Cảm phục những học sinh vượt núi đến trường

Thứ Hai, 11/05/2015, 08:54
Mặc dù đường từ nhà đến trường phải qua nhiều đoạn đèo dốc, cheo leo, hiểm trở, nhưng các em học sinh người dân tộc Pa Cô ở xã vùng cao Hồng Thủy (A Lưới, Thừa Thiên- Huế) vẫn nỗ lực vượt khó đến trường. Để theo đuổi ước mơ với con chữ, nhiều em “cơm đùm, gạo bới” xin ở tạm nhà dân gần điểm trường để tiện việc đi lại học tập...

Gần 10 năm qua, điểm Trường THCS và THPT Hồng Vân, ở xã Hồng Vân, là một trong 2 ngôi trường trên địa bàn huyện A Lưới có số học sinh từ các địa bàn xã lân cận đăng ký theo học nhiều nhất. Trong số đó, em Hồ Văn Puôm (người Pa Cô, trú ở thôn 6, xã Hồng Thủy) là một trong những tấm gương hiếu học; nỗ lực vượt khó để học đến lớp 12 và luôn được xếp vị trí học sinh khá, giỏi của trường.  

Tranh thủ lúc giải lao giữa 2 tiết học, Puôm gặp tôi ở góc sân trường và tâm sự rằng, nhà em ở địa bàn giáp địa giới tỉnh Quảng Trị, cách trường gần 40 cây số đường rừng. Nhà nghèo, có 7 anh em, điều kiện kinh tế khó khăn lắm; nhiều lúc em muốn nghỉ học để ở nhà giúp bố mẹ làm nương rẫy, nhưng thấy em có niềm đam mê học tập nên bố mẹ đã xin cho em ở lại nhà của chú ở gần trường để học. 

Nhiều học sinh ở Trường THCS và THPT Hồng Vân nỗ lực vượt khó để nuôi ước mơ cùng con chữ.

Tuy nhiên, do gia đình chú (ông Lê Văn Khưới, ở thôn 4, xã Bắc Sơn) cũng thuộc diện nghèo khó, vì thế vào ngày chủ nhật hàng tuần, em lại đạp xe đạp vượt qua đèo Pê Ke để về nhà đùm bới thêm gạo, mắm muối lên để ăn học dài ngày.

Khác với hoàn cảnh của Puôm, khi nghe tin em Hồ Văn Tiêm (18 tuổi, học sinh lớp 12B2 Trường THCS và THPT Hồng Vân) đăng ký vào Hồng Vân trọ học thì nhiều người dân ở thôn 3, xã Hồng Thủy quê em không khỏi cảm phục bởi gia cảnh của Tiêm hết sức éo le. Hơn 4 năm trước, bố Tiêm mắc bệnh sốt rét ác tính và qua đời. Lúc đó, em vừa tròn 3 tuổi. Lên 7 tuổi, em phải gánh chịu thêm nỗi đau mồ côi mẹ. Từ đó, Tiêm được ông bà nội nuôi dưỡng và cho ăn học. 

Những ngày đầu đi học Trường THCS và THPT Hồng Vân, Tiêm phải thức dậy thật sớm để đạp xe vượt 35 cây số đường rừng đến trường và đến tối muộn mới về lại nhà. Thấy em đi học xa, vất vả nên ông bà nội nhờ người quen xin cho em ở lại nhà bác Trần Hồng Phối, ở xã Hồng Vân. Thương Tiêm cảnh mồ côi, bác Phối đã đồng ý ngay. Ngoài giờ học ở trường, Tiêm tranh thủ giúp vợ chồng bác Phối làm vườn, thu hoạch sắn, lúa trên nương. 

“Tới đây, em sẽ nộp hồ sơ thi vào Trường Đại học Y Dược Huế để sau này có thể trở thành người bác sĩ chữa bệnh giỏi cho bà con ở thôn bản”, Tiêm bày tỏ ước mơ của mình.

Thầy giáo Đoàn Chí Quýnh, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Hồng Vân cho biết thêm, kể từ khi thành lập (năm 2007) đến nay, bình quân mỗi niên khóa, trường đón nhận từ 50-60 em ở xã Hồng Thủy đến trọ học. Riêng năm học 2014-2015 có 41 em. 

“Do trường chưa xây dựng nhà nội trú nên các em học sinh ở xa phải xin ở lại nhà dân, nhà bà con để trọ học, có khi 1 tháng các em mới về thăm nhà một lần. Thấu hiểu hoàn cảnh vất vả của các em nên các thầy, cô giáo trong trường cũng thường xuyên thăm hỏi, động viên. Điều đáng mừng là các em đã biết vượt qua khó khăn để học giỏi. Tới đây, trường sẽ đề xuất Sở GD&ĐT xin chủ trương xây dựng nhà bán trú gần khu vực trường để tạo điều kiện cho các em đi học xa được thuận lợi hơn”, thầy Quýnh bảo.

Ngoài điểm Trường THCS và THPT Hồng Vân, Trường THPT thị trấn A Lưới cũng có hàng chục em học sinh dân tộc Pa Cô ở các xã Hồng Thủy, A Ngo, Hồng Thượng, Đông Sơn... đến trọ học. 

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT A Lưới cho biết: “Hiện toàn trường có 848 học sinh theo học 3 khối 10, 11 và 12 thì có 71 em ở xa xin ở nhà dân để đi học gần trường. Trong số đó, có em Kê Thị Êm học lớp 12/3; Đặng Thị Hoài lớp 10B4, Hồ Văn Tâm lớp 12B6 đều là người dân tộc Pa Cô, có hoàn cảnh hết sức khó khăn và phải xa gia đình để trọ học; nhưng các em vẫn nỗ lực vươn lên trong học tập”.

Anh Khoa
.
.
.