Xung quanh quyết định điều chuyển giáo viên tại Trường Tiểu học Trung An - Củ Chi:

Cần nhanh chóng ổn định hoạt động nhà trường

Thứ Năm, 15/01/2015, 13:46
Báo CAND tiếp tục nhận được đơn phản ánh bức xúc từ phía các giáo viên (GV) liên quan tới “hậu” vụ việc cô giáo Hồ Thị Bích Quyền tự tử tại Trường Tiểu học (TH) Trung An - Củ Chi (TP Hồ Chí Minh) xung quanh các quyết định điều chuyển công tác mà tập thể GV tại trường này cho rằng đã không xem xét thấu đáo tâm tư, nguyện vọng của GV; vi phạm qui định về qui chế điều chuyển, phân công nhiệm vụ cán bộ công chức.
>> Trường TH Trung An tiếp tục xáo trộn sau vụ cô giáo tự tử

Qua tìm hiểu thực tế của từng trường hợp cho thấy, lý do 27 cô giáo tại TH Trung An - Củ Chi đề nghị Phòng GD xem xét với cả cô Nguyễn Thị Ngọc Điệp và cô Trần Thị Sương vì hoàn cảnh rất khó khăn của 2 cô.

Nhiều năm nay, địa phương xã Trung An nơi cô Sương ở đều biết vợ chồng GV này đời sống chật vật do cả 2 vợ chồng và 2 đứa con cô đều mắc bệnh Thalassemia (bệnh huyết tán, một trong những bệnh lý hiểm nghèo về máu). Hằng tháng, với tổng cộng thu nhập 2 vợ chồng, người làm GV, người thợ cơ khí, họ dồn hết cho 2 con (một cháu 10 tuổi, một cháu 6 tuổi) chữa bệnh.

Để duy trì sự sống cho các con, hằng tháng cứ 2 tuần/lần, cô Sương phải đưa con lên Bệnh viện Truyền máu và Huyết học TP Hồ Chí Minh để truyền hồng cầu lắng. Dù đã có BHYT chi trả nhưng mỗi đợt cũng phải đóng khoảng 10 triệu đồng cả tiền thuốc và tiền máu. Việc điều trị phải thực hiện suốt đời. Ngưng truyền máu, tính mạng các cháu ngay lập tức bị đe dọa.

Theo thừa nhận của ông Lê Hùng Sen, hiện cô Bích Quyền sau khi được Phòng GD làm công tác tư tưởng đã đồng ý chuyển đến Trường TH Phú Hòa Đông 2 (Củ Chi) nhằm ổn định tâm lý sau “cú sốc” tinh thần. Còn cô Điệp và cô Sương được điều động không liên quan gì tới việc bị kỷ luật mà phải điều chuyển hay liên quan tới việc dôi dư GV; Việc điều chuyển các GV gồm cô Quyền, cô Sương và cô Điệp không nằm trong kế hoạch điều động định kỳ với GV. Chính vì vậy ông Sen cũng cho biết để không xảy ra tình trạng “hổng” tiết học cho học sinh 3 lớp mà các GV này đang phụ trách, Phòng GD đã phải điều động gấp ngay 3 GV từ các nơi khác về TH Trung An thay thế.

Theo ông Sen, các GV trên phải “ra đi” vì để tránh gây mất đoàn kết nội bộ và “giúp” họ có cơ hội để nâng cao năng lực. Và nếu các cô không nhận quyết định, ông Sen cho rằng, đó là việc của các cô, Phòng tiếp tục mời các GV lên làm việc vào thứ 2 (12/1) để làm công tác tư tưởng... Tuy nhiên, ghi nhận vào ngày 8/1, khi một số GV Trường TH Trung An lên Phòng GD can thiệp, tiếp tục đề xuất cho cô Sương, cô Điệp ở lại, có 3 GV đã bị Trưởng phòng GD yêu cầu làm biên bản vì cái “tội” là đảng viên mà đi “đấu tranh”. Vụ việc được phản ánh gây nên tình trạng căng thẳng hơn cho môi trường hoạt động của trường này.

Trường Tiểu học Trung An - Củ Chi.

Sau những lần xuống làm việc tại Trường Tiểu học Trung An, tiếp xúc với GV, với Phòng GD huyện Củ Chi, ghi nhận của chúng tôi cho thấy, việc cần ổn định lại môi trường làm việc của GV tại đây là rất cần thiết để đảm bảo quyền lợi học sinh.

Tiếp xúc với ông Lê Trí Dũng, Chủ tịch UBND xã Trung An - Củ Chi ngày 11/1, ông cho biết: “UBND xã rất buồn về tình hình Trường TH Trung An thời gian gần đây. Sau vụ cô giáo Bích Quyền rồi lại tới việc GV chống quyết định. UBND xã cũng đã nhận được đơn nguyện vọng muốn ở lại trường của 2 cô Điệp và cô Sương.

Nếu thực sự có hoàn cảnh khó khăn thì các cô cứ trình bày, UBND xã cùng phối hợp với Phòng GD và UBND huyện sẽ xem xét lại. Liên quan tới lý do điều chuyển các cô giáo này, ông Dũng cũng cho biết, về một nguồn tin cho rằng, có GV nào đó trong trường đã đứng sau lưng phụ huynh kích động để treo băng rôn phản đối sai phạm của cô Hiệu trưởng Kỳ Trân (xảy ra vào giữa tháng 12/2014), nhưng cho tới thời điểm hiện tại, không có đơn vị nào kết luận về việc này. Tôi nghĩ, làm gì cũng đừng để việc xáo trộn tại trường kéo dài, gây bất an cho GV cũng như sự ổn định học tập của nhà trường. Theo tôi, những chuyện xảy ra tại TH Trung An dầu gì cũng đã làm mất mát ít nhiều hình ảnh của người thầy trong mắt HS, phụ huynh, là chuyện buồn của ngành Giáo dục. Việc điều chuyển công tác hay trong cơ cấu, tổ chức nhân sự càng cần phải cân nhắc...”.

Ngày 14/1, thông tin từ phía tập thể giáo viên trường này còn cho biết, thầy Võ Thành Quang, Chủ tịch Công đoàn nhà trường mới chính thức viết đơn xin từ chức do quá bức xúc với ông Lê Hùng Sen xung quanh việc trao các quyết định điều chuyển vị trí làm việc của các giáo viên. Ngoài ra vào ngày 12-1 (thứ 2), các cô giáo Ngọc Điệp và cô Sương tiếp tục đề xuất trả lại QĐ lần thứ 3 với Phòng Giáo dục huyện Củ Chi và tiếp tục gửi đơn xem xét nguyện vọng được ở lại trường lên lãnh đạo Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh, UBND TP Hồ Chí Minh… và các cơ quan chức năng nhờ can thiệp.

Chúng tôi cũng được biết, trong Qui chế điều động, thuyên chuyển giáo viên công lập theo qui định, một trong những mục tiêu phải đảm bảo là “sự khách quan, công tâm, khoa học và hợp lý, phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ, chống biểu hiện bè phái, chủ nghĩa cá nhân; không gây mất đoàn kết và không làm xáo trộn sự ổn định trong đơn vị”... Và những hành vi bị cấm trong việc thuyên chuyển GV, gồm: thuyên chuyển trái với chuyên môn, nghiệp vụ đang làm hoặc phụ trách, lợi dụng thuyên chuyển với GV vì mục đích vụ lợi hoặc để trù dập. Và “những trường hợp không thực hiện việc thuyên chuyển công tác, gồm: những GV đang bị bệnh hiểm nghèo hoặc có chồng, vợ, con đang điều trị bệnh hiểm nghèo theo qui định của Bộ Y tế; điều chuyển phải thực hiện vào trước dịp hè để GV còn lo chuẩn bị cho công tác, vị trí, nơi công tác mới. Với GV nam (trên 55 tuổi), nữ (50 tuổi) không trong diện điều chuyển.

Huyền Nga
.
.
.