Chứng chỉ hành nghề với giáo viên:

Có cần thiết "đẻ" thêm giấy phép con?

Thứ Ba, 29/01/2019, 10:25
Xoay quanh những góp ý cho sửa Luật Giáo dục trong phần "nội dung nhà giáo" gần đây đã có ý kiến đề xuất, giáo viên dù đã và đang giảng dạy đều phải được cấp Chứng chỉ hành nghề (CCHN). Đề xuất này đang vấp phải nhiều phản ứng khác nhau trong các thầy cô giáo. 


Qua trao đổi, PV Báo CAND nhận được một số chia sẻ từ nhiều người làm nghề giáo, cho rằng không cần thiết phải "đẻ" thêm ra một loại giấy phép con trong hoạt động GD-ĐT vốn đã luôn có quá nhiều thay đổi như thời gian vừa qua.

Một giáo viên tiểu học thuộc phường 9, quận Phú Nhuận chia sẻ: "Tôi được biết, việc cấp CCHN sư phạm được nhiều nước trên thế giới áp dụng, nhưng với nước ta thì đề xuất này lại thực sự đang vấp phải nhiều phản ứng, phần nhiều do nghi ngờ tính minh bạch của quá trình cấp chứng chỉ này. 

Đề xuất phải có chứng chỉ hành nghề với giáo viên đang gặp nhiều phản ứng.

Ngoài ra, quan trọng nhất là quá trình giảng dạy từ lúc còn là giáo sinh mới ra trường tới khi được đứng trên bục giảng chính thức với mỗi giáo viên đã là có một quá trình thử thách.

Quá trình này được giám sát chặt về qui chế chuyên môn, về đạo đức hành nghề, chúng tôi cho rằng, đã quá đủ cho một cuộc sát hạch tốt nhất mà không cần đến mảnh giấy xác nhận nào nữa".

Bà Đỗ Thị Hoa - nguyên Phó trưởng Phòng Giáo dục đào tạo quận Gò Vấp, TP.HCM phân tích khá nhiều vấn đề. Bà Hoa dẫn giải: "Trong hành trình để đi tới các bài giảng có chất lượng, truyền đạt kiến thức tới học sinh, giữa hai chủ thể ở đây là giáo viên - học sinh mà chúng ta gọi là quá trình "tương tác" này để nhằm xây dựng, hình thành nên tình thầy trò, sự hiểu dần nhau, xây dựng được mối thiện cảm, sự quan tâm tới nhau hàng ngày giữa thầy cô và học sinh. 

Cùng nhau học tập, trau dồi kiến thức. Qua đó, người giáo viên ngày càng có thêm tích luỹ kinh nghiệm giảng dạy cho riêng mình với lớp học của riêng mình. Quá trình dần dần trang bị thêm cho thầy cô ngày càng trưởng thành hơn, hoàn thiện hơn và toàn diện hơn về nghề nghiệp. Trong các tiết dạy, trong từng tuần, tháng, quí tới hết một học kì rất rõ ràng, tay nghề cô lên, kiến thức trò nhiều thêm. 

Điều này thể hiện rất rõ trong câu đúc kết của cha ông ta: "Thầy già con hát trẻ". Tức là người thầy càng nhiều năm hoạt động giảng dạy thì càng có nhiều kinh nghiệm quí báu. Đó chính là CCHN với mỗi người làm nghề giáo. Mỗi nhà giáo phải tự khẳng định mình sau khi đã được xét hồ sơ, thi công chức tuyển vào mỗi trường.

Theo ý kiến của một Phó Hiệu trưởng trường tiểu học thuộc phường 17, Gò Vấp, việc cấp CCHN cho nhà giáo sẽ nảy sinh một mối lo, đó là liệu có phát sinh ra "vấn nạn" dạy thêm, học thêm tràn lan hay không. Vì có CCHN cũng như được trao một cái "quyền" thích mở cơ sở dạy thêm hay không là tuỳ ý.

Vậy chất lượng giảng dạy ở trường tất yếu bị ảnh hưởng khi mà giáo viên cứ đi ra ngoài dạy, mở dạy thêm. Bỗng dưng hàng loạt nỗ lực của ngành thời gian qua về các chương trình chế tài, những nỗ lực rất lớn để cố gắng dẹp vấn nạn dạy thêm-học thêm có dịp bùng phát trở lại một cách công khai vì đã có lá bùa" CCHN". 

Vô hình trung, CCHN sẽ "bật đèn xanh" cho một hoạt động trái phép trong ngành mà bao lâu nay nỗ lực rất nhiều mà ta chưa dẹp bỏ được. Chưa kể, khi đề xuất việc cấp, thi CCHN cho giáo viên thì người đưa ra có nghĩ tới việc đơn vị nào đủ điều kiện để đứng ra cấp CCHN cho nhà giáo?

Trong khi điều lệ của trường học cũng đã có những qui định nghiêm ngặt, chuẩn giáo viên tiểu học, chuẩn giáo viên THCS, THPT, vậy  việc "đẻ" ra thêm giấy CCHN này là thừa và không cần thiết...


Huyền Nga
.
.
.