với đề thi này, để đạt điểm trung bình khá dễ  song để đạt được điểm tuyệt đối môn Địa và điểm cao sẽ ít hơn năm 2017. Một số đáp án trả lời còn dễ gây nhầm lẫn và khó lựa cho thí sinh”- thầy Nam nhận định.

Đề thi Giáo dục công dân: Đề cập đến nhiều vấn đề nhức nhối của xã hội

Theo nhận định của Tổ giáo viên môn Giáo dục công dân của Trung tâm Hocmai.com, đề Giáo dục công dân năm nay tương đối hay, có nhiều câu hỏi vận dụng tình huống thực tế. Từ câu109 của đề thi bắt đầu có sự phân hóa (tức là 50% tổng số câu hỏi được dùng để xét tốt nghiệp, 50% số câu hỏi được dùng để phân loại trình độ thí sinh). 

Các vấn đề mang tính thời sự như: truyền đạo trái phép (câu 106 – mã đề 307), cá độ bóng đá (câu 110 – mã đề 304), mặt trái của mạng xã hội (câu 109 – mã 312) được đưa vào đề thi. 

Cũng giống như các môn học khác, năm nay là năm đầu tiên có sự xuất hiện nội dung của chương trình GDCD 11 trong đề thi THPT quốc gia. Tỉ lệ câu hỏi thuộc chương trình GDCD 11 là 20%, còn lại là các câu hỏi thuộc chương trình lớp 12. Các câu hỏi thuộc chương trình lớp 11 tập trung chủ yếu vào chuyên đề Công dân với Kinh tế. 

Đề thi vẫn sắp xếp theo thứ tự từ dễ đến khó nhưng ở mức tương đối. Các câu hỏi cực khó bắt đầu từ câu 109 đến 120.  Đề thi không xuất hiện câu hỏi có sự móc nối kiến thức lớp 11 và 12.

So với đề thi năm 2017, đề thi năm nay không xuất hiện thêm các dạng câu hỏi mới, lạ mà tương tự đề tham khảo đã được Bộ GD&ĐT công bố tháng 1-2018.

Huyền Thanh
.
.
.