Cần hành lang pháp lý đối với cơ sở bán trú bên ngoài trường

Thứ Ba, 29/09/2020, 08:04
Học sinh phổ thông TP HCM bắt đầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới ở cấp tiểu học với khối lớp 1, học sinh được học 2 buổi/ngày. Song ai cũng muốn cho con học bán trú trong khi điều kiện cơ sở vật chất các trường chưa thể đáp ứng nhu cầu. Do vậy, kết thúc bán trú trường, nhiều phụ huynh lại đôn đáo tìm cách gửi con vào lớp bán trú ngoài trường còn gọi là bán trú vệ tinh mới tạm an tâm.


Khai giảng năm học 2020-2021 đã qua gần 1 tháng, cùng với cả nước, học sinh phổ thông trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh bắt đầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới ở cấp tiểu học với khối lớp 1, học sinh được học 2 buổi/ngày. Song ai cũng muốn cho con học bán trú trong khi điều kiện cơ sở vật chất các trường chưa thể đáp ứng nhu cầu. Do vậy, kết thúc bán trú trường, nhiều phụ huynh lại đôn đáo tìm cách gửi con vào lớp bán trú ngoài trường còn gọi là bán trú vệ tinh mới tạm an tâm.

Nỗi lo “sau giờ cao điểm”

Qui định của ngành giáo dục TP Hồ Chí Minh về giờ đón con tại các trường mầm non và tiểu học thường là vào 16h hàng ngày. Song vì rất nhiều lý do, thời điểm này trong ngày cũng là lúc trên các con đường trong thành phố đều dễ kẹt xe, nhất là vào những ngày này đang diễn ra mùa mưa. Để chạy từ công sở nơi làm việc về tới trường đón con với nhiều phụ huynh là không thể kịp. Trong khi đó, nhu cầu trường lớp chưa đủ, không phải ai cũng có điều kiện xin cho con vào học được trường gần nơi làm việc hay gần nhà để tiện việc rước con.

Trẻ được chăm sóc sau giờ tan trường trên địa bàn quận 12.

Do đó ngay từ đầu năm học 2020-2021, nhiều phụ huynh có con học tiểu học cho biết, khi nghe thông tin năm nay chính thức lớp 1 sẽ học chương trình mới, nhưng có trường chỉ thu xếp cho học được 1 buổi, vì vậy, nhiều phụ huynh tìm cách thay ca, đổi giờ làm cũng không cách nào xoay được việc đưa rước con. Trong khi đó, lo nhất là đón được con về nhà rồi thì sau 1 ngày làm việc mệt nhọc cũng không thể kèm bài tập cho con. 

Từ lý do này mà nhiều phụ huynh phải chạy đôn đáo tìm chỗ gửi bán trú vào những giờ cao điểm. Đó là vào buổi trưa có người đón, chiều sau 16h có cô giáo kèm bài, tối đón con về mới yên tâm.

Chị Trương Ngọc Anh, ngụ tại phường 5, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh cho biết, năm nay anh chị có con gái vào lớp 1 Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, trường cũng giữ bán trú nhưng lo nhất là vào giờ cao điểm tức là sau 16h khi chưa thể từ cơ quan về kịp nên phải lặn lội tìm trung tâm bán trú vệ tinh cho con. Chị này cho hay: "Nghe nói năm học này số lượng học sinh đông nên trường không có đủ hết lớp con tôi chỉ học 1 buổi/ngày. Tôi phải vội vàng tìm trường bán trú ngoài nằm tại quận 12, nhưng giáp ranh với Gò Vấp để tiện việc đón con”.

Chị Vũ Thị Hà (ngụ tại quận 12), mẹ của bé Bảo Nam đang là học sinh tiểu học Phạm Văn Chiêu, quận 12 nhưng đang gửi con sau giờ tan trường tại một trung tâm dạy Anh văn có kèm giữ trẻ bán trú. Nói về nhu cầu gửi con của mình, chị chia sẻ: “Công ty nơi làm việc của tôi nằm ngay trên địa bàn quận, tuy nhiên do đặc thù công tác, nhiều lúc dù hết giờ làm việc nhưng công việc còn nhiều, do đó, tôi thường phải nán lại ở cơ quan giải quyết cho xong. 16h là phải đón con tại trường. Trong khi thường phải 17h30 mới ra khỏi cổng cơ quan được. Nếu không có nơi bán trú thứ 2 giữ con sau 16h chắc vợ chồng tôi không biết phải làm sao!”.

Được biết, ngay khi nhập học năm học mới, chị Hà đã tìm nơi gửi con để chủ động được thời gian từ 16h tới tối. Qua thông tin anh chị tìm tới gửi con tại cơ sở bán trú vệ tinh trên, trụ sở ngay trên đường Vườn Lài, thuộc quận 12, thuận đường chị Hà đi làm về tiện đón con. Chị Hà cho biết: Dù đã gửi con tại lớp bán trú của Tiểu học Phạm Văn Chiêu, con được ăn uống và học tập, nghỉ trưa tại trường. Nhưng lo nhất là từ 16h tới tối. Đi làm về giờ này lại kẹt xe. Do đó chúng tôi rất mừng khi tìm được chỗ gửi con trên của quận. Tại đây, con tôi được kèm làm hết bài tập tiếng Việt và toán. Mối lo lắng nhất đã được giải tỏa”.

Theo lời chị Hà, mỗi tháng chi phí cho con tại nơi bán trú vệ tinh này là 900.000 đồng. Dù phải trích thêm một khoản tiền lương hàng tháng cho khoản này nhưng chị rất an tâm sau khi kết thúc việc cơ quan, về tới trung tâm bán trú, có khi là tới 18h nhưng con trai đã được các cô chăm sóc tinh tươm. Bài vở đã được làm tại lớp.

Chưa có cơ chế cho mô hình bán trú ngoài trường công

Tuy nhiên qua tìm hiểu, điều đáng nói là những trung tâm bán trú ngoài trường có hoạt động hơn 10 năm nay trên địa bàn TP Hồ Chí Minh nhưng theo như chia sẻ của một số chủ các cơ sở cho biết, vì nhiều lý do mà đến nay vẫn chưa có một cơ chế quản lý nào “danh chính ngôn thuận” dành cho mô hình này mà chỉ tìm cách đặt vấn đề phối hợp với các trường giữ trẻ, dạy kèm trẻ học sau giờ tan trường. Chưa kể, nếu có kế hoạch muốn mở thêm các dịch vụ cũng thiếu cơ chế để làm.

Trong khi đó cũng qua thống kê, tại quận 12 là vùng ven nhưng là địa phương có tốc độ tăng dân số cơ học cao, tỉ lệ học sinh học 2 buổi/ngày ở bậc tiểu học của quận 12 mới chỉ đạt 20%. Năm học mới, quận này có tới gần 7.500 học sinh vào lớp 1 (trên tổng số 22 trường công lập). Giải quyết đủ chỗ học thì quận cần phải có hơn 300 phòng học mới tổ chức dạy 2 buổi/ngày cho số học sinh trên. Số học sinh học xong lớp 5 ra trường chỉ tương ứng với 122 phòng học. 

Quận có 5 dự án trường học đã được phê duyệt, nhưng đến năm 2020 vẫn chưa thể đưa vào sử dụng. Trước tình hình trên, Phòng Giáo dục quận 12 đã tham mưu UBND quận xem xét thực hiện theo nhiều phương án. Theo đó, nơi nào đủ khả năng sẽ tổ chức học 2 buổi/ngày, nhưng buộc phải nâng sĩ số lên 45-50 học sinh/lớp. Nơi nào không đủ phòng tổ chức được 2 buổi/ngày, cũng không thể nâng sĩ số thì tổ chức học 6 buổi/tuần, tức học cả thứ bảy.

Do đó, nhu cầu gửi con bán trú ngoài trường là không nhỏ với các phụ huynh. Tuy nhiên, hiện nhiều trường học công lập chưa thể tổ chức được 100% bán trú, những gia đình không có người trông trẻ thì buộc phải tìm đến các trung tâm bán trú ngoài trường. Hoạt động của bán trú vệ tinh góp phần giảm bớt gánh nặng cho trường công. Nhưng các cơ sở ra đời cũng cần được thẩm định, cấp phép. Việc cấp phép là để có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ về điều kiện hoạt động bao gồm cơ sở vật chất, an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, việc quản lý mô hình này còn nhiều khó khăn vì hiện tại thành phố chưa có cơ chế quản lý.

H.Nga
.
.
.