Các trường nghề với nỗi lo sinh viên nửa chừng "bỏ cuộc"

Thứ Sáu, 05/10/2018, 07:07
Tuyển sinh được đủ chỉ tiêu nhưng giữ được sinh viên, học viên theo học tới cùng vẫn là niềm mơ ước của nhiều trường nghề, trung cấp và cao đẳng nghề hiện nay. Tình trạng sau một thời gian học, nhiều em tự ý bỏ học giữa chừng khiến hiệu suất đào tạo trong các trường nghề bị giảm sút nghiêm trọng. PV Báo CAND đã tìm hiểu nguyên nhân...


Nhiều lý do “bỏ cuộc”

Theo Sở LĐ-TB&XH TP Hồ Chí Minh, năm 2017, bậc cao đẳng (CĐ) tại thành phố có 15.609 sinh viên (SV) và bậc trung cấp có 13.148 học sinh (HS) tốt nghiệp, tức chỉ đạt hơn 50% so với số lượng đầu vào. 50% đã "rơi rụng" dần trong quá trình học từ 2-3 năm, tuỳ theo mô hình đào tạo.

Cụ thể, Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng nhiều năm nay vốn tự hào là một ngôi trường có uy tín trong đào tạo nghề, nhưng giờ lãnh đạo nhà trường phải ngậm ngùi khi đề cập tới chuyện SV bỏ học. Năm học 2015 – 2016, tỷ lệ SV bỏ học tới 22,56%; năm 2016 - 2017 là 17,66%. Hay tại Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Vinatex, mỗi năm "xóa tên" từ 300 - 400 SV. Trường Trung cấp Nghề - Kỹ thuật công nghệ (TCN-KTCN) Hùng Vương cũng có khoảng 30% dù đây là một trong những ngôi trường dẫn đầu về thành tích có nhiều em đoạt giải khi dự  thi tay nghề quốc gia, quốc tế.

Bà Phạm Quang Trang Thủy, Hiệu trưởng Trường TCN-KTCN Hùng Vương lý giải, đa số HS nghỉ giữa chừng là do chưa xác định được nghề nghiệp mà mình theo đuổi, lại thêm tâm lý học trung cấp dễ khiến các em chán nản. Một lý do nữa, HS kỹ thuật đa số là nam, đang ở lứa tuổi đi nghĩa vụ quân sự, trong khi bậc trung cấp không được miễn nghĩa vụ như ĐH và CĐ. Do vậy, có em học một thời gian về giữa chừng để đáp ứng việc này. 

Thầy Tô Huỳnh Thiên Trường, Trưởng phòng Hành chính của trường nhận xét: "Nhiều em sau khi vào học có bằng THPT rồi nên năm sau đăng ký thi đậu vào một trường ĐH-CĐ nào đó nên bỏ. Có không ít em do chủ quan khi chọn ngành nghề chưa phù hợp nên sau thời gian ngắn học chán nản cũng bỏ học".

Học viên trường TCN-KTCN Hùng Vương trong một đợt học tập, thực hành nghề chuẩn bị cho kì thi tay nghề Khu vực ASEAN.

Bà Đặng Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Nghiên cứu - phát triển của trường Trung cấp Kỹ thuật và nghiệp vụ Nam Sài Gòn chia sẻ, nhiều năm nay, trường này cũng luôn tự hào khi tuyển sinh hằng năm luôn đạt rất cao (trên 2.000 chỉ tiêu/năm). Đấy là con số mơ ước của nhiều trường trung cấp, trường nghề hiện nay. Song trăn trở nhất vẫn là việc “giữ chân” học viên ở lại với nhà trường. 

Theo bà Hiền, có cả lý do khách quan và chủ quan. Tại trường này, có 2 hệ đào tạo đầu vào là tốt nghiệp THCS và tốt nghiệp THPT. Với HS đã tốt nghiệp THPT có một điểm thuận lợi là dễ tiếp thu các phần học văn hoá nhanh hơn các em trình độ THCS. Tuy nhiên, sau một thời gian, nhiều em bỏ sang học chương trình trung cấp tại các trường ĐH có đào tạo hệ trung cấp với quan niệm rằng, học trung cấp trong trường ĐH "oách" hơn là học trong trường trung cấp thuần tuý. 

"Với lý do chạy theo... cái bóng của tấm bằng trung cấp của trường ĐH này thì chưa có một giải pháp kỹ thuật nào khắc phục được", bà Hiền nói.

Vẫn theo nhìn nhận của bà Hiền, chương trình đào tạo trong trung cấp còn nặng về kiến thức hàn lâm nên với những HS xuất phát điểm là HS THCS lại càng "đuối" khi học phần trang bị kiến thức văn hoá. Cách phân bố chương trình đào tạo trong các trường trung cấp chưa hay, chưa hấp dẫn. 

Ngoài ra, còn có nguyên nhân từ phía người học. Tâm lý chung là học nghề 2 năm sau đó ra trường sợ rơi vào cảnh thất nghiệp. Do vậy, rất nhiều trường hợp sau đó đã bỏ ngang, xin thẳng vào một cơ sở làm nghề luôn với suy nghĩ “nghề dạy nghề”, được cầm tay chỉ việc, vài tháng đã có lương, không phải học lý thuyết hàn lâm ở trong trường, vừa được điều kiện truyền nghề để có lương ngay. Các em không thấy cái lợi ích cần thiết của kiến thức văn hoá.

"Gỡ rối" tâm lý trò học nghề

Theo bà Đặng Thị Thu Hiền, một trong giải pháp mà trường này đang thực hiện là cải tiến chương trình. Chương trình học 6 ngày/tuần nhưng riêng ngày thứ 5 ngưng mọi nội dung về văn hoá khô khan mà chủ yếu là đào tạo kỹ năng sống, kỹ năng mềm cho học sinh như: kỹ năng trình bày trước đám đông, kỹ năng quản lý lãnh đạo... để các em hoàn toàn học trong tâm thế thoải mái. 

Cuối học kỳ của năm thứ 2, trường còn triển khai khoá kỹ năng du lịch dã ngoại để các em có trải nghiệm thú vị về cuộc sống. Nhà trường cũng có riêng một bộ phận tư vấn tâm lý học đường chuyên gỡ rối các vấn đề băn khoăn của các em khi chọn nghề nghiệp, hay mất phương hướng cho tương lai, đều được một nhóm các thầy cô giáo chủ nhiệm, giáo viên tâm lý kề cận kịp thời giải toả ngay những khúc mắc. 

Trường cũng áp dụng cơ chế chương trình học ngày càng thoáng hơn, đưa học sinh xuống thực hành tại doanh nghiệp để tiếp xúc với công việc, nhờ đó khơi gợi niềm đam mê học tập, say mê nghiên cứu tìm tòi. 

“Tất nhiên, vẫn phải có thêm nhiều biện pháp khác nữa mới có thể duy trì hiệu suất đào tạo của các trường nghề nói chung”, bà Hiền nhấn mạnh.

Một trong những giải pháp mà Trường TCN-KTCN Hùng Vương đang thực hiện là giáo viên phải tạo được sự hứng thú, yêu nghề cho người học, trang thiết bị phải được đầu tư hiện đại và đủ để cho HS thực hành và môi trường học tập phải giúp cho HS cảm thấy thoải mái. Các thầy cô cũng khuyến khích các em cứ học, làm quen, nếu thấy không phù hợp thì được chuyển sang nghề khác mà các em yêu thích hơn.

Theo thầy Hoàng Anh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng An ninh mạng iSpace, học viên trong trường nghề phải được sự động viên nếu không các em rất nản. Phân bố thời gian chương trình chung của các trường nghề là 30% lý thuyết, 70% thực hành. Để tạo hứng thú học tập cho HS, các trường đã luôn phải cải tiến chương trình, cho học song hành vừa lý thuyết vừa thực hành nhằm giảm bớt sự nhàm chán. Tổ chức tham quan doanh nghiệp theo chuyên ngành để được biết về những công việc mà mình có thể làm sau khi ra trường, từ đó các em có động lực học tập và có thể lập kế hoạch nghề nghiệp cho bản thân. 

“Nhưng nhiều lúc cũng gặp khó khăn đó là ý chí của HS trường nghề đã yếu, nhận thức tư duy cũng không bằng các em thi vào ĐH nên kiến thức cũng không đủ để nuôi dưỡng niềm đam mê trong học nghề, do đó, giáo viên vừa phải giảng dạy vừa phải là người "thợ cả" hướng dẫn thực hành nghề”, thầy Hoàng Anh nói.

Theo ông Trần Ngọc Cường, Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Thủ Đức, chuyện sinh viên bỏ học gây ra lãng phí tiền của, thời gian; ảnh hưởng đến tổng thể các kế hoạch phát triển của nhà trường nhưng trong khối trường đào tạo nghề, một số ngành nghề đòi hỏi người học phải có trình độ nhất định mới có thể học được, nhất là tình hình hội nhập hiện nay. Chính vì vậy việc trang bị học phần văn hóa ở trường nghề vẫn phải được coi trọng. Đây còn là điều kiện cần để người học sau khi ra trường có thể tham gia thị trường lao động cạnh tranh ngày càng gắt gao, nhất là với yêu cầu cao của cuộc cách mạng 4.0 hiện nay.

Huyền Nga
.
.
.