Cô giáo trẻ nặng tình với xã đảo

Chủ Nhật, 20/11/2016, 10:33
Trường Mẫu giáo công lập Sao Biển ở xã đảo Tam Hải (Núi Thành, Quảng Nam) hiện còn nhiều thiếu thốn, nhưng cô giáo Quyền và tập thể sư phạm nhà trường đã không ngừng sáng tạo, vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy của mình. Riêng cô giáo Quyền 2 năm gần đây liên tiếp đạt được danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở…

Trường Mẫu giáo công lập Sao Biển là ngôi trường mẫu giáo duy nhất tại xã đảo Tam Hải. Chúng tôi đến trường đúng vào giờ ăn trưa của các cháu học sinh nơi đây.

Trong lúc chờ cô giáo Ngô Thị Quyền (29 tuổi) cùng các đồng nghiệp dỗ dành các cháu học sinh ăn bữa trưa, chúng tôi được Hiệu trưởng nhà trường - bà Ngô Thị Bích Ngọc đưa đi tham quan trường. Bà Ngọc cho biết, trường hiện có 27 cán bộ giáo viên chăm sóc và dạy dỗ 219 trẻ, với 9 lớp học. Trước đây, trường hoạt động theo mô hình dân lập rồi qua bán công; đến năm 2010 trường chuyển qua hình thức đào tạo công lập.

Đi qua khu vực bếp ăn của nhà trường, một căn phòng khá rộng và sạch sẽ, 4 chị cấp dưỡng đang tất bật với công việc của mình bên trong, bà Ngọc cho biết thêm: “Từ năm học 2014-2015, chúng tôi bắt đầu xóa các điểm trường thôn để tiến hành đưa các học sinh về điểm trường chính này và thực hiện cho trẻ học bán trú 100%. Để bữa ăn của các cháu đảm bảo và đầy đủ chất dinh dưỡng, nhà trường đã hợp đồng cung cấp thực phẩm với một số đơn vị kinh doanh có uy tín trên địa bàn huyện, được cơ quan chức năng công nhận là cơ sở đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”.

Khó khăn của trường là do ở trên xã đảo nên điều kiện mua sắm trang thiết bị, các mô hình dạy học còn thiếu thốn. Vì thế, mỗi giáo viên phải không ngừng sáng tạo trong công tác giảng dạy của mình. Các giáo viên thường tận dụng các vật dụng đã qua sử dụng, như vỏ chai nhựa, giấy báo cũ… để làm đồ chơi cho trẻ.

Tập thể sư phạm Trường Mẫu giáo Sao Biển có 9 cán bộ là người ở đất liền. Do đó, vào những ngày mưa bão, bến phà ra đảo dừng hoạt động thì số cán bộ giáo viên này cũng không thể ra đảo đến lớp. Các cán bộ giáo viên còn lại tùy tình hình thực tế mà phân công công việc với nhau cho hợp lý.

Với sự nỗ lực của nhà trường, tháng 1-2016, trường vinh dự được công nhận đạt chuẩn quốc gia; tập thể sư phạm nhà trường năm học 2015-2016 được công nhận tập thể lao động xuất sắc, được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam tặng bằng khen.

Sau khi chúng tôi tham quan xong cơ sở của trường cũng là lúc cô Quyền hoàn thành công việc của mình. Mở đầu câu chuyện với chúng tôi, cô giáo có nụ cười hiền tâm sự rằng, sinh ra và lớn lên trên xã đảo Tam Hải, năm 2009, cô tốt nghiệp ngành Sư phạm mầm non tại Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang.

Cô giáo Quyền cùng học trò tham gia trò chơi đố vui bên mô hình “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam” do các cô tận dụng vật dụng cũ làm nên.

Sau tốt nghiệp, cô được giới thiệu lên công tác tại một trường mẫu giáo ở tỉnh Đắk Lắk. Dù công việc ổn định, song cô mong ước được cống hiến sức trẻ cho xã đảo quê hương nên xin chuyển công tác về Trường Mẫu giáo Sao Biển từ tháng 8-2010.

“Khi được về dạy ở quê, em mừng lắm. Lúc mới về, em được phân công dạy ở điểm trường thôn Bình Trung của xã đảo Tam Hải. Khi đó điểm trường chỉ có 1 lớp do em phụ trách nên gặp nhiều khó khăn lắm. Điểm trường vừa nhỏ, vừa chật chội, lại nằm ở nơi thấp trũng nên mỗi khi mưa xuống là cô trò phải kê dọn đồ đạc lên cao, tránh nước ứ chảy vào làm hư hỏng các dụng cụ học tập”, cô Quyền nhớ lại.

Sau 1 năm giảng dạy ở điểm trường thôn Bình Trung, cô Quyền được chuyển về dạy ở điểm trường chính. Trong những năm công tác của mình, kỷ niệm đáng nhớ nhất của cô là được chăm sóc, dạy dỗ cho các em học sinh bị thiểu năng trí tuệ ở Tam Hải. Ít nhất 3 em học sinh thiểu năng trí tuệ nhờ có cô Quyền mà được đi học, vì gia đình các em ai cũng nghĩ bị thiểu năng trí tuệ thì khó có thể học được. Biết được sự việc, cô Quyền đã đến từng gia đình động viên, thuyết phục được phụ huynh đưa trẻ đến lớp.

“Thông thường để chăm sóc mấy em học sinh dạng này khó lắm, có hôm em cho các cháu đi ngủ, thấy cháu bị thiểu năng trí tuệ nằm im, tưởng đã ngủ rồi nên em đi ăn cơm. Ai ngờ em này bất ngờ dậy khi nào không biết, ra mở vòi nước trong nhà vệ sinh làm nước chảy tràn lênh lán hết cả lớp học”, cô Quyền cười hiền nói.

Nhận xét về cô Quyền, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Sao Biển nói rằng, là một cán bộ giáo viên trẻ năng động nên từ năm 2015, cô Quyền được lãnh đạo nhà trường tin tưởng giao đảm nhiệm chức vụ Bí thư Chi đoàn nhà trường. Và, vinh dự lớn đã đến với cô Quyền khi ngày 13-11, cô được ra Hà Nội nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT trong lễ tuyên dương các thầy, cô giáo có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giáo dục trên huyện đảo, xã đảo trong cả nước. Trước đó, vào tối 12-11, cô Quyền cũng đã nhận được bằng khen của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam vì thành tích nói trên…

Ngọc Thi
.
.
.