Có nên cho học sinh làm bài kiểm tra bằng hình thức trực tuyến?

Thứ Tư, 05/05/2021, 17:40
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, đã có nhiều tỉnh, thành phố cho học sinh tạm ngừng đến trường và chuyển sang học trực tuyến. Tuy nhiên, tại thời điểm học sinh phải nghỉ học tập trung tại trường, nhiều khối lớp chưa tiến hành kiểm tra học kỳ II nên việc học online vì thế cũng “gánh” thêm nhiều áp lực...


Một tình huống được nhiều phụ huynh học sinh và giáo viên đặt ra tại thời điểm này là nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, thời gian tạm ngừng đến trường kéo dài thì các nhà trường có cho học sinh làm bài kiểm tra học kỳ bằng hình thức trực tuyến hay không?

Chủ động đẩy lịch kiểm tra học kỳ nhưng vẫn “lỡ nhịp”

Trước kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội đã có kế hoạch đẩy lịch kiểm tra học kỳ II lên trước 1 vài ngày, thậm chí gần cả 1 tuần để có thể chủ động hơn trong điều kiện dịch COVID-19 đang quay trở lại. Tuy nhiên, ngay sau khi kết thúc kỳ nghỉ lễ, do dịch bệnh trên địa bàn diễn biến phức tạp, Sở GD&ĐT đã phải điều chỉnh kế hoạch trở lại trường của học sinh các cấp theo hướng học sinh phải tạm ngừng đến trường và chuyển sang học online từ ngày 4/5 cho đến khi có thông báo mới. 

Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện chỉ có khối 9 và khối 12 tại một số trường THCS và THPT đã hoàn tất hoặc hoàn thành một nửa số lượng bài kiểm tra học kỳ II, các khối lớp còn lại đều “lỡ nhịp” với kế hoạch kiểm tra học kỳ II do dịch bệnh. Điều này đã tạo thêm những áp lực nhất định lên việc học trực tuyến của cả giáo viên và học sinh.

Các trường học trên địa bàn Hà Nội cho học sinh học trực tuyến trong thời gian tạm ngừng đến trường (ảnh minh họa).

Cô Hà Thuý Loan, giáo viên khối 3, Trường Tiểu học Bình Minh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết, trải qua nhiều đợt nghỉ học do dịch bệnh nên cô và trò đã khá quen với việc học online, phụ huynh cũng hợp tác, chia sẻ nên quá trình dạy và học khá thuận lợi. 

Tuy nhiên, điều khiến cô Loan cũng như nhiều phụ huynh lo lắng là nếu dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, học sinh phải nghỉ học tập trung tại trường kéo dài thì sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch thi học kỳ II. 

“Từ trước đến nay, việc kiểm tra học kỳ đều được tiến hành bằng hình thức trực tiếp. Nếu chỉ nghỉ học 2 tuần, giữa tháng 5 các con quay lại trường thì vẫn có thể làm bài kiểm tra học kỳ II và thời gian kết thúc năm học không bị xáo trộn. Còn nếu dịch bệnh phức tạp, thời gian nghỉ học kéo dài đến hết tháng 5 thì có thể phải tính tới phương án kiểm tra bằng hình thức trực tuyến. Tuy nhiên, với cấp tiểu học, điều này hoàn toàn không đơn giản”-cô Loan cho hay.

Cô Nguyễn Thị Thanh Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khương Thượng (Hà Nội) cũng cho rằng: Kế hoạch học online với lịch học được bố trí hợp vẫn đảm bảo kiến thức để các con có thể làm bài kiểm tra học kỳ II khi quay lại trường. Còn việc kiểm tra bằng hình thức nào thì nhà trường vẫn phải chờ hướng dẫn chung của quận và thành phố Hà Nội. 

Tuy nhiên theo cô Hà, trong thời điểm học sinh đang học trực tuyến để phòng chống dịch COVID-19 như hiện nay, chỉ nên kiểm tra, đánh giá những kiến thức trọng tâm trong nội dung giảng dạy, hạn chế bớt kiến thức nâng cao bởi hiệu quả học trực tuyến không thể cao như học trực tiếp, nhất là đối với học sinh tiểu học.

Chỉ kiểm tra bằng hình thức trực tuyến trong tình huống “bất khả kháng” 

Thông tư 09 quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên do Bộ GD&ĐT ban hành có quy định về kiểm tra đánh giá trong dạy học trực tuyến. 

Theo đó, việc kiểm tra, đánh giá định kỳ kết quả học tập trực tuyến của học sinh được thực hiện trực tiếp tại cơ sở giáo dục phổ thông. Trường hợp học sinh không thể đến cơ sở giáo dục phổ thông tại thời điểm kiểm tra, đánh giá định kỳ vì lý do bất khả kháng, Hiệu trưởng nhà trường có thể quyết định tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ bằng hình thức trực tuyến. 

Khi tổ chức kiểm tra đánh giá định kỳ trực tuyến, nhà trường phải có biện pháp để đảm bảo tính chính xác, công bằng, trung thực, khách quan. Bài kiểm tra phải đúng do học sinh thực hiện, đánh giá được đúng năng lực của học sinh. Như vậy, với quy định này, trong trường hợp dịch bệnh kéo dài, học sinh chưa thể quay trở lại trường học tập trung, nhà trường có thể tiến hành cho học sinh làm bài kiểm tra học kỳ II bằng hình thức trực tuyến.

Mặc dù vậy, nhiều giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục cho rằng, việc kiểm tra học kỳ bằng hình thức trực tiếp vẫn là giải pháp tối ưu nhất. Trước mắt, các nhà trường vẫn duy trì kế hoạch học online và tạm hoãn lịch kiểm tra học kỳ II. 

Nếu sau 2 tuần nữa, học sinh được quay lại trường thì sẽ tiến hành thi ngay, còn nếu nghỉ học kéo dài, ảnh hưởng đến kế hoạch năm học thì mới tính đến giải pháp kiểm tra bằng hình thức trực tuyến. Lý do là đối với việc kiểm tra bằng hình thức trực tuyến đòi hỏi phải đáp ứng hai yêu cầu gồm: Học sinh phải có phương tiện kỹ thuật (máy tính, điện thoại) và giáo viên phải giám sát được quá trình học sinh làm bài để đảm bảo khách quan, công bằng. 

Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, việc áp dụng hình thức này trên diện rộng, đối với số lượng học sinh đông là tương đối khó do không phải 100% học sinh đều có điều kiện tham gia học trực tuyến và khả năng giám sát của giáo viên cũng còn hạn chế.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho biết: Với kinh nghiệm và sự chủ động trong việc triển khai dạy học trực tuyến của các địa phương thời gian qua, thời gian kết thúc năm học 2020-2021 nhiều khả năng sẽ được hoàn thành trước 31/5. 

Đối với việc kiểm tra, đánh giá cuối kỳ, ông Thành cho rằng, Thông tư 26/2020/TT- BGDĐT về đánh giá, xếp loại học sinh THCS, THPT có quy định rõ các hình thức kiểm tra đánh giá định kỳ như thực hiện bài kiểm tra trên giấy hoặc trên máy tính; bài thực hành; dự án học tập. Tùy điều kiện của các nhà trường đối với từng môn học mà hiệu trưởng quyết định áp dụng hình thức kiểm tra đánh giá định kỳ nào phù hợp, đảm bảo khách quan, trung thực. 

“Nếu kiểm tra, đánh giá bằng hình thức trực tuyến thì đề thi phải thiết kế phù hợp để đánh giá đúng năng lực học sinh, có biện pháp theo dõi quá trình làm bài của các em. Đối với việc kiểm tra đánh giá bằng bài thực hành, dự án học tập, học sinh phải tự trình bày báo cáo qua hình thức trực tuyến để giáo viên có thể phỏng vấn qua mạng nhằm đánh giá đúng năng lực của học sinh. Từ giờ đến thời điểm kết thúc năm học còn khoảng gần 4 tuần nữa. Căn cứ vào thực tiễn diễn biến của dịch, các nhà trường chủ động bố trí lịch kiểm tra đánh giá định kỳ để đảm bảo nếu học sinh có thể đến trường thì kiểm tra đánh giá tại trường là tốt nhất. Chỉ khi bất khả kháng mới tổ chức bằng hình thức trực tuyến”-ông Nguyễn Xuân Thành lưu ý.

Huyền Thanh
.
.
.