Căng mình đảm bảo an toàn kỳ thi THPT quốc gia 2015

Thứ Hai, 25/05/2015, 08:31
Chỉ còn hơn một tháng nữa hơn 1 triệu thí sinh sẽ bước vào kỳ thi THPT quốc gia năm 2015. Hiện tại, công tác chuẩn bị cho kỳ thi tại các cụm thi do các trường đại học (ĐH) và Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) các địa phương chủ trì cơ bản đã hoàn tất. Tuy vậy, do đây là kỳ thi THPT quốc gia “hai trong một” đầu tiên được diễn ra nên nhiều trường ĐH chủ trì các cụm thi cho biết sẽ phải “căng mình” để đảm bảo cho kỳ thi diễn ra suôn sẻ, an toàn.
>>Thông tin mới nhất về tuyển sinh vào các trường CAND năm 2015
>> Khoảng 60% thí sinh có nguyện vọng lấy kết quả tốt nghiệp để xét vào đại học

Trao đổi với PV Báo Công an nhân dân, ông Hoàng Dũng Sỹ, Trưởng phòng Đào tạo Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) cho biết: Kỳ thi THPT quốc gia 2015, Đại học Hồng Đức được giao phối hợp với ĐH Y Hà Nội chủ trì cụm thi cho thí sinh thuộc 2 tỉnh Thanh Hóa và Ninh Bình với 30.487 thí sinh dự thi. Đến thời điểm hiện tại, công tác chuẩn bị thi cơ bản đã hoàn tất. 

Dự kiến, trường sẽ bố trí khoảng 37 điểm thi nằm ở các thị trấn, thị xã và TP Thanh Hóa để thuận lợi cho thí sinh và người nhà. Các điểm thi chủ yếu tập trung trên địa bàn TP Thanh Hóa với 23 điểm thi. Còn lại, các điểm thi sẽ được bố trí tại các huyện, thị lân cận thành phố và dọc theo quốc lộ 1A nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, ăn, ở của thí sinh, người nhà thí sinh, đặc biệt là thí sinh của tỉnh Ninh Bình và thí sinh từ những huyện miền núi xa xôi của tỉnh Thanh Hóa. 

Hiện nay, Trường ĐH Hồng Đức đã và đang phối hợp với các ban, ngành liên quan, các địa phương có điểm thi, các trường THPT có thí sinh dự thi để chuẩn bị tốt nhất về cơ sở vật chất cho kỳ thi nhằm đảm bảo cho kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy định.

Thí sinh thi THPT năm 2014. Ảnh: CTV.

Năm 2015, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội được giao chủ trì tổ chức cụm thi số 1 với tổng số thí sinh lên tới gần 15 nghìn, trong đó có các thí sinh thuộc hai quận Hoàn Kiếm và Hoàng Mai của Hà Nội, thí sinh từ TP Nam Định và một số huyện thuộc tỉnh Nam Định (Ý Yên, Vụ Bản, Mỹ Lộc, Nam Trực và Nghĩa Hưng). 

Đến nay toàn bộ hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh đã được Sở GD&ĐT Hà Nội và Nam Định bàn giao cho trường. Khu ký túc xá của trường cũng đã sẵn sàng dành cho 3.000 thí sinh ở xa có thể lưu trú trong thời gian thi. Ba điểm thi cụ thể đã được trường ấn định là: Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Xây dựng, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Công tác khảo sát, thống kê các phòng thi đã hoàn thành. Công tác tổ chức chấm 8 môn thi đang được trường nghiên cứu kỹ lưỡng để đảm bảo thời hạn cuối nộp dữ liệu kết quả tuyển sinh THPT quốc gia theo quy định vào ngày 20/7. 

Dự kiến, khoảng 800 cán bộ viên chức của 3 trường sẽ được điều động tham gia công tác coi thi. Ngoài ra, trường cũng đã huy động một lực lượng lớn sinh viên tình nguyện tham gia, từ việc đón các em học sinh từ các nhà ga đến nhà trọ, hướng dẫn các em vào phòng thi nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các thí sinh từ các địa phương về Hà Nội dự thi.

Là một trong những địa phương lân cận Hà Nội, năm 2015, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có trên 13.200 thí sinh, trong đó, 6.999 thí sinh đăng ký dự thi tại cụm thi liên tỉnh để công nhận tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, cao đẳng, chiếm 52,8%; 6.253 thí sinh có nguyện vọng thi xét tốt nghiệp được tổ chức thi tại cụm thi tỉnh do Sở GD&ĐT chủ trì phối hợp với Trường ĐH Lao động - Xã hội tổ chức thi, chiếm 47,2%. Đến nay, công tác chuẩn bị cho kỳ thi được Sở GD&ĐT thực hiện khẩn trương, đúng kế hoạch. 

Căn cứ vào số lượng thí sinh đăng ký dự thi tại tỉnh và điều kiện đáp ứng về an toàn, an ninh, cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục, Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc đã quyết định thành lập 9 điểm thi với tổng số 245 phòng thi. Các đơn vị đặt địa điểm thi đã và đang tổ chức triển khai công tác chuẩn bị mọi điều kiện đảm bảo cho kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.

Tại buổi làm việc của Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia TP Hà Nội với Sở GD&ĐT cùng đại diện lãnh đạo 8 trường ĐH chủ trì cụm thi trên địa bàn vừa diễn ra tại Hà Nội, lãnh đạo các trường ĐH chủ trì cụm thi báo cáo công tác chuẩn bị và đều khẳng định: Công tác tổ chức thi là việc làm hằng năm nên không có gì bỡ ngỡ. Số lượng thí sinh đã xác định được cho tới thời điểm này thấp hơn khá nhiều so với dự kiến ban đầu nên việc chuẩn bị phòng thi không có sức ép lớn. Tuy nhiên, điều khiến các trường băn khoăn chủ yếu tập trung vào công tác chấm thi cũng như việc đảm bảo để kỳ thi diễn ra suôn sẻ, an toàn. 

Với Trường ĐH Lâm nghiệp, vốn có các điểm thi nằm toàn bộ trên địa bàn huyện Chương Mỹ, khá xa trung tâm lại hay xảy ra tình trạng mất điện. Do vậy, lãnh đạo trường đã kiến nghị Ban chỉ đạo thi và các cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm công tác bảo đảm an toàn cho kỳ thi. Đại diện Học viện Nông nghiệp Việt Nam lại bày tỏ lo lắng trước tình hình giao thông phức tạp bởi tuyến đường từ khu vực Long Biên tới Trâu Quỳ (Gia Lâm) có nhiều xe tải, xe container và có thể gây nguy hiểm cho thí sinh. Lãnh đạo trường đề nghị Sở GTVT có phương án cụ thể về vấn đề này.

Cũng theo đại diện các trường ĐH, năm 2015, lần đầu tiên tổ chức thi tới 8 môn nên công tác chấm thi khiến các trường phải tính toán nhiều hơn, nhất là với khối các trường kỹ thuật, kinh tế - thường không có giáo viên xã hội. 

Đại diện Trường ĐH Thủy lợi, cho biết: Khó khăn nhất với nhà trường là khâu chấm. Chấm các môn trắc nghiệm thì không vấn đề gì. Hoặc môn toán thì trường có thể tự chấm hoặc mời thêm một số giáo viên bên ngoài. Nhưng vấn đề là ở ba môn văn, địa, sử, nhà trường sẽ phải nhờ đến giáo viên phổ thông. Nếu để cho trường tự liên hệ (mời những trường THPT trên địa bàn) thì có thể rơi vào tình huống giáo viên sẽ chấm thi cho chính học sinh của mình. Còn nếu để cho Sở điều động thì dễ xảy ra tình huống cán bộ chấm thi phải đi lại quá xa, thậm chí trường ĐH phải thuê khách sạn cho giáo viên nghỉ lại để hằng ngày làm nhiệm vụ, và như thế sẽ tốn kém thêm.

Huyền Thanh
.
.
.