Xét tuyển Đại Học - Cao Đẳng 2016 :

Chuyên gia tư vấn cơ hội trúng tuyển đại học cho các thí sinh

Thứ Bảy, 09/07/2016, 06:43
Kì thi THPT quốc gia 2016 đã kết thúc an toàn. Việc nên xét tuyển vào ngành nào hoặc theo tổ hợp môn thi nào để có cơ hội trúng tuyển cao nhất trong năm nay đang là điều quan tâm của TS. PV Báo CAND đã có một số trao đổi với các chuyên gia giáo dục xung quanh vấn đề trên.


Theo ông Nguyễn Quốc Cường, Chuyên viên Phòng Tuyển sinh của Bộ GD&ĐT – Cơ quan đại diện tại TP Hồ Chí Minh, thực ra trước kì thi THPT quốc gia, hầu như tất cả các TS đều đã được sự tư vấn, định hướng nghề nghiệp. Tuy nhiên, việc xác định chọn tổ hợp môn xét tuyển với mỗi TS lại không dễ dàng...

Cần có sự "lượng sức" chính xác khi lựa chọn tổ hợp môn - TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông lâm TP Hồ Chí Minh đưa ra lời khuyên. Theo TS Trần Đình Lý, việc chọn tổ hợp môn còn phụ thuộc vào quy định, đặc điểm xét tuyển của từng trường. Khi đó, TS phải lưu ý sự khác nhau ở những ngành có một hoặc nhiều tổ hợp.

Thí sinh tham dự kì thi THPT quốc gia 2016 tại điểm thi Đại học Khoa học Tự nhiên TP Hồ Chí Minh.

Năm nay quy chế tuyển sinh không bắt buộc các trường công khai thông tin xét tuyển để TS tham khảo nên sẽ gây khó cho TS. Trong hoàn cảnh này thì kênh thông tin quan trọng nhất để tham khảo khi chọn tổ hợp xét tuyển chính là điểm chuẩn năm ngoái của ngành và trường đó.

Cũng theo TS Trần Đình Lý, thời gian xét tuyển năm nay được rút ngắn hơn, tránh việc kéo dài chờ đợi cho TS, phụ huynh và các trường. Tuy nhiên, TS cần phải tìm hiểu kỹ về định hướng, kỹ năng nghề nghiệp, các ngành học với nhu cầu thị trường lao động, năng lực sở trường của bản thân, và xem kĩ phương thức xét tuyển của các trường. Tất cả những vấn đề này xem như là phần “cứng” cần tìm hiểu nghiên cứu soát xét trước. Việc còn lại là khi có “kết quả của mình”, TS sẽ tìm cách để “gán” vào nơi cho phù hợp.

Được biết, năm nay, sau khi hoàn thành việc chấm thi và lên điểm, các cụm thi sẽ cập nhật dữ liệu điểm thi vào hệ thống quản lý thi của Bộ GD- ĐT. Dù năm nay Bộ sẽ tăng thêm các cổng công bố kết quả thi để tạo thuận lợi cho TS. Về điều này, ông Cường cho rằng, Bộ giao cho các cụm thi công bố điểm thi sẽ tránh được sự nghẽn mạng như năm trước vì mỗi cụm thi chỉ khoảng dưới 30 ngàn TS, hệ thống máy chủ của các sở, các trường có thể đảm nhận được việc này.

TS Trần Đình Lý cũng phân tích, về phía các trường, có cơ sở dữ liệu để chủ động việc xét tuyển là hết sức cần thiết. Riêng về vấn đề chống "ảo" cho mùa xét tuyển năm nay, theo TS Lý, mỗi TS năm nay có 2 nguyện vọng/1 trường tức là vẫn có 4 nguyện vọng như 2015, nhưng lại được sử dụng để xét tuyển vào 2 trường khác nhau.

Như vậy, nếu xét trên góc độ, chọn ngành theo năng lực bản thân thì TS được nhân đôi cơ hội vào ngành phù hợp. Đổi lại, công tác xét tuyển phải chấp nhận tỷ lệ ảo khoảng 200% vì có nhiều TS chỉ đăng ký 1 trường, năm 2015, mặc dù có đủ điều kiện chọn 4 nguyện vọng trong 1 trường nhưng các TS cũng không thể vào học 2 trường, chắc chắn chỉ yên tâm với nguyện vọng 1, không đăng ký nguyện vọng tiếp theo.

Thậm chí trên thực tế, sẽ có TS cảm thấy không an toàn với ngành phù hợp, sợ “đậu” vào ngành tiếp theo (không phù hợp) nên chỉ đăng ký 1 ngành phù hợp và thêm 1 ngành “gần phù hợp” mà thôi. Ngoài ra, một số trường tuyển theo nhóm (tức rớt ngành A của trường top trên sẽ được trúng cũng ngành A của trường top sau). Tuy nhiên, trúng tuyển có thể nhiều, nhưng nhập học chỉ có thể là 1, như vậy, tình huống diễn ra là vẫn "ảo về số nhập học" như thường.

Theo đó, rõ ràng không có giải pháp kĩ thuật nào để chống ảo như mong muốn của Bộ...

Về vấn đề nộp hồ sơ, TS Lý cũng cho biết, ngoài 2 hình thức (qua bưu điện và trực tuyến), TS năm nay vẫn được phép đăng ký xét tuyển trực tiếp tại trường. Quyết định này là rất hợp lý vì đây là kênh quan trọng cho TS, phụ huynh thuận tiện trong việc khảo sát tìm hiểu về cơ sở vật chất, hình ảnh ngôi trường, cảm nhận trực tiếp và cảm thấy yên tâm hơn khi đến đăng ký và được xác nhận.

Quyền lợi của các "kênh" là như nhau, đăng ký online sẽ được xác nhận liền, qua bưu điện cũng có biên nhận thời gian, nên các TS có thể yên tâm. Các trường năm nay cũng sẽ bố trí nhân viên thu hồ sơ liên tục trong suốt quá trình xét tuyển nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho TS. Tuy nhiên, riêng đối với TS nộp hồ sơ qua đường bưu điện cần lưu giữ cẩn thận biên lai vì đây sẽ là căn cứ để các trường giải quyết khi có sự cố thất lạc hồ sơ.

Ngoài ra, TS cần lưu ý về tính 2 mặt của vấn đề. Năm 2015, TS được phép nộp hồ sơ vào và rút ra khi cảm thấy không an toàn (khi điểm chuẩn dự kiến tăng lên, TS bị lọt sàng, rút hồ sơ)…, tuy nhiên, điều quan trọng nhất là khâu xử lý khó khăn vì các trường không có dữ liệu, việc chờ đợi xử lý “ngoài tầm” của các trường đã gây ra bức xúc đối với TS. Năm nay, TS không được phép rút hồ sơ ra và có thể biết mức điểm của mình đạt sàn nhưng liệu có đạt chuẩn hay không? Đây là khó khăn chung cho cả hệ thống.

TS Lý cũng góp ý, nếu các trường gọi tỷ lệ nhập học thấp để tránh vượt chỉ tiêu Bộ đã "ấn định", thì nguy cơ cũng dễ bị thiếu chỉ tiêu, ngược lại gọi "dôi" ra, cao hơn mức cho phép để “trừ hao ảo”, TS vào hết, cũng "căng", vì sẽ vi phạm quy định của Bộ.

Do đó, việc giảm ảo chỉ ở mức tương đối. Nếu có thể, nên xem chỉ tiêu tuyển sinh của các trường là chỉ tiêu trung bình của giai đoạn trung hạn (3-5 năm). Năm nay tuyển thiếu thì năm sau bổ sung hoặc ngược lại. Ví dụ, chỉ tiêu của trường 5.000 trong 3-5 năm. Năm nay với quy chế tuyển sinh này, trường tuyển được 4.000, năm sau sẽ bổ sung để bù đắp phần thiếu hụt, miễn sao trong 5 năm, trường đào tạo ra 25.000 kỹ sư, cử nhân.

Cuối cùng, theo TS Trần Đình Lý, dù với quy chế tuyển sinh thi cử thế nào đi nữa chỉ là vấn đề "kĩ thuật", riêng với các TS, hãy lấy cái gốc là năng lực sở trường của mình, hướng nghiệp trước, hướng trường sau. Không nên có quan điểm bằng mọi giá phải đỗ ĐH, dù ngành nào. Bởi nếu vậy, việc có một chỗ trong 1 trường ĐH nào đó vẫn sẽ chỉ là một chỗ "trú chân tạm bợ" mà thôi, gây lãng phí thời gian cho bản thân, tiền bạc cho cha mẹ.

Huyền Nga
.
.
.