Cô giáo nối ước mơ cho học trò nghèo vùng cao

Thứ Năm, 23/08/2018, 07:23
“Em muốn được đi học thêm môn Toán”; “Em ước có được một quyển truyện cổ tích của Andecsen”; “Em ước có một chiếc áo đồng phục trong ngày lễ khai giảng”… Đó là những mảnh giấy được các em học sinh cấp 1 và 2 ghi lại, bỏ vào chiếc hộp ở cuối lớp và chờ đợi đến ngày những điều mà mình mong muốn sẽ thành hiện thực.


Với mọi người, đó là điều quá đỗi bình thường, sách, truyện, học thêm việc gì phải ước nhưng ở nhiều vùng cao còn rất khó khăn, đó là điều không dễ có. Cô giáo Giáng Hương trong câu chuyện dưới đây đã bằng nhiều việc làm ý nghĩa để cố gắng biến những ước mơ của các học sinh nghèo nơi đây thành hiện thực.

Xuất phát từ những suy nghĩ cao đẹp

Với suy nghĩ muốn làm được điều gì đó có ý nghĩa, hơn 4 năm qua, cô giáo Nguyễn Giáng Hương là người đã tâm huyết với công việc gom nhặt những ước mơ và giúp cho các em học sinh nghèo có cơ hội để tiếp tục đến trường. Là một giáo viên dạy văn của Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ (Hòa Bình), cô Giáng Hương không chỉ là một giáo viên dạy giỏi, tâm huyết với nghề nghiệp của mình mà còn là một người có tấm lòng nhân ái.

Cách đây 4 năm, chuyến đi đầu tiên của cô và các em học sinh đến với xã xa xôi và khó khăn nhất tại điểm trường Lũng Vân, huyện Tân Lạc chỉ được chuẩn bị trong vòng gần 10 ngày, đây cũng là kỷ niệm đang nhớ nhất của cô và các bạn trong câu lạc bộ Cộng hưởng.

Cô giáo Giáng Hương (ở giữa) trao quà ở Trường cấp 1, 2 xã Lạc Sỹ, huyện Yên Thủy, Hòa Bình.

Sách in, quần áo cũ, dụng cụ học tập, tiền… chỉ trong ít ngày đã được tập hợp lại, quần áo cũ được giặt lại cho sạch. Hôm đó trời mưa to, cả cô và trò đã phải đi bộ gần 3 cây số mang theo quà vào trong trường do đường lầy lội quá xe ôtô không vào được.

Trao quà cho các bạn xong, cô Hương và học sinh của mình không ở lại dùng cơm cùng với nhà trường mà quay trở lại xe dùng đồ ăn mang theo và đây cũng là nguyên tắc trong mọi chuyến từ thiện vì với cô, đi tình nguyện là đến những nơi khó khăn thì không làm phiền cơm nước cho đoàn.

Cứ như vậy đã hơn 4 năm nay, nhiều chuyến đi của cô Hương đã được khởi hành mang theo những ước mơ của các bạn học sinh nghèo. Việc quyên góp quần áo cũ và sách vở, dụng cụ học tập… đã trở thành thông lệ lan tỏa đến tất cả các bạn học sinh trong trường.

Để duy trì hoạt động của câu lạc bộ, cô và các bạn đã tìm nhiều cách làm cho việc gây quỹ, từ việc bán nước giải khát cho các bạn thí sinh và phụ huynh dự thi vào trường, hay việc các bạn trong câu lạc bộ xin phép nhà trường rửa xe cho các bạn học sinh trong trường với mức giá vừa hợp lý và vừa để những “khách hàng”có thể biết đến những hành động của Câu lạc bộ Cộng hưởng mà ủng hộ thêm cho quỹ, các bậc phụ huynh biết đến những việc làm tốt đẹp của cô Hương và chính con mình nên cũng đã ủng hộ về vật chất để các bạn thực hiện.

Nhiều bạn học sinh cũ của trường đang đi công tác cũng đã gửi quà và tiền về cho cô Hương để cô gửi giúp đến những học sinh nghèo. Với tâm huyết của cô Hương và sự nhiệt tình của Câu lạc bộ Cộng hưởng mà nguồn quỹ luôn được duy trì ở mức trên 20 triệu đồng. Tuy không phải là số tiền lớn nhưng với cô thì số tiền đó cũng hỗ trợ được phần nào cho nhiều em hoàn cảnh khó khăn.

Và những ước mơ được tiếp sức

Em Bùi Thị Lệ, học sinh Trường Tiểu học Ngọc Lâu, huyện Lạc Sơn có bố bị bệnh tâm thần, mẹ làm nghề đốt phế liệu nhưng đã bị tai nạn nghề nghiệp do bị đổ phế liệu lúc đang nóng vào người nên nằm một chỗ. Ước mơ của em là không phải bỏ học và với sự hỗ trợ của cô Hương cùng các bạn học sinh trong câu lạc bộ, số tiền 5 triệu đồng mà cô mang đến đã giúp em được tiếp tục đi học, vượt qua khó khăn ban đầu, sau này cô vẫn thường xuyên gửi quà về cho em.

Phụ huynh của học sinh Nguyễn Mai Anh, lớp 11 Nga trong trận lũ lịch sử năm 2017 bị thương rất nặng, không vận động được. Biết hoàn cảnh đó, cô Hương đã vận động các thầy cô giáo trong trường và các bạn học sinh ủng hộ 5 triệu đồng, giúp học sinh của mình và gia đình em.

Còn có rất nhiều em học sinh đã được cô Hương đến tận nơi để giúp đỡ, số tiền vật chất tuy chưa nhiều nhưng sau đó là cả một nghĩa cử cao đẹp “thương người như thể thương thân” của cô Hương và các bạn học sinh trong Câu lạc bộ Cộng hưởng.

Từ những ý tưởng của cô đã lan tỏa đến học sinh của mình biến nó trở thành những hành động đẹp, góp phần giáo dục nhân cách, nâng cao phẩm chất đạo đức của học sinh và hình thành những lối sống, những suy nghĩ lành mạnh, tích cực cho học sinh để các em không chỉ là những trò giỏi mà còn là những con ngoan biết lắng nghe, chia sẻ và cảm thông trước những bất hạnh của người xung quanh, biết tiết kiệm, dành dụm để sử dụng vật chất đúng mục đích và trở thành cháu ngoan của Bác Hồ kính yêu.

Đã có rất nhiều mảnh giấy ghi ước mơ của các em học sinh nghèo thành hiện thực bởi vì xung quanh chúng ta còn nhiều lắm những người tốt, những việc làm tốt. Cô Hương có chia sẻ với tôi rằng, hằng năm có nhiều nhiều bạn học sinh có học lực tốt ở các huyện muốn thi vào trường nhưng vì gia đình nghèo nên không có điều kiện ôn thi, cô rất muốn sẽ mở lớp học để dạy ôn thi miễn phí cho các bạn ấy.

Biết được ý tưởng của cô, nhiều cô giáo trong trường cũng đã muốn cùng cô tham gia dạy học. Tôi nhìn thấy nụ cười dịu dàng của cô và cảm nhận được những điều tốt đẹp mà cô đang mang đến cho những em học sinh khó khăn, chúc cho những việc làm thiện nguyện của cô sẽ bay cao, bay xa để lan tỏa cho những người xung quanh và chúc cho lớp học mà cô ấp ủ sẽ sớm thành hiện thực.

Thanh Huyền
.
.
.