Các trường... "ngơ ngác" với dự thảo đưa âm nhạc vào học chính khoá THPT

Thứ Bảy, 17/03/2018, 10:05
Nguồn giáo viên giảng dạy, cơ sở vật chất… là điều khiến lãnh đạo nhiều trường đang mất ăn mất ngủ trước điểm mới trong Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới do Bộ GD-ĐT đưa ra, đó là đưa âm nhạc vào học chính khoá khối THPT…

Mới nghe đã thấy "khó thở"

Chia sẻ về vấn đề trên, lãnh đạo của một số trường THPT trên địa bàn TP Hồ Chí Minh than thở bằng một lời nói như vậy. Về mục tiêu của chương trình nhằm tạo điều kiện cho học sinh phát triển năng khiếu, định hướng đam mê, nghề nghiệp thì lãnh đạo của các trường đều rất đồng thuận tuy nhiên, trăn trở về nguồn giáo viên, phòng học, nhất là trang thiết bị, dụng cụ cho một phòng học âm nhạc bài bản sẽ lấy đâu ra.

Hơn nữa, khi mà việc giảng dạy âm nhạc, trong điều kiện học tập chung về các môn văn hoá ngay trong nhà trường, làm thế nào để không ảnh hưởng tới việc giảng dạy, học tập của các môn học khác. Môi trường học hành tại các trường phổ thông luôn cần yên tĩnh cho việc giảng dạy,vậy khi đưa một "dàn" âm thanh, nhạc cụ vào khuôn viên như vậy sẽ có thể gây ra ảnh hưởng.        

Thầy N.V.T, giáo viên trường THPT Thủ Thiêm, quận 2, TP Hồ Chí Minh  bày tỏ, đó là từ trước tới nay Bộ GD-ĐT chưa hề có quy định trong việc đào tạo giáo viên âm nhạc THPT. Ngay cả trong chương trình đào tạo giáo viên trong các trường ĐH sư phạm, chưa có đào tạo chương trình này vậy nguồn giáo viên các trường sẽ phải lấy ở đâu.

Một giáo viên dạy THPT thuộc quận Gò Vấp nói: "Chúng tôi có nghe, Chương trình Bộ đưa ra có gợi ý, các trường có thể mời các nghệ nhân, nhạc sĩ, hay giáo viên âm nhạc bậc THCS về giảng dạy cho trường môn này. Thế nhưng thử hỏi, giáo viên âm nhạc bậc THCS cũng đâu có được đào tạo bài bản về giảng dạy trong chương trình THPT. Chưa kể, mời được nghệ nhân về trường dạy là không dễ. Nguồn học phí thu trong bậc THPT về âm nhạc cũng không thể nằm ngoài khung thu học phí theo quy định.".

Các trường đang rất lo ngại môn âm nhạc đưa vào học chính khoá.

Tham khảo ý kiến của một GV trường THPT quốc tế trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, nhìn nhận môn âm nhạc là một môn học thuộc về năng khiếu, thiên bẩm của mỗi cá nhân. Sự cảm thụ, lòng đam mê và sự phát triển đam mê ấy đòi hỏi rất nhiều thứ. 

Chính vì vậy, riêng trong môi trường quốc tế, với cơ sở vật chất đủ đầy, nhưng chưa có trường nào dám tự "vỗ ngực" rằng, sẵn sàng đưa môn âm nhạc vào giảng dạy như chính khoá. Vì ngoài các phòng chức năng chuyên biệt, giáo viên phải có đủ trình độ âm nhạc để giảng dạy, làm sao để mỗi giờ lên lớp, học trò phải thẩm thấu được kiến thức, thực hành.

Riêng nhạc cụ dân tộc đã thấy rất rộng. Các môn kiến thức văn hoá đã quá tải với học trò, còn phải lo làm sao giảm tải.

Là một trong những trường hiếm hoi trong số hàng trăm trường THPT trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đưa được môn âm nhạc vào giảng dạy lâu nay với việc chủ động xây dựng được một phòng âm nhạc cho HS, thế nhưng, đại diện Lãnh đạo nhà trường THPT Trần Khai Nguyên, Quận 5 chia sẻ rằng, cơ sở vật chất lo cho học tập môn âm nhạc này là vấn đề tối quan trọng. Không có phòng thu âm, phòng thanh nhạc, phòng dụng cụ thì chỉ nên đưa vào học ngoại khóa, chuyên đề. Về cơ bản nó vẫn đang phát triển như môn học phong trào. Hay ở dạng "làm quen", học từng nhóm các em( rất ít).

Ở góc độ là một người làm công tác giảng dạy ở địa bàn vùng sâu vùng xa, thầy Phan Sỹ Quang, THPT Chu Văn An - Đăk Nông đã có nhiều trăn trở về vấn đề trên. 

Theo thầy Quang, môn âm nhạc được dạy chính khoá ở cấp THPT, điều này mới nghe thì thấy vui nhưng lo quá! Trong dự thảo chúng ta thấy, chương trình vừa có nội dung tích hợp (lý thuyết âm nhạc), vừa có nội dung phân hóa (nhạc cụ); vừa là môn học bắt buộc (từ lớp 1 đến lớp 9), vừa là môn học lựa chọn theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12)... Tôi thấy nội dung trên trong dự thảo là quá ôm đồm. Chương trình đào tạo giống như của một trường năng khiếu thì quả là quá nặng nề cho HS phổ thông.

Lo đào tạo lại chuẩn giáo viên THPT

Thầy Quang cũng cho rằng, mục tiêu của điểm thay đổi này là, âm nhạc sẽ trở thành môn học chính khóa ở cấp THPT và được xếp vào môn bắt buộc tự chọn với mục đích để định hướng nghề nghiệp tạo điều kiện cho các em có năng khiếu âm nhạc có kiến thức cơ bản để xét tuyển ĐH CĐ. 

Tuy nhiên, hoàn toàn chưa phù hợp với thực tế với hầu hết các địa phương; còn mục tiêu tạo điều kiện để HS phát triển năng lực thực sự thì khó khả thi. Bởi vì ở một địa phương, hãy thử khảo sát, hiện mỗi trường THPT có được bao nhiêu HS có năng lực thực sự để phát triển âm nhạc? 

Còn giáo viên liệu có đủ đáp ứng theo đúng lộ trình đưa ra hay không?. Trong lúc biên chế các môn văn hóa hiện tại ở hầu hết các trường THPT đang đủ hoặc dư nhưng không thể đưa lượng GV dư này đi dạy nhạc. Còn nếu giáo viên chuẩn để dạy nhạc THPT thì phải có bằng Đại học theo chuẩn. Nếu không lại rơi vào tình trạng đào tạo lại cho đủ chuẩn như một số môn văn hóa trước đây đã làm.

Phòng học riêng cho âm nhạc là bắt buộc để không ảnh hưởng giờ học văn hóa, trong đó có trang bị đầy đủ các thiết bị đáp ứng cho giảng dạy và thực hành. Trong khi đó ngân sách nhà nước cấp hiện tại rất khó khăn. Còn nếu xã hội hóa thì tùy từng địa phương nên các trường chắc chắn sẽ gặp khó khăn trong đầu tư cho phòng học chức năng này! 

Rồi thời khóa biểu, HS đăng ký học sẽ không tập trung vào một lớp (có thể không đủ sĩ số do phân hóa về lực học văn hóa giữa các em không đồng đều), khó bố trí học chung. Nếu mời các nghệ nhân, ca sĩ, nhạc sĩ về dạy thì vấn đề này còn tùy thuộc vào cơ chế.

Việc huy động xã hội hóa hoàn toàn để trả tiền thuê GV sẽ không hợp lý; vì những học sinh đăng ký tự chọn học nhạc cũng phải nằm trong khung quy định của học phí.

Huyền Nga
.
.
.