Phần mềm xét tuyển đại học chung: Cần chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi áp dụng

Thứ Sáu, 13/05/2016, 12:07
Ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) “hé lộ” về phương án sử dụng phần mềm xét tuyển đại học (ĐH) chung cho năm 2016 đã nhanh chóng tạo ra những phản ứng trái chiều.

Trong đó, việc thay đổi kế hoạch giữa chừng khi mà Quy chế thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ năm 2016 đã được ban hành không chỉ khiến các trường rơi vào bị động mà còn làm cho thí sinh và phụ huynh cả nước băn khoăn, lo lắng. Nhiều ý kiến cho rằng, Bộ GD&ĐT cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi áp dụng nhằm đảm bảo tối đa quyền lợi cho các thí sinh.

Theo ghi nhận của phóng viên, phần lớn các ý kiến hiện nay đều đồng ý về mặt chủ trương việc Bộ GD&ĐT cần thiết phải xây dựng phần mềm xét tuyển tập trung để minh bạch thông tin tuyển sinh, giảm thí sinh ảo, tiết kiệm cả công sức cho thí sinh lẫn các trường. Bởi lẽ, đây là phương pháp xét tuyển được áp dụng ở nhiều nước tiên tiến, đảm bảo tính khách quan khoa học, đồng thời giảm thiểu công sức, chi phí cho cả thí sinh và các trường nếu so với việc mỗi trường tự tuyển sinh.

Nếu làm đúng, nó sẽ cho phép thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng trường - ngành hơn so với cách xét tuyển lâu nay. Tuy nhiên, điều khiến các trường băn khoăn, lo lắng chính là việc Bộ GD&ĐT công bố phương thức xét tuyển này có phần hơi muộn khi mà thời gian thi THPT Quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ năm 2016 đang rất cận kề, khi mà quy chế thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ đã có hiệu lực gần 2 tháng. Điều này khiến các trường ĐH đã xây dựng phương thức tuyển sinh riêng rơi vào bị động vì mọi kế hoạch tuyển sinh đã được chuẩn bị hoàn tất, khiến cho cả phụ huynh và học sinh cảm thấy hoang mang vì dường như mọi thứ có thể thay đổi ở phút chót.

Đề xuất Bộ GD&ĐT nghiên cứu kỹ việc xét tuyển tập trung trước khi áp dụng. Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó, đến thời điểm này, Bộ GD&ĐT vẫn chưa đưa ra được quyết định về việc ai sẽ là tác giả của phần mềm xét tuyển chung này, nguyên lý hoạt động cụ thể thế nào để các chuyên gia có thể đánh giá và phản biện. Sự thay đổi đột ngột cộng với việc thông tin về phần mềm xét tuyển chung còn khá mơ hồ đã khiến cho dư luận xã hội lo lắng về việc những rối loạn trong xét tuyển ĐH năm 2015 có thể được lặp lại nếu không có sự chuẩn bị, sự cân nhắc kỹ lưỡng trước khi áp dụng một phương thức mới.

TS Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho rằng: Nếu Bộ GD&ĐT thực hiện xét tuyển chung mà có sự chuẩn bị kỹ lưỡng với tư cách là một giải pháp kỹ thuật thì đây là cách làm tốt.

Tuy nhiên, trước khi áp dụng cách thức này, Bộ cần lưu ý một số vấn đề: Thứ nhất là quyền tự chủ của các trường ĐH, tức là nếu việc xét tuyển chung được thực hiện thì Bộ GD&ĐT xây dựng một hệ thống dữ liệu chung và các trường sẽ tham gia nhưng không phải bắt buộc mà phải trên tinh thần tự nguyện. Có như vậy mới đảm bảo được tính tự chủ và tuân thủ đúng Luật giáo dục ĐH.

Thứ hai, là phải có sự chuẩn bị rất kỹ về mọi mặt rồi mới triển khai. Tuyệt đối không được nóng vội, duy ý chí bởi mục tiêu cuối cùng mà cả Bộ, các trường và toàn thể xã hội hướng tới là đảm bảo tối đa quyền lợi của thí sinh. Thứ ba là đối với những trường giả sử không tham gia hệ thống thì vẫn được quyền chia sẻ dữ liệu chung của thí sinh để không gây áp lực cho các trường, nhất là các đơn vị không tham gia xét tuyển chung.

Không phê phán về mặt chủ trương song PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) lại bày tỏ sự lo ngại về hạ tầng công nghệ thông tin của Bộ GD&ĐT khi tiến hành việc xét tuyển tập trung. Theo PGS Văn Như Cương, năm ngoái đã xảy ra tình trạng nghẽn mạng khi công bố điểm, năm nay nếu dùng chung phần mềm xét tuyển thì những nguy cơ trên là khó tránh khỏi.

“Với phương thức xét tuyển chung này, Bộ GD&ĐT muốn thí sinh xét tuyển online để chuyển dữ liệu về Bộ, từ đó Bộ xét tuyển rồi chuyển dữ liệu về các trường. Tuy nhiên, khi dữ liệu của tất cả thí sinh tập trung về thì server mạng máy tính của Bộ có chịu đựng được hay không, nhất là khi thí sinh cùng dồn việc nộp hồ sơ trong những ngày cuối? Đó là câu hỏi đơn giản nhất song rất cần có sự hồi đáp rõ ràng từ phía Bộ GD&ĐT trước khi quyết định ứng dụng phần mềm xét tuyển chung” - PGS Văn Như Cương nhấn mạnh.

“Xét tuyển tập trung dựa vào tự nguyện của các trường, Bộ không bắt buộc”

Chiều 12-5, trao đổi với phóng viên báo chí xung quanh chủ trương xét tuyển đại học (ĐH) tập trung đang được dư luận xã hội quan tâm, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Bùi Văn Ga cho biết: Bộ GD&ĐT đang bàn các giải pháp kỹ thuật để đảm bảo cho công tác tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016 diễn ra an toàn, thuận lợi nhất. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về tổ chức tốt công tác tuyển sinh ĐH, CĐ, không để xảy ra bất cập như năm 2015, Bộ tiến hành rà soát tổng thể công tác chuẩn bị. 

Sau khi phân tích, dự báo những vướng mắc có thể xảy ra, Bộ thấy rằng “thí sinh ảo” trong các đợt xét tuyển có thể gây ra những khó khăn nhất định. Theo đề nghị của một số trường, Bộ tiếp tục bàn các giải pháp kỹ thuật phù hợp để hỗ trợ xử lý vấn đề này. Một trong những giải pháp được dư luận hoan nghênh trong thời gian qua là tuyển sinh chung theo nhóm trường. Hiện tại có 2 nhóm trường đã hình thành: nhóm GX ở Hà Nội và nhóm Đại học Đà Nẵng. 

Về mặt kỹ thuật, nếu quy mô nhóm càng lớn thì việc xét tuyển càng thuận lợi đối với thí sinh cũng như đối với các trường tham gia nhóm. Do đó nếu nhiều trường ĐH tự nguyện tham gia vào một nhóm lớn để thí sinh trong cả nước có thể đăng ký nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên thì có thể sử dụng một phần mềm phân tích cơ sở dữ liệu đăng ký xét tuyển chung để giúp hạn chế tối đa thí sinh ảo, qua đó tư vấn giúp các trường quyết định danh sách thí sinh trúng tuyển phù hợp nhất. 

H.Thanh


Huyền Thanh
.
.
.