Trò chuyện Chủ nhật

Cần nghiêm trị các hiện tượng tiêu cực để giữ uy tín và độ tin cậy của kỳ thi

Chủ Nhật, 15/07/2018, 08:17
Phổ điểm một số môn thi trung học phổ thông quốc gia (THPTQG) 2018 cao, thấp bất thường khiến nhiều người cho rằng yêu cầu một đề thi phải “cõng” cả hai mục tiêu là quá khó. Đặc biệt, nghi vấn một số địa phương có điểm thi THPTQG cao bất thường lại khiến dư luận không khỏi băn khoăn, thậm chí hoài nghi về độ tin cậy của kết quả thi khi mà kỳ thi này ngoài việc xét tốt nghiệp còn là cơ sở để các trường tuyển sinh đại học (ĐH).

Phóng viên chuyên mục “Trò chuyện chủ nhật” của Báo CAND có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐHQG TP Hồ Chí Minh nhằm góp phần sáng tỏ những băn khoăn của dư luận xung quanh vấn đề này.

TS. Nguyễn Đức Nghĩa.

Phóng viên: Sau khi Bộ Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) công bố phổ điểm kỳ thi THPTQG 2018 với nhiều môn có tỷ lệ học sinh đạt điểm dưới trung bình (dưới 5 điểm) vượt quá 50%, thậm chí có môn 83%, tuy nhiên tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trung bình trung của cả nước vẫn rất cao (gần 98%). Điều này liệu có gì mâu thuẫn không, thưa ông?

TS Nguyễn Đức Nghĩa: Nếu xét ở góc độ quy chế thi và xét tốt nghiệp thì kết quả này là ổn và không có gì mâu thuẫn vì tuân theo đúng công thức xét tốt nghiệp. Công thức tính điểm xét tốt nghiệp hiện nay thật ra đã được áp dụng từ nhiều năm qua, kể cả năm thi tốt nghiệp THPT cuối cùng (năm 2014) trước khi chuyển qua kỳ THPT quốc gia năm 2015.

Với công thức này, tuy điểm trung bình lớp 12 và điểm trung bình các bài thi THPTQG có trọng số ngang nhau, nhưng trên thực tế, điểm trung bình lớp 12 của học sinh thường được cho khá cao nên dù điểm thi THPT quốc gia có thấp thì điểm xét tốt nghiệp của học sinh cũng dễ dàng vượt qua mức 5,00.

Thực tế, những năm vừa qua cho thấy, những học sinh không được xét tốt nghiệp (gọi đơn giản là "rớt tốt nghiệp") chủ yếu là do có môn thi bị điểm liệt (từ 1 điểm trở xuống). Rất hiếm thí sinh rớt tốt nghiệp do bị điểm xét tốt nghiệp nhỏ hơn 5,00 (bị từ 4,99 điểm trở xuống).

Phóng viên: Ông nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng, với một kỳ thi có tới gần 100% học sinh đỗ tốt nghiệp (gần tuyệt đối) thì có nên tiếp tục duy trì kỳ thi này nữa không?

TS Nguyễn Đức Nghĩa: Năm 2014, kỳ thi tốt nghiệp THPT cuối cùng có tỉ lệ tốt nghiệp kỷ lục là 99,09%. Khi chuyển qua kỳ thi THPTQG tỉ lệ tốt nghiệp giảm còn 91,58%, nhưng 3 năm tiếp theo, tỉ lệ này tăng trở lại (2016: 92,93%; 2017: 97,42% và năm 2018 vừa được công bố là 97,57%). Dễ hiểu là trên thực tế đó, nhiều ý kiến cho rằng với tỉ lệ tốt nghiệp cao ngất ngưởng như vậy rõ ràng không cần thiết phải tổ chức một kỳ thi quy mô cả nước, vừa tốn kém, vừa căng thẳng.

Việc duy trì kỳ thi THPTQG được giải thích là do quy định của Luật Giáo dục (ngay cả đối với dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi), theo đó, học sinh học hết chương trình THPT có đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT được dự thi, nếu đạt yêu cầu thì được cấp bằng tốt nghiệp THPT. Như vậy, để được công nhận tốt nghiệp và được cấp bằng tốt nghiệp THPT thì học sinh phải dự một kỳ thi. Với ý nghĩa đó, kỳ thi THPTQG hiện nay về pháp lý có mục tiêu dùng để xét tốt nghiệp THPT là chính.

Còn việc gần 100% học sinh đều tốt nghiệp và có nên tiếp tục tổ chức kỳ thi này nữa hay không cần được xem xét ở khía cạnh khác, liên quan đến tính thực chất của việc đánh giá trình độ của học sinh hoàn thành chương trình THPT.

Phóng viên: Nếu như kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 chứng kiến “cơn mưa” điểm 10 thì năm 2018 đề thi lại quá khó, dường như để “hạn chế” điểm 10. Kết quả là số lượng bài thi đạt điểm 10 năm 2018 giảm mạnh, thậm chí nhiều môn “vắng bóng”. Theo ông, với phổ điểm các môn thi năm nay, đề thi đã thực sự chuẩn hóa hay chưa?

TS Nguyễn Đức Nghĩa: Như đã được xác định từ đầu, kỳ thi THPTQG có 2 mục tiêu: Để xét tốt nghiệp THPT và dùng làm cơ sở xét tuyển vào các trường đại học (ĐH). Ba khâu quan trọng của một kỳ thi có quy mô lớn như kỳ thi THPTQG là tổ chức thi, đề thi và xét tốt nghiệp, xét tuyển ĐH. Kỳ thi tuyển sinh ĐH theo phương thức 3 chung trước đây diễn ra trong một thời gian khá dài (từ 2002 đến 2014), đề thi tương đối ổn định.

 Tuy nhiên, khi chuyển sang kỳ thi THPTQG, nhất là khi chuyển qua thi theo bài thi chứ không thi theo môn thi và xây dựng ngân hàng đề thi mới từ năm 2017, đặc biệt là việc chuyển 8/9 môn thi theo hình thức trắc nghiệm đã có sự "phập phù" của kết quả thi. Tôi phải dùng đến 3 từ "chuyển" ở đây để thấy khâu đề thi thay đổi biến động rất nhiều trong 2 năm qua, hậu quả tất yếu là điểm thi "phập phù". Trước hết, đó là thay vì thi theo môn thi như năm 2016 trở về trước, thí sinh thi theo bài thi tổ hợp với 3 môn thành phần, kết quả điểm thi năm 2017 đã cho thấy, khá nhiều thí sinh vênh điểm thi giữa 2 môn dùng để xét tuyển đại học với môn thi chỉ để xét tốt nghiệp.

Thứ hai, năm 2017 do có nhiều thay đổi trong khâu đề thi và xét tuyển, có lẽ Bộ GD&ĐT đã "nương nhẹ" cho thí sinh khi giới hạn nội dung thi chỉ trong chương trình lớp 12 và đề thi khá dễ. Năm 2018, dù đã báo trước sẽ có một phần chương trình lớp 11 và độ phân hoá cao hơn (khó hơn), nhưng dư luận vẫn cảm thấy sốc khi điểm thi và phổ điểm 2018 giảm so với 2017, đặc biệt gây lo lắng về điểm thi môn Sử thấp và tỉ lệ dưới trung bình quá cao.

Hơn thế nữa, điểm trung bình của các môn thi còn vênh nhau nhiều dễ gây ấn tượng lệch lạc trong dạy và học. Với thực tế năm 2018, chắc chắn năm 2019 sắp tới, đề thi sẽ tiếp tục là vấn đề cần quan tâm khi nội dung chương trình lớp 10 tiếp tục đưa thêm vào đề thi, và không ai dự đoán được điểm thi biến động ít hay nhiều. Nói như vậy để không tránh né được rằng, đề thi chưa ổn định, ít nhất là từ nay đến 2020.

Phóng viên: Quan điểm của ông về một kỳ thi vừa để xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học với yêu cầu đề thi phải đảm bảo cùng lúc cả hai mục tiêu?

TS Nguyễn Đức Nghĩa: Dưới góc độ kỹ thuật, tôi cho rằng đến kỳ thi 2018 này, kỳ thi THPTQG vẫn đạt 2 mục tiêu: xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào ĐH. Nhiều ý kiến cho rằng kỳ thi THPTQG là kỳ thi tốt nghiệp, việc các trường ĐH sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển là tuỳ thuộc đề án tuyển sinh của trường. Nhưng nếu nhận định chi tiết hơn, chúng ta sẽ thấy nếu không có kỳ thi THPTQG mà chỉ xét vào điểm trung bình lớp 12 thì tỉ lệ tốt nghiệp THPT sẽ  là 100%.

Còn nếu xét tốt nghiệp chỉ dựa trên kết quả thi THPTQG mà không tính đến điểm trung bình lớp 12 thì tỉ lệ tốt nghiệp THPT thấp hơn nhiều (ví dụ với năm 2017 tỉ lệ này là 58%). Như vậy, đề thi phải “cõng” cả hai mục tiêu này tuy không phải là bất khả thi, nhưng thực sự là điều khó khăn cho Bộ GD&ĐT.

Phóng viên: Thế còn mục tiêu thứ hai là tuyển sinh ĐH, kỳ thi này liệu đã đủ sự tin cậy để các trường ĐH yên tâm sử dụng kết quả xét tuyển hay chưa?Đặc biệt là khi mới đây, dư luận xã hội đang đặt ra những nghi vấn về điểm thi THPT cao bất thường tại Hội đồng thi Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang và Bộ GD&ĐT đã phải yêu cầu địa phương này rà soát, xác minh làm rõ?

TS Nguyễn Đức Nghĩa: Về lâu dài, yêu cầu đề thi phải vừa đánh giá được trình độ học sinh để xét tốt nghiệp, vừa đánh giá được năng lực để xét tuyển ĐH sẽ đặt gánh nặng rất lớn cho công tác ra đề. Hơn nữa, các tiêu chí tuyển chọn thí sinh của các trường ĐH có thể khác nhau, chưa chắc cần thiết phải dùng chung kết quả của một kỳ thi. Tuy chưa nhiều nhưng cũng đã có một số trường ĐH tổ chức thêm kỳ thi riêng của mình như ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Trường ĐH Luật, Trường ĐH FPT... Bên cạnh đó, ngoài đề thi, kỳ thi còn các khâu quan trọng nữa là tổ chức thi, chấm thi.

Nếu đề thi tốt, nhưng khâu coi thi và chấm thi "có vấn đề" như coi thi lỏng lẻo để thí sinh tự do quay cóp, thậm chí có thể còn những hiện tượng tiêu cực hơn thì kết quả của kỳ thi không còn tin cậy được. Những tiêu cực trong thi cử cần được công bố công khai và cần nghiêm trị các hiện tượng tiêu cực trong thi cử để giữ cho được uy tín và giá trị, độ tin cậy của kỳ thi mà ngành giáo dục và toàn xã hội đã tốn rất nhiều công sức.

Phóng viên: Ông nghĩ sao khi có ý kiến đề xuất, kết quả thi THPT quốc gia chỉ phù hợp với các trường top giữa, tốp cuối. Còn với các trường top đầu, trường có thương hiệu, ngoài điểm thi THPT quốc gia, các trường cũng nên tổ chức thêm một kỳ thi phụ nữa để có thể tuyển chọn được những thí sinh phù hợp với những ngành đào tạo đặc thù?

TS Nguyễn Đức Nghĩa: Tôi nghĩ ngược lại là hiện nay chính các trường top trên được hưởng lợi nhiều nhất từ kỳ thi THPTQG. Những trường top trên không tốn công sức để tổ chức thi mà vẫn tuyển được các thí sinh giỏi ở phân khúc điểm thi cao.

Trong số hơn 250 trường ĐH xét tuyển từ điểm thi THPTQG, các trường top trên chỉ xét tuyển từ điểm thi THPTQG mà không xét tuyển từ học bạ THPT. Một số ít trường ĐH công lập lớn có xét tuyển bằng học bạ THPT, nhưng đối tượng xét tuyển phải là học sinh các trường chuyên hoặc các trường có điểm thi THPTQG hàng năm cao. Chỉ có khoảng hơn 100 trường ĐH, phần lớn là các trường ĐH tư thục, các trường ở địa phương, những trường khó tuyển sinh mới có thêm phương thức xét tuyển từ học bạ THPT đại trà.

Phóng viên: Có ý kiến cho rằng, kỳ thi “hai trong một” đến nay đã hoàn thành sứ mệnh bởi các trường đại học đang trong xu thế tự chủ, trong đó có tự chủ tuyển sinh. Do vậy, Bộ GD&ĐT nên trả kỳ thi tốt nghiệp về cho các địa phương và trả việc tuyển sinh về cho các trường đại học?Quan điểm của ông như thế nào?

TS Nguyễn Đức Nghĩa: Bộ GD&ĐT đã khẳng định kỳ thi THPTQG sẽ được giữ ổn định đến năm 2020. Bộ GD&ĐT cũng chưa đưa ra dự kiến năm 2021 có còn kỳ thi gì hay không, nếu có thì đó là kỳ thi gì, hình thức như thế nào... Luật Giáo dục hiện hành và dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi đều khẳng định về kỳ thi để xét tốt nghiệp THPT, do vậy kỳ thi THPTQG phải được xem trước hết là để đáp ứng yêu cầu xét tốt nghiệp THPT. Và thay vì tổ chức kỳ thi ở cấp độ và quy mô quốc gia, có thể giao việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT cho từng địa phương.

 Với tình hình thực tế hiện nay, nếu yêu cầu các trường ĐH tự tổ chức kỳ thi tuyển riêng, tôi cho rằng nhiều trường ĐH cũng chưa sẵn sàng. Do vậy chính các trường ĐH phải tự xác định có cần tổ chức kỳ thi riêng để tuyển được sinh viên đúng theo các tiêu chí đào tạo của trường hay không. Tất nhiên không thể trở lại tình trạng mỗi trường đều tổ chức thi như trước năm 2002. Khi kết quả kỳ thi THPTQG không còn đáp ứng yêu cầu xét tuyển, mô hình kỳ thi để các trường ĐH tuyển sinh có thể nghĩ đến chính là mô hình của kỳ thi tuyển sinh ĐH “ba chung” trước đây, nhưng sẽ do các trường tự nguyện hình thành nhóm do một trường ĐH chủ trì tổ chức thi và các trường trong nhóm dùng chung kết quả.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Huyền Thanh (thực hiện)
.
.
.