Cây cầu tình nghĩa thầy trò ở Quảng Nam

Thứ Sáu, 21/11/2014, 14:25
Chuyện xảy ra tại làng Hà Tân (xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam), một vùng quê bên dòng sông Vu Gia. Những giáo viên về hưu tại đây đã góp tiền và đứng ra vận động kinh phí xây cầu nhỏ để người dân đi lại thuận lợi, nhất là để các em học trò ở vùng đất bán sơn địa này đến trường bớt gian nan...

Con đường từ làng Hà Tân về trung tâm xã Đại Lãnh băng qua nhiều khe suối. Mỗi mùa mưa lũ đi qua, vùng đất này lại sạt lở nghiêm trọng, việc đi lại cũng hết sức vất vả, nguy hiểm. Khó khăn trong việc đi lại của người dân làng Hà Tân khiến cô Bùi Thị Một giáo viên tiểu học nghỉ hưu ở địa phương hết sức trăn trở. Đầu năm 2012, cô mạnh dạn đứng ra vận động mọi người cùng nhau đóng góp sức lực, tiền của để xây dựng nên chiếc cầu đầy nghĩa tình. Khi đem chuyện xây cầu bàn với các giáo viên đã nghỉ hưu trong vùng, cô bất ngờ khi nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của 14 giáo viên. Hay tin các thầy cô giáo góp sức xây cầu bằng số tiền lương hưu ít ỏi, con em làng Hà Tân đang làm ăn ở xa cảm kích gọi điện về hỏi chuyện và xin cùng đóng góp. Chỉ sau một thời gian ngắn, nguồn vốn gửi về đã hơn 100 triệu đồng, đủ để xây cây cầu mới khang trang, vững chắc.

Cầu Bàu Làng được xây dựng nhờ sự quyên góp của các giáo viên dành cho người dân làng Hà Tân.

Để chiếc cầu được thiết kế phù hợp và đúng kỹ thuật, cô Một đã liên hệ với những học trò đang là kỹ sư xây dựng cầu đường tại Đà Nẵng. Sau khi biết nguyện vọng của các cô, cậu học trò năm xưa đã không ngần ngại lập bản thiết kế, dự trù kinh phí xây dựng cầu đường. Chiếc cầu Bàu Làng có chiều dài 6m, rộng 4 m, sàn bê tông dày hơn 10cm, cùng hệ thống mố cầu, đường dẫn... nhanh chóng hiện ra trên bản thiết kế. Cô trò cùng nhau bàn bạc, thống nhất trước khi đặt hòn đá đầu tiên làm móng cầu.

Đầu năm 2013, việc xây dựng cầu Bàu Làng mới được bắt đầu. Suốt thời gian xây dựng công trình, các giáo viên trong làng đều thay phiên nhau có mặt, vừa làm công việc giám sát. Nhiều người làng Hà Tân thấy việc làm ý nghĩa của các cô cũng bỏ dở việc đồng áng, tình nguyện góp công sức cho công trình tình nghĩa này.

Một không khí khẩn trương nhưng ấm áp, luôn tràn ngập tiếng cười. Chỉ hơn một tháng sau, chiếc cầu Bàu Làng nối nhịp bờ vui đã được khánh thành trong niềm sung sướng của mọi người. Ngày khánh thành chiếc cầu, hàng trăm người dân địa phương đã ùn ùn kéo đến như trẩy hội để chia vui. Những thế hệ học trò măng non tung tăng bước đi trên con đường dẫn về làng được thảm lát bằng tình yêu thương, tâm huyết của cô trò làng Hà Tân, càng khiến những giáo viên nơi đây lại ánh lên một niềm hy vọng. Mỗi khi mùa lũ tràn về, cây cầu mới Bàu Làng bắc qua một nhánh đổ ra dòng Vu Gia vẫn đứng vững trên dòng nước lũ, như chính tình cảm của những thầy cô giáo một đời gieo con chữ đối với  mảnh đất này…

Bảo Phương
.
.
.