Xét tuyển ĐH-CĐ 2015: Quyết liệt trường top trên

Thứ Năm, 06/08/2015, 17:50
Thận trọng cập nhật thường xuyên thông tin về số lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển, căn cứ số điểm tổ hợp 3 môn đã đạt được, vào điểm chuẩn lấy vào năm ngoái của trường… là những yếu tố mà thí sinh (TS) năm nay trước khi nộp hồ sơ xét tuyển ĐH-CĐ phải hết sức cân nhắc. Thế nhưng qua khảo sát tại khu vực TP Hồ Chí Minh ngày 5 và 6/8, TS, phụ huynh đa phần vẫn rất hồi hộp, và thiếu tự tin trước lựa chọn của mình. Có TS sáng nộp hồ sơ, chiều đã xin rút hồ sơ.

“Điểm sàn” năm nay không có giá trị?

Chị H. ( ngụ tại quận Gò Vấp) cho biết,  con trai chị đạt được 23,75 điểm với tổng hợp 3 môn Toán, Lý, Hóa, một số điểm khá cao so với các năm, nhưng sau khi đưa con tới làm thủ tục xét tuyển tại trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh, chị đã quyết định “thăm dò” đã, mà chưa nộp hồ sơ. Ghi nhận tại nơi tiếp đón TS và phụ huynh đến làm thủ tục tại ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh sáng 5/8 cho thấy, rất nhiều trường hợp cũng quyết định “nghe ngóng” thông tin, đợi tới cuối đợt xét tuyển mới nộp hồ sơ như chị H.

Ông Tiến (53 tuổi, ngụ P.4 quận 8, TP Hồ Chí Minh) cho hay: “Con gái tôi là đạt 21,75 với 3 môn toán, lý hóa nhưng chưa dám nộp hồ sơ vào ĐH Kinh tế. Năm nay khó đoán điểm chuẩn quá!. Tôi và như nhiều bậc cha mẹ khác, không có nhiều thời gian mà ngồi trên mạng cập nhật thông tin hàng ngày về số lượng hồ sơ nộp vào của trường con mình hướng tới, mà không cập nhật thì nguy cơ dễ bị sót thông tin để kịp điều chỉnh rút hồ sơ hay không, thật khó khăn cho cả phụ huynh và TS năm nay. Điểm chuẩn ĐH Kinh tế năm ngoái là từ 19 tới 21. Nếu nộp hồ sơ, tôi sẽ cho cháu đăng ký ngành lấy thấp điểm nhất là 19 điểm”.

Ban tuyển sinh ĐH Kinh tế TP Hồ chí Minh tư vấn cho phụ huynh và thí sinh làm hồ sơ xét tuyển

Chị H vốn là một giáo viên cho biết theo tìm hiểu riêng của chị, khối A cả nước có 23.660 TS đạt từ 23,75 trở lên nếu tính thêm các khối khác như B (10.210); A1 (6931); C (6500); D (6663) tổng cộng có tới 53. 964 TS có mức điểm được đánh giá khá là cao. Và chị nói: “giả sử nếu trung bình mỗi trường có 2000 chỉ tiêu thì chỉ riêng con số đó đã lấp đầy gần khoảng 27 trường ĐH mà như vậy các trường tốp đầu và tốp giữa có uy tín như Bách Khoa hay Luật chắc phải đạt điểm cỡ đó trở lên!. 23-24 điểm vẫn còn chênh vênh khi lựa chọn Bách Khoa, và điểm sàn năm nay có giá trị hay không?”.

 Theo thống kê đến ngày 3/8 của ĐH Luật TP Hồ Chí Minh thì khối A đã có 29 TS đạt từ 23,75 trở lên; A1 (có 20 TS); C (có 79 TS) ; D (có 13 TS) như vậy đến hết ngày 3/8 đã có 141 TS đạt từ 23,75 trở lên nộp xét tuyển, trong đó chủ yếu nhắm vào ngành Luật học, có tổng chỉ tiêu là 1.250 với 04 chuyên ngành. Nếu lấy từ mức 22 điểm thì đã có 278 TS và mức 21 điểm – tương đương năm 2014 thì có tới 340 TS. Đáng lưu ý các con số trên được đưa ra trong 03 ngày đầu chỉ với 373 hồ sơ nộp vào. Tại trường ĐH Ngoại thương, cơ sở 2 ( TP Hồ Chí Minh) tổng cộng có 535/649 TS nộp hồ sơ vào đạt từ mức 24 điểm trở lên. Còn số điểm thấp nhất là 20,25 và cao nhất là 29,25.

 “Ẩn số” điểm chuẩn sẽ lộ diện vào những ngày cuối đợt xét tuyển

Tới chiều 5/8, trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh đã có 3321 hồ sơ nộp vào. Về phổ điểm phổ biến từ 20, 21 trở lên và cao nhất là 29,5 điểm. Còn một số rất ít hồ sơ ở mức “điểm sàn” của trường là 18 điểm. Thầy Trần Thế Hoàng, Trưởng phòng Đào tạo cho biết, số lượng hồ sơ nộp vào trường sẽ tiếp tục tăng trong mấy ngày tới, nhà trường tạo mọi điều kiện cho TS tới làm thủ tục đồng thời công bố mỗi ngày 1 lần  thông tin về xét tuyển trên trang website của trường, chứ không phải là 3 ngày/lần giúp TS kịp thời cập nhật. Nhà trường tạo mọi điều kiện cho TS có nhu cầu rút hồ sơ, muộn nhất là trong 1 ngày phải xong. Nhưng thầy Hoàng cũng  lưu ý, TS không nên rút hồ sơ vào những ngày cuối đợt xét tuyển, đảm bảo đủ thời gian kịp nộp hồ sơ vào trường khác.

ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh dành khu Hội trường lớn và huy động nhân sự tối đa cho công tác xét tuyển ĐH-CĐ 2015

Ông Nguyễn Quốc Cường, Chuyên viên phòng tuyển sinh CQĐD của Bộ GD-ĐT tại TP Hồ Chí Minh đã đưa ra lời khuyên: Khi nộp hồ sơ xét tuyển vào các trường các TS hết sức lưu ý với những trường tốp đầu, nếu thấy tổng điểm theo tổ hợp truyền thống đạt bằng, hoặc cao hơn điểm chuẩn của trường đó năm ngoái thì hãy mạnh dạn nộp hồ sơ đăng ký. Với những trường tốp giữa mặc dù các trường đưa ra ngưỡng điểm sàn bắt đầu xét nhưng nếu cao hơn ít nhất 2 điểm so với “điểm sàn” của trường hãy nộp, còn dân lập và ngoài công lập thì cứ bằng “ngưỡng điểm” do Bộ đưa ra là yên tâm nộp hồ sơ. Hết sức chú ý với nhiều “bẫy” là nhiều trường tốp trên công bố mức xét tuyển bằng ngưỡng Bộ GD-ĐT đưa ra nhưng thực tế các ngành có thể lấy cao hơn tới 4-5 điểm, đăng ký vào khó có khả năng. Ngoài ra, theo diễn biến thực tế, thì năm nay rõ ràng, một yếu tố bất lợi cần cân nhắc thêm với TS khi nộp hồ sơ xét tuyển, đó là phải “canh chừng” với những “đối thủ” là TS có điểm ưu tiên. Kiếm thêm được 0.5 điểm là vô cùng quí giá với TS không ở diện ưu tiên, nhưng TS ưu tiên có trường hợp cộng đến 3,5 điểm, TS ở diện được thêm từ 1-2 điểm cũng không ít. Như tại  ĐH Luật TP Hồ Chí Minh có 276/373 TS thuộc diện ưu tiên( chiếm hơn 71%) tính trên số hồ sơ nộp vào thời điểm ngày 3/8. ĐH Ngoại thương cơ sở 2 số đối tượng ưu tiên cũng có tỷ lệ cao là 426/649 (chiếm khoảng hơn 65%) với số điểm ưu tiên trung bình là 1,06 điểm. Riêng các trường top trên điểm chuẩn vẫn là một “ẩn số” với nhiều TS, mặc dù một số lượng không nhỏ TS có kết quả thi là khá cao.

Huyền Nga
.
.
.