Để kỳ thi THPT không "rối như canh hẹ"?

Thứ Ba, 03/11/2015, 20:05
Kỳ thi THPT quốc gia 2016 sẽ được cải tiến như thế nào để có thể khắc phục những bất cập, tồn tại của kỳ thi THPT quốc gia 2015 đang là vấn đề khiến toàn xã hội quan tâm...

Là người nhiều năm gắn bó với công tác giáo dục tại cơ sở, TS. Võ Thế Quân, Hiệu trưởng Trường THPT Đông Đô (Hà Nội) cho rằng, bên cạnh những mặt tích cực, kỳ thi THPT quốc gia còn nhiều vấn đề cần khắc phục.

Nếu xét về mặt kỹ thuật thì kì thi chưa thành công hoặc thành công nhưng còn rất nhiều bất cập bởi việc sát nhập 2 kì thi làm 1 là một ý tưởng sai lầm vì 2 kì thi với 2 mục đích khác nhau.

Trong đó, nếu như thi tốt nghiệp THPT là đánh giá, ghi nhận kết quả 12 năm học, đặc biệt các năm học ở bậc THPT, đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông hay còn gọi là thi đầu ra của THPT thì thi tuyển sinh đại học, cao đẳng là thi đầu vào để chọn những học sinh đủ điều kiện vào học ở bậc cao hơn, đào tạo đội ngũ tri thức.

Việc sát nhập là khiên cưỡng, chẳng khác gì “ép duyên”. Bên cạnh đó, việc huy động lực lượng tham gia tổ chức thi không phù hợp với nguyên tắc phân cấp quản lí và tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục khi mà hệ thống các Sở GD&ĐT và các trường THPT là cơ quan chịu trách nhiệm chính về giáo dục phổ thông thì không được giao quyền chủ trì.

Việc các trường đại học phải lo việc tổ chức thi THPT là không đúng với chức năng của trường đại học. Cấu trúc đề thi không hợp lý (40% câu hỏi xét đại học và 60% câu hỏi xét tốt nghiệp) dẫn tới việc đánh giá chất lượng tốt nghiệp và chất lượng thi vào đại học, cao đẳng không chính xác.

Kỳ thi THPT quốc gia 2016 sẽ được cải tiến theo hướng phân cấp trách nhiệm cụ thể cho Bộ, Sở GD&ĐT  và các trường đại học.

Hơn nữa, với mức 12 điểm sàn đối với cao đẳng và 15 điểm đối với đại học là quá thấp, ngang với điểm tốt nghiệp làm cho chất lượng vào đại học giảm đi 60%. Ngoài ra, việc đưa môn thi tự chọn vào các môn thi tốt nghiệp đã dẫn tới tình trạng học lệch nghiêm trọng trong học sinh. Từ 2014 đã bắt đầu có môn tự chọn trong thi tốt nghiệp THPT, nên học sinh chỉ tập trung học các môn thi tốt nghiệp dẫn tới tình trạng học lệch trong học sinh.

Từ những bất cập, tồn tại trên, TS. Vũ Thế Quân cho rằng, cần phải tiếp tục đổi mới, cải tiến kỳ thi THPT quốc gia 2016 theo hướng tách thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, cao đẳng thành 2 việc độc lập với nhau.

Theo đó, thi tốt nghiệp THPT nên trả về cho các địa phương tổ chức theo nguyên tắc phân cấp quản lý giáo dục. Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm chính trong tổ chức thi tốt nghiệp THPT từ huy động giám thị, cơ sở vật chất, tổ chức Hội đồng thi, chấm thi, công bố kết quả thi, xét tốt nghiệp.

Việc tuyển sinh đại học nên trả về cho các trường đại học theo nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Bộ GD&ĐT thực hiện chức năng quản lý nhà nước về GD&ĐT gồm ban hành Quy chế thi tốt nghiệp mới; Thanh tra, kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện Quy chế và đặc biệt là tiếp tục ra đề thi chung cho cả nước. Và từ năm 2021 (có thể sớm hơn) giao việc ra đề thi về cho các Sở GD&ĐT tỉnh thành phố, dựa trên bộ Ngân hàng đề thi quốc gia.

Việc tuyển sinh đại học trả về cho các trường đại học theo nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Trên cơ sở đặc thù, các trường đại học tự xác định cách thức tuyển sinh (sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT, tự tổ chức thi…), thời gian tuyển sinh (có thể tuyển 1 đợt hoặc nhiều đợt trong năm, thời gian tuyển sinh của các trường không nên trùng nhau để tránh gây căng thẳng cho xã hội).

Bộ GD&ĐT thực hiện chức năng quản lý nhà nước về GD&ĐT gồm: Ban hành Quy chế tuyển sinh đại học; Thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện Quy chế;  Duyệt chỉ tiêu tuyển sinh và danh mục ngành đào tạo để đảm bảo chất lượng tuyển sinh của các trường.

Kỳ thi THPT quốc gia 2015 có quá nhiều bất cập cần khắc phục. Ảnh: zing.vn

Về lâu dài sau năm 2020 giao quyền tự chủ hoàn toàn bao gồm cả chỉ tiêu tuyển sinh và tổ chức ngành đào tạo về cho các trường đại học. Bộ GD&ĐT không cần thiết phải xác định điểm sàn như hiện nay mà đây là việc mà các trường đại học phải tự làm vì chất lượng đào tạo của chính mình...

Huyền Thanh
.
.
.