“Cởi trói” các rào cản chính sách cho đại học ngoài công lập

Thứ Sáu, 23/12/2016, 09:28
Ngày 22-12, tại Hà Nội, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội thảo “Thực trạng và các giải pháp cấp thiết để củng cố và phát triển các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập".


Tại Hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, sau hơn 20 năm xây dựng và phát triển, các trường đại học ngoài công lập (NCL) đã đóng góp đáng kể cho nền giáo dục nước nhà.Tuy nhiên, hiện nay các trường này vẫn ngổn ngang khó khăn và cản trở, trong đó có nguyên nhân từ chính sách và pháp luật của Nhà nước.

GS.TS Hoàng Xuân Sính, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Thăng Long Hà Nội cho biết: 

Mặc dù các trường NCL đã xuất hiện hơn 20  năm nay, tuy nhiên, xã hội vẫn còn nhiều định kiến với hệ thống các trường NCL. Thực tế trong 20 năm qua, nhà trường đã không ngừng nỗ lực để tạo ra những lớp tài năng có nhiều học bổng và có ngay công ăn việc làm ở những nơi mà nhiều sinh viên tốt nghiệp mơ ước, nhưng cũng chẳng mấy hấp dẫn sinh viên và phụ huynh vì với nhiều người, cho con học trường công vẫn “oai” hơn. Thậm chí, sinh viên tốt nghiệp trường NCL đi xin việc cũng “vấp” ngay phản ứng của các doanh nghiệp, nhất là các cơ quan Nhà nước. Ngoài ra, chính các quy chế của Nhà nước quy định hoạt động và tổ chức cho các cơ sở giáo dục NCL cũng đang gây cản trở nhiều cho việc phát triển mô hình này. 

Bỏ điểm sàn tuyển sinh ĐH, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn về đầu vào cho các trường ngoài công lập.

''Theo Luật Giáo dục Đại học, Hội đồng Quản trị các trường ngoài công lập phải có thêm thành viên mới, đó là người đại diện cho chính quyền địa phương nơi trường đặt trụ sở. Việc này trên cơ sở pháp lý nào? Trong khi các trường NCL đã được nhiều Bộ, nhiều ủy ban cấp tỉnh, thành phố quản lý. Rồi việc đưa “Tổ chức bảo trợ” vào quy chế các trường đại học dân lập….và cả quy chế 61,63. Chính những điều này đã gây khó khăn cho rất nhiều trường dân lập, gây mất đoàn kết nội bộ, làm suy giảm các nguồn lực của đơn vị đó”, GS. Hoàng Xuân Sính đặt vấn đề. 

GS. Sính cũng khẳng định, chủ trương chuyển các đại học dân lập sang tư thục của Bộ GD&ĐT là đúng nhưng việc đưa ra khái niệm “tài sản thuộc sở hữu chung” đã khiến nhiều trường “chao đảo” khi không thể chuyển từ dân lập sang tư thục.

Còn theo phản ánh của đại diện các trường Đại học Thành Tây, ĐH dân lập Hải Phòng, ĐH Hoa Sen... thì từ 2006 đến nay, chính sách với giáo dục đại học NCL dường như ngày càng bị siết chặt theo hướng “hữu sinh, vô dưỡng”. Trong đó, nguyên nhân chính được đưa ra là do việc mở rộng quá nhanh khối đại học NCL. 

Diễn đàn Quốc hội cũng nêu vấn đề ai chịu trách nhiệm về việc các trường NCL “mọc lên như nấm” trong 15 năm qua, có 43 trường NCL được thành lập, nhưng cùng thời gian đó, có 111 trường công lập ra đời, tức là cứ một trường đại học tư thành lập thì có 2.6 trường đại học công ra đời. 

Bên cạnh đó, năm 2012, Luật Giáo dục Đại học luật hóa những gì ghi trong quy chế 2009 và 2011 (điều 66), và quy định chặt chẽ hơn theo hướng quyền lợi tài chính của nhà đầu tư đã dần bị thu hẹp lại và yêu cầu về tài sản đầu tư để thành lập đại học cũng ngày càng cao. 

Cụ thể, Quyết định 14/2005/QĐ-TTg năm 2005 về quy chế đại học tư thục quy định mức đầu tư của một trường đại học tư là 15 tỷ đồng và 10m² đất/sinh viên. Đến năm 2013, theo quyết định 64/2013/QĐ-TTg quy định về điều kiện và thủ tục thành lập, cho phép hoạt động đào tạo các trường đại học, số tiền được tăng lên là 250 tỷ đồng chưa kể tiền đất... Đây chính là những rào cản khiến trường NCL khó mở rộng và phát triển.

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các trường NCL, GS Trần Phương, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ đề xuất:

Việt Nam là nước nghèo, ngân sách Nhà nước đã dành tới 20% cho giáo dục, chắc hẳn không có khả năng tăng thêm. Muốn phát triển giáo dục, kể cả giáo dục đại học, phải nhấn mạnh xã hội hóa, đó là điều tất yếu. Do vậy, đối với trường “lợi nhuận”, trước khi chia lợi nhuận, phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp bằng 10% lợi nhuận. Đối với trường “phi lợi nhuận”, được miễn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Chính sách thuế như vậy là thỏa đáng, Nhà nước nên giữ nguyên để các trường NCL có thể duy trì sự ổn định và phát triển. Về chính sách đất đai, đối với tất cả các cơ sở giáo dục đại học tư thục, Nhà nước cũng nên tạo điều kiện giao đất để xây trường, không thu tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất. 

Về chính sách tuyển sinh, GS Trần Phương cho rằng: Nên áp dụng như tất cả các nước, học sinh có bằng THPT thì có quyền đăng ký học đại học. Bỏ “điểm sàn” vì điểm sàn bất lợi cho thanh niên các dân tộc thiểu số và thanh niên các vùng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long. Thay vào đó, các trường phải thu hút sinh viên bằng chất lượng đào tạo của mình và mức học phí thỏa đáng. Còn cơ quan quản lý nhà nước  và các ngành cần nâng cao vai trò của mình trong việc hướng nghiệp cho thanh niên theo học nghề hay học đại học.

TS. Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT trường ĐH FPT thì cho rằng: Nếu giáo dục Việt Nam vẫn có ý định phát triển trường đại học tư, thì theo khuyến cáo của Ngân hàng Thế giới, giải pháp quan trọng nhất là thu hẹp hệ thống trường công, có thể thực hiện theo cách giảm chỉ tiêu các trường công mỗi năm 5% trong 7 năm để tạo thị trường cho các trường tư. Đồng thời, cũng cần gỡ bỏ các quy định tài sản chung bất hợp lý và quy định trích quỹ tối thiểu 25%. Và theo kinh nghiệm của ĐH FPT, để tránh xung đột nội bộ, các trường tư nên quản lý theo mô hình một thành viên, tức là có một công ty hoặc một quỹ quản lý toàn bộ vốn của trường.

Huyền Thanh
.
.
.