Chấm thi THPT quốc gia 2019:

Nhiều bài thi trắc nghiệm mắc lỗi về tô mã đề, số báo danh

Chủ Nhật, 07/07/2019, 13:55
Tính đến thời điểm hiện tại, công tác chấm thi THPT quốc gia 2019 đã đi được nửa chặng đường. Thông tin về công tác chấm thi tại một số địa phương cho thấy, ở môn thi Ngữ văn, bước đầu chưa xuất hiện tình trạng chênh lệch điểm giữa 2 cán bộ chấm thi. Tuy nhiên, ở các môn thi trắc nghiệm, đã có hàng loạt bài thi mắc lỗi về tô mã đề, số báo danh.

Năm 2019, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội phụ trách chấm thi trắc nghiệm tại cụm thi số 27 tỉnh Thanh Hóa với khoảng 102.000 bài thi. 

Thông tin về tiến độ chấm thi, PGS.TS Trần Văn Tớp - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: Khu vực chấm thi được đặt 5 máy phá sóng, công tác giám sát, đảm bảo an ninh luôn được thắt chặt. 

Trong quá trình chấm thi, đơn vị này gặp một số trục trặc do có khoảng 0,63% trong tổng số 102.000 bài thi của thí sinh Thanh Hóa mắc lỗi về tô số báo danh, mã đề, tương đương 650 bài thi phải sửa lỗi. Những lỗi này bắt buộc phải sửa, nếu không phần mềm sẽ không chấm được. 

Giáo viên chấm thi môn tự luận tại Ninh Bình.

Đặc biệt, có 1 bài thi không ghi gì và đã được ban chấm thi lập biên bản coi như trường hợp bất thường. Hiện công tác chấm thi đã được hoàn tất để bàn giao cho Sở GD&ĐT Thanh Hóa.

Tại Ninh Bình, công tác chấm trắc nghiệm do Trường ĐH Kinh doanh công nghệ Hà Nội chủ trì cũng được tiến hành theo quy trình chặt chẽ. Hiện đã kiểm sửa xong lỗi bài thi, phát hiện có 499 bài thi có lỗi về tô số báo danh, mã đề. Toàn bộ bài mắc lỗi này đã được tiến hành kiểm sửa trước khi đưa vào máy quét. 

Ban chấm thi tỉnh Ninh Bình phấn đấu hoàn tất công tác chấm thi trước ngày 13-7 để trong ngày 14-7 có thể công bố điểm thi đúng kế hoạch. 

Còn tại Hòa Bình, đại diện Sở GD&ĐT Hòa Bình cho biết: Hiện địa phương này đã chấm được hơn 35% khối lượng công việc nhưng chưa có thông tin tỷ lệ điểm cụ thể. Qua một số bài thi tự luận đã chấm, điểm thi tự luận cao nhất mới chỉ đạt 6,5 và thấp nhất 2 điểm. Dự kiến ngày 9-7 sẽ hoàn tất việc chấm thi môn Ngữ văn.

Chia sẻ về công tác chấm thi THPT quốc gia năm 2019, PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng- Bộ GD&DT cho biết: Để tránh sai sót như đã từng xảy ra trong năm 2018, Bộ GD&ĐT đã đề nghị các Hội đồng thi tiếp tục thực hiện công tác chấm thi theo đúng quy định của quy chế, đảm bảo không để xảy ra gian lận. Cùng với đó, các đoàn Thanh tra công tác chấm thi cũng được tỏa ra các địa phương để giám sát quy trình chấm thi. 

“Năm nay, Ban Chỉ đạo thi quốc gia đã chỉ đạo rất quyết liệt và đặc biệt các địa phương đã chuẩn bị rất kỹ càng nên đến nay công tác chấm thi đã đi được nửa chặng đường chưa có vấn đề gì xảy ra. Các điểm chấm thi đều đặt camera giám sát phòng lưu trữ đề thi/bài thi, phòng chấm thi 24/24 giờ, Công an giám sát nghiêm ngặt. Đánh giá một cách tổng thể, các Hội đồng chấm thi đã triển khai đúng quy chế, kể cả thi trắc nghiệm và tự luận từ công tác chuẩn bị, tổ chức thực hiện để đảm bảo chấm tự luận theo đúng 2 vòng độc lập đến hoạt động của Hội đồng chấm thi, hoạt động của Hội đồng chấm kiểm tra”-ông Trinh nhấn mạnh.

Thông tin thêm về việc chấm thi trắc nghiệm, ông Mai Văn Trinh cho biết: Công tác chấm thi trắc nghiệm đã được các trường đại học triển khai đúng kế hoạch, đã quét xong các bài thi và đi đến các công đoạn tiếp theo của chấm trắc nghiệm. Tại thời điểm hiện tại, nhìn chung phần mềm chấm trắc nghiệm đang vận hành rất trơn tru, một số lỗi kỹ thuật do từ phía coi thi đã xử lý theo khuôn khổ của quy chế và sự hỗ trợ của phần mềm, còn công tác chấm thi tự luận đang thực hiện theo các bước. 

Qua kiểm tra cho thấy, các quy trình, quy định đã được làm tương đối tốt đặc biệt ở khâu bốc thăm chấm, chấm vòng 1, vòng 2 độc lập. Đối với việc chấm thi tự luận môn Ngữ văn, năm nay, chấm kiểm tra đã được các Ban chấm thi nghiêm túc thực hiện và đã lựa chọn các bài điểm cao trong khuôn khổ chấm tối thiểu 5%. 

Hiện nay, tất cả các Ban chấm thi tự luận trong cả nước đều đã tổ chức thảo luận chung, chấm chung ít nhất 10 bài. Trên cơ sở đó, hội đồng chấm thảo luận, thống nhất quan điểm để cán bộ chấm thi đảm bảo chấm đều tay. 

Bên cạnh đó, khâu chấm kiểm tra cũng chấm đồng thời để góp phần điều chỉnh quá trình chấm này nhằm đảm bảo chính xác, trung thực, tránh sai sót và đặc biệt không để ra gian lận. Qua kiểm tra chấm thi ở một số tỉnh cho thấy, không có nhiều sự khác biệt, sự chênh lệch giữa cán bộ chấm thi thứ nhất và cán bộ chấm thi thứ 2 trong môn Ngữ văn.

Thu Phương-Huyền Thanh
.
.
.