Cần dạy và định hướng để học sinh phát huy năng lực của bản thân

Thứ Năm, 15/11/2018, 13:31
Sáng  15-11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).


Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội cơ bản đồng tình với nhiều nội dung trong Báo cáo của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa. Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng. Các đại biểu Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) lần này đã sửa đổi nhiều quy định không còn khả thi; đồng thời bổ sung những quy định phù hợp, bám sát quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về giáo dục đã đề ra.

Không thể bắt trẻ học để trở thành "ông nọ bà kia"

Đại biểu Cao Đình Thưởng  (Phú Thọ)hâm nóng hội trường khi đánh giá hiện nay chưa cao, rất chậm đổi mới, còn nặng về dạy chữ, kiến thức hàn lâm mà nhẹ về dạy kỹ năng sống và làm người, hướng nghiệp; chương trình sách giáo khoa hiện nay quá nặng, học sinh khó tiếp thu…

“Chúng ta hình như đang phức tạp hóa những vấn đề hết sức đơn giản. Ví dụ, học sinh lớp 1 chỉ cần o, a, gà cá, đạt mục tiêu biết đọc biết viết còn học sinh phổ thông chỉ cần biết kiến thức phổ thông nhưng hiện nay chúng ta đang hàn lâm những thứ đó, khiến những điều đơn giản trở thành phức tạp, học sinh rất khó tiếp thu”, đại biểu Thưởng phân tích.

Đại biểu Cao Đình Thưởng cho rằng, người lớn nghĩ ra quá nhiều điều để nhét vào đầu óc non nớt của trẻ, làm cho việc học tập trở thành gánh nặng, áp lực quá lớn, một bộ phận không nhỏ trẻ sợ học, không thích học và chán học. Đặc biệt, tâm lý phụ huynh muốn con mình trở thành “con nhà người ta” nên bắt các cháu phải giỏi, giỏi toàn diện một cách quá sức, dẫn đến tâm lý hoang mang, hoảng sợ. Đây là một quan niệm hết sức sai lầm trong giáo dục, trái với năng lực và sở trường của trẻ em. 

Đại biểu Cao Đình Thưởng tham gia ý kiến.

“Tôi cho rằng, không thể bắt trẻ học để trở thành “ông nọ, bà kia” khi các cháu không thích, không đủ năng lực. Thử hỏi đã mấy học sinh giỏi văn quốc gia trở thành nhà văn, nhà thơ lớn”, đại biểu Cao Đình Thưởng nói và cho rằng cần dạy và định hướng để học sinh phát huy năng lực của bản thân một cách hợp lý nhất.

Cần quan tâm đến giáo dục mầm non

Tham gia ý kiến tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, giáo dục mầm non đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện con người Việt Nam, do vậy cần quan tâm hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

Đại biểu Quốc hội Ngô Thị Kim Yến (Đà Nẵng) cần bổ sung vào điều 21 cần phải bổ sung thêm việc bảo vệ đối với trẻ em mầm non, đặc biệt là đối với nhóm trẻ ở độ tuổi từ 3 tháng đến 3 tuổi. Những năm gần đây, tình trạng bạo lực xảy ra đối với trẻ em mầm non ngày càng nhiều, có những sự việc khiến dư luận bàng hoàng, phẫn nộ. 

Giáo dục mầm non là nền móng cho sự phát triển toàn diện của trẻ trong tương lai, và đó cũng chính là tương lai của đất nước, đại biểu cho rằng việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục phải đi đôi với việc bảo vệ trẻ em; nếu không bảo vệ được trẻ em là một thất bại lớn của ngành giáo dục, xã hội. Trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như sự phát triển lâu dài của trẻ, do đó đề nghị Ban soạn thảo bổ sung việc bảo vệ bên cạnh việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ, để những người làm công tác giáo dục và cấp chính quyền có nhận thức đầy đủ hơn về nhiệm vụ bảo vệ các em trước nguy cơ bạo lực, xâm hại.

Đại biểu Quốc hội Ngô Thị Kim Yến (Đà Nẵng).

Cũng quan tâm đến vấn đề giáo dục mầm non, đại biểu Quốc hội Triệu Thanh Dung (Cao Bằng) đề nghị Ban soạn thảo bổ sung nội dung về phát triển kỹ năng xã hội cho trẻ em vào Điều 22. Đồng thời nghiên cứu về việc miễn học phí cho trẻ mầm non dưới 5 tuổi, nhất là trẻ em tại các thôn, xã đặc biệt khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn tại Điều 97.

Thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa giáo dục

Trăn trở về việc thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục, theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) khi thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục, trách nhiệm của xã hội về sự nghiệp giáo dục tăng lên, huy động được nhiều tập thể, cá nhân tham gia vào hoạt động giáo dục, huy động được nhiều nguồn lực cho việc xây dựng, tu bổ cơ sở vật chất của nhà trường.

Tuy nhiên, thực tế bên cạnh những mặt tích cực thì hoạt động này cũng biểu hiện nhiều điểm đáng băn khoăn vì quan điểm và quá trình triển khai xã hội hóa giáo dục tại một số địa phương vẫn còn nhiều ý kiến và cách làm khác nhau, nhất là tình trạng lạm thu trong trường học đầu năm học mới vẫn xảy ra ở một số địa phương, gây bức xúc cho phụ huynh học sinh và dư luận xã hội dù cơ quan quản lý và cơ quan chức năng đã vào cuộc, có nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra và có những hình thức kỷ luật.

Qua phản ánh của cử tri cho thấy, vẫn có hiện tượng cào bằng trong xã hội hóa giáo dục, có tình trạng chênh lệch giữa các vùng miền. Do vậy, các đại biểu cho rằng dự thảo luật cần nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo luật quy định để điều chỉnh sự chênh lệch trong thực hiện xã hội hóa giáo dục giữa các vùng, các miền; đồng thời xây dựng các chế tài, cơ chế quản lý, kiểm tra, giám sát nguồn thu và sử dụng nguồn lực xã hội hóa để thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa giáo dục trong thời gian tới.

Thay mặt Ban soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận để thể hiện rõ hơn quan điểm của Nghị quyết 29-NQ/TW “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế" và Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và cập nhật tinh thần của các Nghị quyết của Trung ương gần đây nói về giáo dục đào tạo và giáo dục đại học.

Phát biểu kết thúc phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, sau phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo tổ chức các hội nghị lấy ý kiến của các đại biểu quốc hội, các chuyên gia, nhà quản lý trong lĩnh vực giáo dục để hoàn thiện dự thảo luật. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục phối hợp với Ủy ban thẩm tra để hoàn thiện các nội dung của dự thảo Luật.

Phương Thuỷ
.
.
.