Cần thêm giải pháp để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh

Thứ Sáu, 31/05/2019, 18:01
Trao đổi bên hành lang Quốc hội (ngày 31-5), một số đại biểu Quốc hội đánh giá, phần giải đáp của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ tại Quốc hội ngày 31-5 đã cơ bản giải quyết được một số băn khoăn của đại biểu, thể hiện sự cầu thị, trách nhiệm của người đứng đầu ngành giáo dục. Đặc biệt, các đại biểu kỳ vọng, rút kinh nghiệm từ kỳ thi THPTQG 2018, Bộ GD & ĐT cần nghiên cứu thêm giải pháp để đảm bảo quyền lợi cho các thí sinh học thật, thi thật



Kỳ thi THPT quốc gia có trách nhiệm của 4 bên liên quan

Vấn đề đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm là giải pháp nào sẽ khắc phục những hạn chế, thiếu sót để đảm bảo chất lượng, an toàn cho kỳ thi trong năm 2019. Phần trả lời của Bộ trưởng Nhạ về vấn đề này, theo ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa, đã đưa ra được một số giải pháp cơ bản, khả thi. Ví dụ, giải pháp khắc phục lỗ hổng phần mềm chấm thi, quy trình tổ chức thi; nâng cao vai trò của chính quyền địa phương, của các trường đại học, cao đẳng và một số bộ ngành liên quan trong việc phối hợp cùng ngành giáo dục tổ chức thực hiện kỳ thi năm 2019; tăng cường thanh kiểm tra, giám sát trong coi thi, chấm thi, trong đó, đề cao vai trò giám sát của xã hội và người dân.

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng, trách nhiệm chính của Bộ là phải xây dựng cơ chế, quy chế thi thật chặt chẽ, chuẩn bị kế hoạch, nhân lực, các điều kiện kỹ thuật bảo đảm thật đầy đủ và triển khai tập huấn, quán triệt một cách nghiêm túc trong toàn ngành, đồng thời tăng cường kiểm tra giám sát để hạn chế các tiêu cực. 

Còn kết quả cuối cùng lại phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác trong đó có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ của các bên liên quan. “Ở đây phải nói tới trách nhiệm và sự phối hợp chặt chẽ của  của chính quyền địa phương, bộ ngành liên quan, các trường đại học, cao đẳng, và trên cả là trách nhiệm của từng cá nhân tham gia vào từng công đoạn của kỳ thi”, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa nói.

ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa

Nữ đại biểu đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh rằng, phải có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của 4 bên gồm: Bộ GD&ĐT, chính quyền địa phương, Bộ ngành liên quan, các trường đại học, ccao đẳng, thì việc đảm bảo an toàn, chất lượng cho kỳ thi THPT quốc gia 2019 mới có thể thực hiện được”

Một băn khoăn của nhiều ĐBQH mà theo ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa, trong phần trả lời của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chưa giải đáp được, đó là làm thế nào để trả lại quyền và cơ hội cho một bộ phận thí sinh chịu thiệt thòi do sai phạm của kỳ thi THPT quốc gia 2018. Vấn đề này được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, và sự bức xúc của cử tri cũng như của các đại biểu là hoàn toàn có cơ sở, bởi sai phạm trong thi cử đã ảnh hưởng đến quyền lợi và cơ hội của những thí sinh học thực, thi thực.

Tuy nhiên, bà Mai Hoa cho rằng, để giải quyết được vấn đề trả này có thể rất khó. “Luật Giáo dục đại học giao quyền tự chủ tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng thì sự can thiệp của Bộ GD&ĐT là không dễ. Cơ chế tuyển sinh hiện nay cho phép thí sinh đăng ký vào nhiều trường đại học, cao đẳng. Khi không thực hiện được nguyện vọng 1, các em vẫn có thể thực hiện được nguyện vọng thứ 2, 3. Và thực tế nhiều thí sinh bị lấy mất cơ hội vì những em gian lận điểm thi, đã nhập học các trường đại học khác ở nguyện vọng tiếp theo. Trong bối cảnh đó, theo ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa, việc trả lại công bằng cho thí sinh sẽ liên quan đến hoạt động giáo dục của rất nhiều trường đại học. Việc thay đổi vị trí của một sinh viên sẽ kéo theo sự thay đổi cơ hội của rất nhiều em khác. Tôi cũng mong Bộ trưởng và ngành Giáo dục có thể nghiên cứu thêm giải pháp để có thể giải quyết được phần nào vấn đề quyền lợi của người học thật, thi thật”, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa nói.  

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương – đoàn Quảng Bình: “Tôi chia sẻ với những khó khăn đặc thù của ngành giáo dục”

Tôi cho rằng, điểm ghi nhận đầu tiên là Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã nhận trách nhiệm và hứa sẽ khắc phục những bất cập của kỳ thi THPT quốc gia, của ngành giáo dục trong thời gian tới. Ưu điểm thứ hai, Bộ trưởng có trả lời rạch ròi những vấn đề mà đại biểu và cử tri quan tâm. 

Tất nhiên, trả lời này có thể thỏa mãn với đại biểu này, nhưng chưa thỏa mãn với đại biểu khác. Có đại biểu tranh luận xử lý như thế nào đối với sinh viên mà thi đủ điểm nhưng do vi phạm đã làm cho những em này không được tuyển vào các trường mà theo nguyện vọng của các em. Đây là vấn đề không chỉ Bộ GD&ĐT giải quyết mà sẽ liên quan đến Chính phủ, liên quan đến nhiều ngành trong xử lý. Cần có sự bàn bạc thống nhất mới có thể trả lời được cho cử tri và nhân dân.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương.

Cá nhân tôi chia sẻ với Bộ trưởng Nhạ bởi lẽ ngành giáo dục có những khó khăn đặc thù hơn tất cả các lĩnh vực khác. Thực tế thì bên cạnh những bất cập, hạn chế, thời gian qua giáo dục đã có những đột biến về chất lượng. Cụ thể: Ngân hàng thế giới đánh giá giáo dục Việt Nam là một trong 10 nền giáo dục ở khu vực châu Á có những đổi mới ấn tượng, rõ rệt. 

Thứ hai là trên đấu trường quốc tế như thi Olympic quốc tế, Cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật thì học sinh Việt Nam không thua kém học sinh các nước trên thế giới. Một số lĩnh vực thi về kỹ thuật robot, tin học…, nhiều năm liên tiếp ngành giáo dục đều có thành tích và có những đột biến về kết quả. Hoặc trong việc đổi mới về chương trình GDPT, sách giáo khoa, ngành GD đã thật sự có ý thức cao về nâng cao chất lượng GD”

*Đại biểu Bùi Văn Xuyền (đoàn Thái Bình), Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội:“Kỳ thi THPT Quốc gia cần điều chỉnh để tốt hơn”

Theo tôi, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã tỏ thái độ kiên quyết khắc phục hạn chế, bất cập trong tổ chức thi THPT và một số nội dung khác. Nhưng cũng phải thấy rằng, những vấn đề của giáo dục không thể 1- 2 ngày là có thể thực hiện được ngay và thấy được kết quả, mà cần phải có thời gian, chúng ta không nóng vội “một sớm, một chiều mà có thể xoay chuyển ngay được”. Nhưng những vấn đề mà cử tri, đại biểu quốc hội yêu cầu thì ngành cũng cần phải xem xét lại để thực hiện tốt hơn.

Đại biểu Bùi Văn Xuyền.

Mặc dù Kỳ thi THPT quốc gia hiện tại có nhiều ưu điểm như: giảm áp lực, tốn kém, nhưng chúng ta vẫn nên xem lại để điều chỉnh cho tốt hơn, nhất là sau những tiêu cực ở một số địa phương trong năm 2018.

Hiện nay Bộ GD & ĐT đang triển khai những đổi mới theo quan điểm chỉ đạo của Trung ương, của Chính phủ, Quốc hội. Giáo dục là vấn đề lớn, đòi hỏi có thời gian chứ không thể nóng vội triển khai.

Tuấn Dũng
.
.
.