Tuyển sinh đại học thông qua hình thức thi đánh giá năng lực:

Công bằng, khách quan và hạn chế tối đa tiêu cực

Chủ Nhật, 08/05/2016, 08:23
Theo thống kê của Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), sau 3 ngày thi đánh giá năng lực (ĐGNL) đợt 1, năm 2016, tại cả 7 địa phương trên toàn quốc có thí sinh dự thi đều an toàn, không xảy ra bất kỳ sự cố đáng tiếc nào.

Trong số gần 700.000 thí sinh đăng ký dự thi, số có mặt chiếm khoảng 97% và duy chỉ có một trường hợp thí sinh bị đình chỉ do lỗi mang điện thoại vào phòng thi... Còn theo đánh giá của dư luận xã hội thì đây là hình thức thi khoa học, tiến bộ, công bằng bởi nó phản ánh đúng năng lực của người học và hạn chế được tối đa các tiêu cực có thể phát sinh trong thi cử, cần nhân rộng.

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực vào Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2016.

Năm 2016 là năm thứ 2 ĐHQGHN áp dụng phương thức tuyển sinh đại học thông qua hình thức thi ĐGNL. Đây là phương thức thi hoàn toàn mới so với phương thức thi truyền thống. Theo đó, 100% học sinh làm bài thi trên máy tính. Mỗi thí sinh làm một đề thi riêng do máy tính tổ hợp từ bộ cơ sở dữ liệu đề nguồn. Bài thi ĐGNL gồm 140 câu hỏi trắc nghiệm. Thời gian làm bài là 195 phút.

Đề thi bao gồm 2 phần trắc nghiệm: Phần bắt buộc và phần tự chọn. Độ khó của các câu hỏi thi thuộc mỗi phần được phân định theo tỉ lệ: 20% ở cấp độ dễ, 60% ở cấp độ trung bình và 20% ở cấp độ khó. Tổng số câu hỏi thí sinh phải thực hiện là 140 câu, tổng thời gian làm bài là 195 phút.

Cơ cấu kiến thức trong phần bắt buộc được phân bổ như sau: 10% kiến thức trong chương trình lớp 10; 20% kiến thức trong chương trình lớp 11; 70% kiến thức trong chương trình lớp 12. Kết quả bài thi ĐGNL có giá trị để đăng ký xét tuyển (ĐKXT) vào ĐHQGHN và vào 8 trường đại học, cao đẳng không thuộc ĐHQGHN có công bố sử dụng kết quả bài thi ĐGNL và đã được ĐHQGHN đồng ý để xét tuyển.       

Mặc dù đây là cách thi mới khi tất cả các thao tác thí sinh đều phải xử lý hoàn toàn trên máy tính song ghi nhận thực tế cho thấy hầu hết các thí sinh dự thi đều tỏ ra hào hứng với phương thức thi này.

Thí sinh Nguyễn Minh Thu (Hà Nội) cho biết: Đây là hình thức thi mới, sau khi hoàn thành các bài thi có thể biết điểm thi ngay và độ bảo mật rất cao. Đề thi đòi hỏi học sinh phải có kiến thức tổng hợp, có tư duy và hiểu sâu vấn đề mới làm được, hạn chế tình trạng học thuộc lòng theo kiểu đọc-chép. Đặc biệt, do 100% thí sinh đều làm bài thi trên máy tính, mỗi người một đề riêng nên trong phòng thi không có tình trạng thí sinh trao đổi hay nhìn bài của nhau.

“Em rất hài lòng với hình thức thi này bởi nó phản ánh đúng thực chất khả năng của người học, đảm bảo khách quan công bằng và hạn chế tối đa tiêu cực”, Minh Thu nhấn mạnh.

Đánh giá về phương thức thi này, TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng: Đây là phương thức thi tiến bộ, hiện đại, góp phần thay đổi cách học và dạy của cả giáo viên và học sinh. Trong đó, toàn bộ các câu hỏi đều soạn theo phương pháp trắc nghiệm, nó tích hợp tất cả chứ không phải là một môn. 

Điều này đảm bảo thời gian thi ngắn hơn, việc chấm thi cũng khách quan hơn do chấm bằng máy thay vì phụ thuộc vào trình độ người chấm thi. Đặc biệt, với phương pháp thi tích hợp này, thí sinh không còn phải học thuộc lòng, học tủ. Các câu hỏi đánh giá năng lực thí sinh thông qua sự hiểu biết, ứng dụng sáng tạo chứ không qua bài toán, bài văn cụ thể.

Hơn nữa, thí sinh được đánh giá tổng hợp cả tự nhiên và xã hội chứ không cần phải thi theo khối A, B, C, D như trước. Do vậy, tình trạng học lệch theo khối A, B, C khá phổ biến của thí sinh ngay từ năm lớp 10 như hiện nay cũng từng bước được hạn chế.

Là người trực tiếp dẫn đầu đoàn kiểm tra công tác thi của Bộ GD&ĐT tại kỳ thi ĐGNL của ĐHQGHN, Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng cho biết: Cá nhân ông rất ấn tượng với phương thức thi mới này của ĐHQGHN. Qua kiểm tra cho thấy, ĐHQGHN đã tổ chức kỳ thi một cách minh bạch, bài bản, khoa học, nghiêm túc và an toàn. Phương thức thi này vừa hạn chế tối đa các tiêu cực trong thi cử, vừa giảm sự căng thẳng của công tác coi thi và tham gia dự thi của thí sinh.

Chia sẻ thêm về những lợi thế của học sinh khi tham gia kỳ thi ĐGNL, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc ĐHQGHN cho rằng: Với 80 câu hỏi của đề thi, TS nào đạt 60,70% bài thi là điểm đã có thể xem là khá, giỏi. Các em có thể yên tâm cố gắng cho bài thi tích hợp ở ca thi sau. Như vậy, nếu các em trúng tuyển ở kì thi này tức là cơ hội vào đại học (ĐH) của các em đã được ấn định.

Các em có thể bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia với tâm lý hết sức nhẹ nhàng, chỉ cần đủ điểm tốt nghiệp và không phải lo nộp hồ sơ xét tuyển đại học ở kì thi chung nữa.

Bên cạnh đó, năm 2016, ngoài các trường ĐH thành viên của ĐHQGHN, có thêm 8 trường ngoài ĐHQGHN cùng tham gia tổ chức thi và sử dụng kết quả thi ĐGNL để xét tuyển gồm Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Nam Định, Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường, Trường ĐH Nguyễn Trãi, Trường ĐH Thủ Đô, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP Hồ Chí Minh, Trường ĐH Đông Á Đà Nẵng và Trường ĐH Hòa Bình.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc, cơ hội trúng tuyển đại học của các em sẽ tăng lên, nhất là khi các em có thể lấy kết quả thi ĐGNL để xét tuyển vào 8 trường ngoài ĐHQGHN.

Huyền Thanh
.
.
.