Thực trạng hành vi bạo lực học đường:

Xem xét thang điểm đánh giá hạnh kiểm trong trường phổ thông

Thứ Năm, 25/12/2014, 21:00
Một cuộc khảo sát nhanh của Viện Nghiên cứu giáo dục-Đại học Sư phạm (TP HCM) công bố ngày 24/12 cho thấy, 50% học sinh được khảo sát thừa nhận đã từng là nạn nhân của nạn bạo lực học đường(BLHĐ), còn 80% đã từng chứng kiến cảnh bạn bè đánh nhau trong và ngoài trường.

Từ thực tế trên, các Chuyên gia giáo dục cho rằng, để “sản phẩm giáo dục” của ngành đáp ứng với yêu cầu “đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục” thì bài học đạo đức trên lớp của thầy, cô rất cần thiết phải bổ sung thêm kiến thức Pháp luật, giúp học sinh tránh xa hành vi BLHĐ; ngoài ra cũng cần xem xét lại thang điểm về đánh giá hạnh kiểm của học sinh trong trường phổ thông.

Những hình ảnh phản cảm không nên có tại môi trường học đường.

Khi nhận được câu hỏi từ phía các Chuyên gia về tâm lý của Viện Nghiên cứu giáo dục ĐH Sư phạm TP HCM : “Hành động phản ứng nếu là nạn nhân của bạo lực học đường?”, hầu hết các HS đều cho rằng, sẽ phản ánh tới thầy, cô, và có khoảng gần 30% cho biết sẽ nói hoặc đánh lại bạn. Chỉ có 4% cho rằng sẽ im lặng hoặc nghỉ học vì sợ phải đánh nhau.

Xác định về nguyên nhân, động cơ thúc đẩy tới hành vi BLHĐ, thì trên 80% ý kiến các em cho rằng, do tính hiếu thắng, muốn chứng tỏ bản thân, một số lại cho rằng, do chưa được bố mẹ quan tâm, do hành vi BLHĐ chưa được xử lý rốt ráo.

Học sinh Phạm Khương Duy- nạn nhân của nạn bạo lực học đường đang được chăm sóc tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM.

Tại cuộc họp, đại diện các sở Giáo dục các tỉnh phía Nam phản ánh khá chân thực về thực trạng BLHĐ. Đại diện Sở GD-ĐT Lâm Đồng cho biết, chỉ trong năm học 2013-2014 địa phương này có tới 33 vụ BLHĐ, trong đó có tới 7 vụ đánh nhau có hung khí, 20 vụ gây gổ đánh nhau trong và ngoài khuôn viên nhà trường giữa các nhóm đông học trò với nhau, tức là có tổ chức. Còn tại tỉnh Khánh Hòa, chỉ trong 03 năm qua, đã xảy ra 48 vụ HS đánh nhau tại 9 trường THPT, trong đó 39 vụ phải đưa ra hội đồng kỷ luật nhà trường.

Riêng tại tỉnh Đắc Lắk, liên tiếp trong tháng 11/2014 tại tỉnh này xảy ra 2 vụ việc HS đánh nhau gây hậu quả nghiêm trọng. Đầu tiên là trường hợp 1 học sinh đâm chết bạn trong lớp( ngày 3/11). Và ngày 20/11, thì 2 HS lớp 5 và lớp 6 cầm gậy đánh nhau, em lớp 6 bị thương nặng và  tử vong sau đó khi vào viện cấp cứu.

Một vụ việc mới đây nhất xảy ra tại tỉnh Long An đã được phản ánh trên báo CAND online ngày 20/12 về HS Phạm Khương Duy( trường THCS Nguyễn Thành Nam, huyện Tân Trụ, Long An) bị bạn đánh tới chấn thương sọ não chỉ vì không cho bạn chép bài. Trưa ngày 25/12, thông tin từ khoa chấn thương sọ não(CTSN) Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay, sau 1 tuần được điều trị tại đây, em Khương Duy vẫn chưa thể xuất viện. Theo bác sĩ Phan Minh Hưng, Phó khoa CTSN của bệnh viện cho biết, ít nhất 5 ngày nữa em Duy mới có thể xuất viện. Đây cũng là trường hợp đầu tiên Khoa tiếp nhận về tình trạng bạo lực học đường khiến bệnh nhân chấnt hương sọ não. Tuy nhiên, điều quan trọng là sau khi về nhà, đi học lại, gia đình rất cần quan tâm tới việc đưa, đón con tới trường hàng ngày, theo dõi tâm lý của em có vấn đề gì không. Cần phải báo với nhà trường có biện pháp hỗ trợ cần thiết để em ổn định tâm lý sinh hoạt trở lại.

Từ thực trạng phản ánh về BLHĐ tại cuộc họp, theo PGS-TS Ngô Minh Oanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục- ĐH Sư phạm TP HCM, BLHĐ đã và đang xảy ra hàng ngày với HS, ở tất cả các cấp phổ thông, nhất là THCS và THPT, BLHĐ xảy ra ở mức độ khác nhau mà nhiều khi vì nhiều lý do mà ngành giáo dục chưa quan tâm hết một cách thấu đáo. Từ trêu chọc, tới xô sát, trấn áp bạn lấy đồ, tiền bạc, làm nhục bạn giữa đám đông...đến đánh đập nhau, có phe nhóm, có người chỉ huy. Và lắng nghe ý kiến từ HS cho thấy, khi xảy ra sự việc, HS rất cần tới vai trò của thầy cô giáo, nhất là giáo viên chủ nhiệm, các em đề cao vai trò của người giáo viên, vì vậy với vấn đề BLHĐ, nhà trường có một chức năng vô cùng quan trọng trong giáo dục cho HS cả về phương diện tâm lý và đạo đức, đó là giáo dục chuẩn mực hành vi đạo đức, kèm theo giáo dục kiến thức pháp luật .Ví dụ với hành vi xâm phạm về tài sản và thân thể người khác, HS phải nhận thức được hành vi như vậy dẫn tới việc gây rối trật tự an toàn XH, có thể sẽ phải chịu sự xử lý của pháp luật ra sao! Ngoài ra, vai trò của gia đình phối hợp không thể thiếu trong việc ngăn chặn hành vi BLHĐ. Cách sống gương mẫu của cha mẹ ảnh hưởng rất lớn tới học sinh; hoặc rất cần hướng dẫn con em khi gặp vấn đề xã hội phức tạp thì xử lý ra sao.

Tại cuộc họp trên, một ý kiến cũng được chú ý của ông Phạm Văn Khương, Thanh tra Sở GD-ĐT tỉnh Ninh Thuận cho rằng: “Cần phải nhìn nhận rằng, hiện không ít giáo viên lên lớp chỉ tập trung cho việc dạy học là xong, mà dường như quên đi việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Hạnh kiểm của học sinh hiện nay cần phải được đánh giá không chỉ trong nhà trường mà phải đánh giá cả ở ngoài nhà trường. Vì nhiều em trong trường tỏ ra rất ngoan, nhưng khi ra khỏi khuôn viên nhà trường, hành vi bạo lực xuất hiện khiến giáo viên không kiểm soát được”. Do đó, theo ông Khương, thang điểm đánh giá hạnh kiểm cho học sinh cần phải được đo bằng việc đánh giá nhân cách đạo đức, hành vi ứng xử văn hóa tại môi trường học tập, xã hội, tránh xa lối sống ích kỷ, thờ ơ, vô cảm với mọi người xung quanh, với cộng đồng.

Huyền Nga
.
.
.