Đề thi Tổ hợp Khoa học tự nhiên: Sẽ không có “mưa điểm 10”

Thứ Ba, 26/06/2018, 12:31
Sáng 26-6, hơn 300.000 thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2018 làm bài thi Khoa học tự nhiên (tổ hợp 3 môn Lý, Hóa, Sinh) với thời gian làm bài 150 phút.

Theo nhận định của nhiều giáo viên, đề tổ hợp Khoa học tự nhiên năm nay tuy dài nhưng không gây “sốc” đối với học sinh, mức độ tương tương giữa các mã đề khá tốt; độ phân hóa cao phù hợp với mục tiêu xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học. Đặc biệt, với đề thi này, hiện tượng “mưa điểm 10” sẽ không còn tái diễn.

Đề Vật lý dễ thở và không “gây sốc”

Nhận xét về đề thi môn Vật lý, thầy Phạm Quốc Toản, giáo viên Tổ Vật lý của Trung tâm 247.com cho biết: Đề thi Vật lí năm nay đã ra đúng theo tinh thần chỉ đạo của Bộ GD&ĐT là dễ dàng cho tốt nghiệp và phân loại cao với học sinh khá và giỏi. Đề thi gồm 40 câu hỏi được nằm chủ yếu kiến thức của lớp 12 (gần 80%) và một phần lớp 11 (khoảng 20%). 

Thí sinh Hà Nội “kêu trời” vì đề Sinh và Hóa khó hơn năm ngoái.

Mức độ tương đương giữa các mã đề tương đối tốt, tạo sự công bằng cho các thí sinh. Đề được phân bố khá rõ ràng: Các câu dễ để học sinh chỉ xét tốt nghiệp nằm ở phần đầu của đề thi (gồm 25 câu đầu, học sinh khá có thể làm đến câu 30, 31 dễ dàng). Đa phần các câu hỏi này chỉ  đòi hỏi kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa.

Các câu khó mang tính phân loại, để xét đại học nằm ở 15 câu sau, đặc biệt phân loại cao ở 7 câu cuối. Nhiều câu hỏi mang tính vận dụng thực tế, liên quan đến thí nghiệm, phải hiểu đúng bản chất vật lí và không quá khó về mặt toán học. Phần nội dung kiến thức lớp 11 không nhiều và đều không phải là các câu khó. Các câu khó và rất khó vẫn rơi vào phần kiến thức lớp 12 như dao động cơ, sóng cơ, dòng điện xoay chiều, khai thác đồ thị, thí nghiệm, ứng dụng thực tế thú vị.

Câu hỏi liên quan đến thí nghiệm thực hành Vật lí 11 tuy đơn giản nhưng học sinh phải từng làm mới hiểu. Phương pháp loại trừ để chọn đáp án đúng đã được hạn chế tối đa khi học sinh làm bài. Các em phải có kiến thức và giải ra kết quả mới lựa chọn được đáp án đúng. Tuy nhiên, để đạt được mức điểm từ 5, 6 thì không khó nhưng để đạt điểm cao hơn thì yêu cầu thí sinh phải chắc kiến thức và thao tác thật nhanh.

“Nhìn chung đề thi năm nay không khó hơn nhiều so với đề thi minh họa mà Bộ đã đưa ra trước đó, tuy nhiên khá dài. Theo tôi, điểm phổ biến sẽ rơi vào điểm từ 5 đến 7, sẽ không có “mưa điểm 10” thậm chí rất ít điểm 10 tuyệt đối”- thầy Toản nhận định.

Đề Hóa “khó nhằn” hơn năm ngoái

Nhận xét về đề thi môn Hóa trong bài thi tổ hợp, thầy Phạm Thanh Tùng, giáo viên Tổ Hóa học của Trung tâm 247.com cho rằng: Cũng như đề thi năm 2017, độ khó của các câu hỏi trong đề Hóa năm nay được xếp theo thứ tự tăng dần về độ khó, nhưng đề thi năm nay tính phân loại cao hơn. Để đạt điểm 8- 10 thì học sinh phải xếp loại học lực giỏi và hiểu bản chất vấn đề, biết đan xen giữa kiến thức cơ bản, vận dụng và vận dụng cao mới có thể đạt được.

Phạm vi ra đề bao gồm cả kiến thức lớp 11 và lớp 12, nhưng trọng tâm là kiến thức lớp 12 (chiếm khoảng 80%). Các câu hỏi lớp 11 (chiếm khoảng 20% phân bổ đều các chương. Ví dụ chương sự điện li có 1 câu, chương nito có 1 câu. Chương cacbon-silic 3 câu, chương hidrocacbon 2 câu và chương ancol-phenol 1 câu.

40 câu trong đề thi được phân bố 1 cách rất hợp lý theo mức độ từ dễ đến khó và rất khó. Trong đó, 12 câu đầu dễ, ở mức độ nhận biết, 20 câu tiếp theo vẫn còn dễ nhưng có thách thức hơn một chút, ở mức độ thông hiểu và tăng độ khó so với đề năm ngoái. 8 câu hỏi cuối là câu hỏi ở mức độ vận dụng cao, được đánh giá là lạ và rất khó.

Ví dụ như câu 73, 74. Các câu hỏi này chính là những câu hỏi để phân loại học sinh khá và giỏi. Phổ điển phổ biến năm nay sẽ rơi vào mức điểm 5-6. Sẽ hiếm có điểm 9,5-10.

“Nhìn chung, đề thi năm nay khó hơn đề năm ngoái, phải tính toán nhiều hơn. Năm nay học sinh hoàn toàn phải hiểu bản chất mới làm được bài. Các phương án gây nhiễu đáp án cũng khó phát hiện ra hơn, tránh khoanh bừa đáp án mà vẫn đạt điểm trong kỳ thi”-thầy Tùng chia sẻ.

Đề Sinh nặng về tính toán, khó có điểm tuyệt đối

Theo các giáo viên môn Sinh học của hệ thống giáo dục Hocmai.com, so với đề thi năm 2017, đề thi năm 2018 có mức độ khó hơn hẳn. Các câu hỏi vận dụng cao đặc biệt nặng về tính toán, điểm 10 chắc chắn sẽ rất hiếm.Trong đó, 20 câu đầu (50% tổng số câu hỏi) ở mức độ Nhận biết; Thông hiểu dùng cho mục đích xét tốt nghiệp. Kể từ câu 101 trở đi, các câu hỏi nâng dần về độ khó nhằm mục tiêu phân loại thí sinh, 10 câu hỏi cuối ở mức độ Vận dụng cao.

Kì thi THPT quốc gia năm 2018 bắt đầu có sự xuất hiện nội dung của chương trình Sinh học 11. Tỉ lệ câu hỏi thuộc chương trình Sinh học 11 là 20 %, còn lại là chương trình Sinh học lớp 12. Trong đó, các câu hỏi thuộc chương trình 11 chỉ rơi vào Chương 1-Chuyển hóa vật chất và năng lượng (50% là câu hỏi về thực vật, 50% câu hỏi về động vật). Giữa các mã đề có sự lặp lại về các dạng câu hỏi và thay đổi số liệu.

Đặc biệt, 50% tổng số câu hỏi về đếm mệnh đề đúng sai. Tỉ lệ này nhiều hơn so với đề thi năm 2016, 2017. Để làm được những câu hỏi này thí sinh vừa phải có khả năng tổng hợp kiến thức; có kĩ năng xử lí phương án nhiễu, đồng thời phải có phản xạ rất nhanh mới có thể hoàn thiện được. Đề xuất hiện dạng câu hỏi 3 gen cùng nằm trên 1 NST (câu 112 -mã đề 206; câu 117 -mã đề 213; câu 118 -mã đề 223).

Đây là dạng bài hiếm khi xuất hiện trong đề thi những năm gần đây. Đề thi  xuất hiện câu hỏi thí nghiệm (câu 99 mã đề 206; câu 93 mã đề 205). Đây là câu hỏi thuộc phần Sinh học 11, học sinh phải liên hệ, suy luận từ kiến thức đã được học trong chương trình sách giáo khoa mới có thể xử lí được câu hỏi này.

* Tại Sóc Trăng: 

Kết thúc buổi thi thứ 3 ở bài thi Tổ hợp KHTN, nhiều TS ở Sóc Trăng rời điểm thi trong tâm trạng không thật vui vì "Đề thi của tổ hợp môn này không dễ như nhiều người đoán.

Cười tươi vì bài làm khá tốt.

Theo cảm nhận của em, đề thi môn Vật lý và Hóa học không dễ chút nào, có nhiều câu hỏi lạ, có tính phân hóa cao. Bản thân em và nhiều bạn chỉ làm được khoảng 20 câu đầu. Riêng môn Sinh, phải nói là quá khó", TS Lâm Gia Đạt ở điểm thi trường THPT Hoàng Diệu chia sẻ.

Tư lự...

Ngóng chờ con thi

Còn TS Mai Anh Vũ (cùng điểm thi với Đạt) cười nhưng không thật thoải mái vì "Em chỉ làm được khoảng trên 60% số câu hỏi của cả bài thi".

Trong khi đó, theo quan sát của chúng tôi, cũng có khá nhiều TS rời điểm thi với nụ cười thật tươi vì bài làm khá tốt.

Xem lại đề thi sau giờ làm bài

Vui vẻ ra về.

Nhận xét về tình hình an ninh trật tự cũng như công tác tổ chức thi, ông Ngô Hùng, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Sóc Trăng cho biết: "Qua những ngày kiểm tra ở các điểm thi, chúng tôi nhận thấy tình hình an ninh trật tự tốt, không có cán bộ coi thi và thí sinh vi phạm quy chế thi. Công tác chuẩn bị cho thi ở các điểm thi chu đáo, an toàn. 

Rất đông phụ huynh chờ đón các thí sinh.

Theo số liệu của Sở GD-ĐT Sóc Trăng, buổi thi thứ 3, tỉnh Sóc Trăng có 3.227 TS đăng ký dự thi ở tổ hợp KHTN. Kết thúc buổi thi có 28 TS vắng.  

     

Theo Báo cáo nhanh của Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia 2018, trong buổi thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (Lý-Hóa-Sinh) ngày 26-6, môn Vật lý có 385.829 dự thi/388.358 thí sinh đăng ký, đạt tỷ lệ  99.34%; Môn Hóa học có 389.568 thí sinh dự thi/392.619 thí sinh đăng ký, đạt tỷ lệ 99.22%; Môn Sinh học có 382.182 thí sinh dự thi/384.650 thí sinh đăng ký, đạt tỷ lệ 99.35%.

Thời tiết nhìn chung thuận lợi cho thí sinh dự thi. Tình hình giao thông ở các thành phố lớn thông suốt, không xảy ra ùn tắc.

Buổi thi diễn ra an toàn, trật tự, nghiêm túc, đúng quy chế. Tổng số thí sinh vi phạm quy chế thi là 9 thí sinh (8 thí sinh bị đình chỉ thi; 1 thí sinh cảnh cáo); không có cán bộ nào vi phạm quy chế thi.

Như vậy, số thí sinh vi phạm quy chế buổi thi bài Khoa học tự nhiên hai giảm mạnh so buổi thi môn Ngữ văn trong ngày thi thứ nhất.

 -Huyền Thanh-


Huyền Thanh- Cao Xuân
.
.
.