Tháo gỡ cho đề án Ngoại ngữ 2020:

Cần ban hành chương trình theo đặc thù riêng của từng trường

Thứ Năm, 25/12/2014, 09:40
Năm 2012, Bộ GD&ĐT ban hành thực hiện đề án ngoại ngữ 2020, mục tiêu nhằm đào tạo tăng cường ngoại ngữ cho 60% sinh viên vào năm 2015-2016 và đạt 100% sinh viên vào năm 2017-2020.

Trong đó, đối với cơ sở giáo dục ĐH không chuyên ngữ, chương trình đào tạo mới phải có mức kiến thức đạt trình độ tối thiểu bậc 3 theo khung năng lực ngoại ngữ sau tốt nghiệp. Tiến tới năm 2015 một số ngành hoặc một số môn học thuộc ngành ưu tiên như Sư phạm, Khoa học tự nhiên, Công nghệ thông tin… không chuyên ngữ được giảng dạy bằng tiếng Anh trong các trường ĐH-CĐ…

Tuy nhiên, theo cô Bùi Thị Diệu Quyên, Trường ĐH Tây Bắc cho biết, tiếng Anh là môn bắt buộc với toàn bộ sinh viên năm thứ nhất của trường, nhưng trường có một đặc thù là tới 6.500 sinh viên (chiếm 65%) là người dân tộc thiểu số nên việc triển khai dạy ngoại ngữ là vô cùng khó khăn. Trong năm học 2013-2014, khi thực hiện tổ chức thi khảo sát đầu vào môn tiếng Anh với khối không chuyên ngữ, trong tổng số 2.520 sinh viên tham gia khảo sát với các nội dung nghe, đọc, viết ở trình độ A2 cho kết quả gần như 100% sinh viên đạt trình độ A0. Trường đã thí điểm chương trình tiếng Anh tăng cường cho sinh viên không chuyên bằng cách chọn những em thi đầu vào đạt khung A1 trước đó nhưng kết quả cũng… bằng không.

Đại diện Khoa tiếng Anh, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng trình bày, mục tiêu đề án khó thực hiện vì trình độ sinh viên chênh lệch rất lớn với tỉ lệ chưa đến 20% sinh viên của trường đạt trình độ bậc 3, còn lại trình độ bậc 2 và bậc 1. Nhất là hầu hết sinh viên đều gặp khó khăn trong kĩ năng nghe - nói.

Một giờ học ngoại ngữ thực hành nghe- nói cho học sinh Tiểu học TP Hồ Chí Minh.

Theo TS Huỳnh Công Minh Hùng, ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh cho biết, để chuẩn hóa đầu ra cho khóa 40 (năm học 2014-2015), Hiệu trưởng nhà trường đã ban hành quyết định sinh viên không chuyên ngữ, khi thi tốt nghiệp, phải đạt trình độ 3/6 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, tức là phải đạt trình độ trung cấp ngoại ngữ. Thế nhưng khi kiểm tra đầu vào tiếng Anh cho 2.113 sinh viên, chỉ có 80/2113 (3,78%) em đạt trình độ B1 (tương đương bậc 3 khung tham chiếu 6 bậc dành cho Việt Nam); 16,18% đạt trình độ bậc 2; 21,62% đạt trình độ bậc 1; còn lại tới xấp xỉ 60% đạt dưới trình độ bậc 1.

Được biết, vào kỳ họp giao ban về thực hiện đề án ngoại ngữ 2020 vào tháng 4/2014 do Bộ GD&ĐT tổ chức, nhiều trường ĐH-CĐ cho biết, các trường đã rất cố gắng trong việc tăng cường năng lực ngoại ngữ, nâng chuẩn cho sinh viên sư phạm, giáo viên chuyên dạy ngoại ngữ bằng nhiều cách như trang bị thêm các thiết bị đáp ứng nâng cao chất lượng học ngoại ngữ, dù nguồn kinh phí không có. Nhưng một thực tế là “chuẩn” ngoại ngữ theo mục tiêu của đề án đưa ra vẫn không đạt được, hoặc có giáo viên lo lắng tự phải bỏ tiền túi ra đi học.

Do đó, theo nhiều ý kiến trình bày, kiến nghị với Bộ GD&ĐT, đề án ngoại ngữ 2020 cần ban hành chương trình tiếng Anh tăng cường để các trường triển khai hoặc tham khảo xây dựng chương trình đặc thù riêng của từng trường. Ngoài ra cần nghiên cứu, xem xét tới chế độ ưu đãi với giáo viên đứng lớp.

H.Nga
.
.
.