Cần chấm dứt việc kỷ luật học sinh tùy tiện, phản giáo dục

Thứ Ba, 08/12/2020, 08:39
Vụ việc nữ sinh lớp 10 tại An Giang nghi tự tử bất thành và để lại thư tuyệt mệnh chứng minh mình vô tội đã gây xôn xao dư luận. Mặc dù đến thời điểm hiện tại, sức khỏe của em đã ổn định, các cá nhân liên quan đến vụ việc như Hiệu trưởng, Hiệu phó đều đã bị đình chỉ công tác 15 ngày, trách nhiệm của cô giáo chủ nhiệm cũng đang được xác minh, làm rõ để có hình thức xử lý phù hợp.

Tuy nhiên, qua câu chuyện này, một loạt vấn đề về kỹ năng xử lý tình huống của giáo viên, phương pháp kỷ luật học sinh, dạy thêm biến tướng trong các nhà trường lại tiếp tục được dư luận xã hội đặt ra.

Theo báo cáo về vụ việc của Sở GD&ĐT tỉnh An Giang, em N.T.N.Y là học sinh lớp 10A4, Trường THPT Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu (An Giang) có vi phạm nội quy nhà trường, giáo viên chủ nhiệm nhắc nhở và phối hợp với phụ huynh học sinh để giải quyết. Sau đó trường tiếp tục mời cha mẹ học sinh vào trường để phối hợp giải quyết. Tuy nhiên, em Y lúc đầu thừa nhận nhưng sau không thừa nhận khuyết điểm của mình.

Về phía nhà trường, trong việc theo dõi, xử lý vụ việc đã có một số hạn chế, thiếu sót. Trong đó, thầy hiệu trưởng nóng vội, đề ra phương án xử lý học sinh chưa phù hợp với quy định hiện hành, sự phối hợp giữa giáo viên chủ nhiệm với gia đình học sinh trong việc giáo dục học sinh chưa phù hợp và chưa hiệu quả, gây bức xúc cho học sinh và gia đình học sinh.

Vụ việc học sinh lớp 10 tại An Giang nghi tự tử vì nhà trường kỷ luật nặng cần được xem là bài học đắt giá.

Đặc biệt, báo cáo cũng đã chỉ rõ những vi phạm của Trường THPT Vĩnh Xương trong công tác tổ chức, quản lý như tổ chức dạy thêm, học thêm trong trường không đúng với quy định của ngành, đó là dạy thêm học thêm đại trà cho tất cả học sinh theo lớp chính khóa. Hình thức phê bình, kỷ luật học sinh của trường không đúng với quy định của ngành. Cụ thể, lãnh đạo trường đã nêu họ tên học sinh có vi phạm nội quy trường dưới cờ, làm ảnh hưởng đến tâm lý học sinh và là nguyên nhân dẫn đến sự việc xảy ra. Biện pháp giải quyết, xử lý học sinh vi phạm nội quy nhà trường chưa phù hợp, hiệu quả, gây bức xúc đối với phụ huynh học sinh và bản thân học sinh.

Xuất phát từ những hạn chế, sai phạm của nhà trường, Sở GD&ĐT An Giang quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Việt Hùm, Hiệu trưởng trường và bà Nguyễn Ngọc Hạnh, Phó Hiệu trưởng trường, trong thời hạn 15 ngày, tính từ ngày 7/12. Đồng thời giao Phó Hiệu trưởng phụ trách chỉ đạo xác minh, làm rõ hành vi của bà Huỳnh Thị Thu Huệ, giáo viên chủ nhiệm lớp 10A4 liên quan đến sự việc xảy ra tại trường và việc đăng thông tin trên mạng xã hội sau khi sự việc xảy ra, đối chiếu với các quy định của ngành chức năng, có hình thức xử lý phù hợp và báo cáo về Sở GD&ĐT.

Mặc dù trách nhiệm của các cá nhân liên quan đến vụ việc đã được làm rõ. Tuy nhiên, qua câu chuyện này, nhiều ý kiến bày tỏ sự băn khoăn, lo ngại về kỹ năng xử lý tình huống của giáo viên, hình thức xử lý học sinh vi phạm trong các nhà trường hiện nay. Trong dự thảo thông tư khen thưởng, kỷ luật học sinh thay thế thông tư trước đây mới được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố cách đây ít lâu, đã không còn điều khoản “buộc thôi học” học sinh.

Việc khiển trách, cảnh cáo học sinh trước lớp, trước trường cũng được bãi bỏ vì không còn phù hợp. Đầu năm học 2020-2021, các quy định về khen thưởng, kỷ luật học sinh cũng được đề cập trong Điều lệ trường tiểu học, điều lệ trường THCS, THPT đã được Bộ GD&ĐT xây dựng và ban hành theo tinh thần phù hợp với dự thảo thông tư nói trên. Thế nhưng, việc kỷ luật học sinh bằng cách nêu tên trước cờ, cấm túc học sinh 2 tuần vẫn được Trường THPT Vĩnh Xương thực hiện. Điều này cho thấy, có hai khả năng xảy ra, một là nhà trường “không cập nhật” quy định, hai là nhà trường cố tình đưa ra những nội quy mang tính “luật lệ riêng”, không phù hợp với quy định chung. Và dù là khả năng nào thì đây cũng đều là hành vi không thể chấp nhận.

TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, giáo dục đang đổi mới từng ngày, trong đó, tư duy áp đặt học sinh đã lỗi thời và không còn phù hợp. Ngay cả vấn đề kỷ luật học sinh cũng phải thận trọng thông qua Hội đồng kỷ luật, nhà trường không được bất chấp, tùy tiện đưa ra các hình thức kỷ luật phản giáo dục, vô cảm bỏ qua suy nghĩ, cảm xúc của học sinh. PGS.TS Đặng Quốc Bảo, nguyên Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục Việt Nam cũng nêu quan điểm, từ trước đến nay, thầy cô trong nhà trường thường gắn liền với hình ảnh quyền uy.

Đây cũng chính là nguyên nhân khiến việc truyền thụ kiến thức, thưởng, phạt trong nhà trường có chiều hướng áp đặt theo nhận thức chủ quan của người thầy. Tuy nhiên, suy nghĩ, quan điểm này là không còn phù hợp với môi trường hiện nay. Thực tế cho thấy, cái uy của người thầy thời nay chính là sự tôn trọng của học sinh đối với thầy. Muốn thế, thầy cũng phải tôn trọng, lắng nghe học sinh. Việc thưởng phạt trong nhà trường nếu không cẩn trọng, phù hợp sẽ gây ra những hệ lụy đáng tiếc mà câu chuyện vừa xảy ra tại An Giang là một ví dụ điển hình.

Huyền Thanh
.
.
.