Đầu tư cho nghiên cứu khoa học trong các trường đại học rất thấp

Chủ Nhật, 30/07/2017, 09:00
Ngày 29-7, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hội nghị “Phát triển khoa học công nghệ (KHCN) trong các cơ sở giáo dục đại học giai đoạn 2017-2025”. Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ và Bộ trưởng KHCN Chu Ngọc Anh đồng chủ trì hội nghị.

PGS.TS Vũ Văn Tích (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, phong trào nghiên cứu khoa học trong các trường đại học đang phát triển mạnh trong những năm gần đây. Điều này đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là các chuyên gia, nhà khoa học, các giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS)...

Theo thống kê của Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước, từ 1980 đến nay có 1.715 GS và 9.059 PGS được phong danh hiệu. Trong số này có 574 GS và 4.133 PGS được phong trong các trường đại học, chiếm 33% số lượng GS và 45,6% số lượng PGS được phong trên cả nước.

Số liệu từ Web of Science cho thấy, trong giai đoạn 2011-2015, tổng số công bố quốc tế ISI của Việt Nam là 10.034 bài, trong đó số công bố của các nhà khoa học thuộc các trường đại học là 5.738 bài, chiếm trên 50%. Việt Nam có 3 trường được URAP xếp hạng, gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh và Đại học Bách khoa Hà Nội.

Các trường đại học cũng đã có đóng góp lớn trong việc chuyển giao công nghệ. Trong giai đoạn 2011-2015, khối trường đại học kĩ thuật, công nghệ đã có 1.729 hợp đồng chuyển giao công nghệ được kí kết. Khối trường nông – lâm – ngư – y dược trong giai đoạn 2011-2016 có tổng cộng 570 sản phẩm ứng dụng được tạo ra, trong đó có 17 sản phẩm được đăng kí sở hữu trí tuệ.

Theo PGS Tích, đầu tư tài chính cho hoạt động KHCN trong cả nước bình quân khoảng 1,7% ngân sách Nhà nước, tương đương 0,4% GDP, khá thấp so với các nước trong khu vực. Kinh phí đầu tư cho hoạt động nghiên cứu của ngành giáo dục cũng rất ít ỏi (trung bình mỗi năm khoảng 30-50 tỉ đồng, cho 60 đơn vị), lại đang có xu hướng giảm xuống qua từng năm. Trong giai đoạn 2011-2016, Bộ GDĐT đã đầu tư gần 292 tỉ đồng cho 46 dự án tăng cường năng lực nghiên cứu, trung bình mỗi dự án được đầu tư gần 6,4 tỉ đồng.

Đầu tư cho nghiên cứu khoa học tại các trường đại học còn thấp.

Đại diện của trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng cho rằng, kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học của các trường chưa đáp ứng được yêu cầu. Tính trung bình hàng năm, mỗi tiến sĩ được đầu tư từ 30-110 triệu đồng, mỗi giảng viên đại học được đầu tư từ 7-39 triệu đồng. "Với mức đầu tư như vậy, chúng ta khó có thể đòi hỏi có các sản phẩm KHCN có chất lượng cao, so sánh với khu vực và thế giới" – vị này nói.

Với cương vị tư lệnh ngành giáo dục, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, nghiên cứu khoa học và đào tạo là 2 trụ cột của các trường đại học. So với các Viện thì nghiên cứu khoa học ở các trường có đặc trưng rất khác, bởi không chỉ tạo ra sản phẩm KHCN để chuyển giao mà nhiệm vụ trước hết là nâng cao chất lượng đào tạo, tạo ra tri thức mới.

"Quốc gia nào cũng chú trọng nghiên cứu cơ bản, càng phát triển KHCN mạnh thì nghiên cứu cơ bản càng vững. Đây là cơ hội cho các trường đại học, nhất là các trường theo định hướng nghiên cứu. Tuy nhiên, nhiều trường còn rất mờ nhạt. Tới đây, khi đứng trước tự chủ, nhiều trường sẽ rất loay hoay, có nguy cơ không bền vững. Đầu tư vào KHCN tuy rủi ro, tốn kém nhưng tạo ra thương hiệu để thu hút sinh viên giỏi, giáo viên giỏi. Một trường không mạnh về nghiên cứu khoa học thì không thể giữ được nhà khoa học giỏi. Một nền giáo dục đại học mà chỉ có 20% giảng viên có trình độ tiến sĩ thì đó không phải là nền giáo dục đại học mạnh" – Bộ trưởng Nhạ khẳng định.

Thừa nhận đầu tư cho giáo dục còn rất thấp, Bộ trưởng Nhạ cho rằng, đã đến lúc các trường đại học cần tự chủ động tìm kinh phí nghiên cứu nhờ nguồn vốn xã hội hoá. "Hiện nay, phần lớn các trường vẫn theo kiểu tư duy cũ, được rót tiền thì nghiên cứu. Nếu cứ mãi trông chờ vào ngân sách nhà nước thì không ổn. Khi các trường nghiên cứu ra những thứ doanh nghiệp cần thì doanh nghiệp sẵn sàng trả tiền" – Bộ trưởng Nhạ nói.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ và Bộ trưởng Bộ KHCN Chu Ngọc Anh đã ký kết Chương trình phối hợp công tác giữa hai Bộ giai đoạn 2017-2025. Việc hợp tác nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, phát triển và chuyển giao công nghệ; đào tạo nhân lực KHCN; thúc đẩy liên kết giữa các cơ sở giáo dục đại học, các viện nghiên cứu và các doanh nghiệp…
Khánh Vy
.
.
.