Cả giáo viên, học sinh và phụ huynh như “ngồi trên lửa”

Chủ Nhật, 18/09/2016, 08:26
Dự thảo kỳ thi THPT quốc gia 2017 vẫn nóng từng ngày, dù Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có những lí giải nhằm giúp học sinh và phụ huynh an tâm.

Trên một số trang mạng xã hội, ngay khi có thông tin về đề thi trắc nghiệm môn Toán (dù không phải do Bộ GD & ĐT công bố) thì đề thi đó đã lan truyền đến mức chóng mặt. Ngay cả một đề thi trắc nghiệm môn Giáo dục công dân (là môn thi có mặt trong bài thi tổng hợp Khoa học xã hội) cũng nhận được rất nhiều lượt chia sẻ. Điều đó cho thấy, việc thay đổi đột ngột từ thi tự luận sang thi trắc nghiệm một số môn học sẽ tác động lớn tới tâm lý xã hội như thế nào.

Thay đổi thi cử không thể vội vã

Trong một chia sẻ gửi tới Báo CAND, chị Đào Thanh Ngọc, một phụ huynh ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) có con đang học lớp 12 cho hay, ngày nào chị cũng lên mạng để “ngóng” tin tức gì mới về kỳ thi.

Vợ chồng chị giờ đang rất hoang mang không hiểu sẽ cho con ôn thi như thế nào. Con chị đã theo học một thầy dạy Toán giàu kinh nghiệm từ khi cháu bước vào lớp 10, nhưng mấy hôm nay lớp học thêm của cháu cũng chuệch choạc, cứ đến lớp là cả thầy và trò đều xôn xao về thi trắc nghiệm Toán.

Hơn hai năm qua, con chị chỉ học giải đề tự luận, giờ bước vào thi trắc nghiệm là cả vấn đề, vì không có đề trắc nghiệm mẫu để tham khảo. Bản thân chị đã đi nhiều hiệu sách, đến nhiều nhà sách để hỏi mua sách tham khảo trắc nghiệm Toán nhưng các nhà sách đều lắc đầu.

“Có bột mới gột nên hồ”, nhiều chuyên gia giáo dục nói học Toán là học cách giải bài toán, nên dù thi trắc nghiệm hay tự luận thì cũng phải giải bài toán mới có thể cho kết quả đúng. Nhưng tôi cho rằng, nếu thi trắc nghiệm thì các em học sinh sẽ bỏ qua nhiều bước giải bài toán để nôn nóng tìm đáp số, để tích vào ô trắc nghiệm. Về lâu dài, sẽ thui chột thói quen tư duy bền bỉ và kỹ năng giải bài toán một cách khoa học của học trò”.

Rất nhiều phụ huynh có chung nỗi lo lắng, hoang mang như chị Đào Thanh Ngọc. Anh Trần Kỳ Linh ở quận Đống Đa (Hà Nội) bày tỏ: “Hôm trước thấy lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin là kỳ thi 2017 sẽ không khác 2016, mà chỉ kế thừa những ưu điểm của kỳ thi 2016 thì tôi phấn khởi lắm. Nhưng đùng một cái Bộ công bố dự thảo. Tôi không phải là một chuyên gia giáo dục, nhưng đọc dự thảo thì tôi hiểu, kỳ thi 2017 hoàn toàn là một kỳ thi mới, từ cách tổ chức thi, đến cách ra đề thi và cả cách xét tuyển. Vì sao Bộ lại thay đổi đột ngột như vậy? Chính Bộ nói những từ như “chuột bạch”, “thí nghiệm” là xa vời trong thuật ngữ giáo dục, nhưng tôi thấy năm nay các em học sinh lại tiếp tục bị “thí nghiệm”.

Bất cứ thay đổi thi cử nào cũng cần độ trễ để chuẩn bị tâm lý xã hội thật tốt.

Thi trắc nghiệm - trở tay không kịp

“Ngồi trên đống lửa” cũng là tâm trạng của nhiều giáo viên tâm huyết.

Thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên môn Toán trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho biết: Mấy ngày hôm nay dù mới nghe thông tin phương thức thi thay đổi, Bộ chưa quyết định chính thức, nhưng học sinh đã phân tán tư tưởng. Nhiều em chỉ làm bài cho nhanh rồi ghi đáp số, giáo viên rất khó để hướng dẫn bài bản.

Có thể nói thi trắc nghiệm Toán sắp tới nếu được thông qua sẽ như một cơn lốc cuốn bay thành quả của nhiều thế hệ giáo viên. Trong thời gian dài, với sự nỗ lực của nhiều thế hệ giáo viên, các học sinh được đào tạo và kiểm tra, thi cử môn Toán theo lối tự luận đã rèn được nhiều phẩm chất, kỹ năng tốt như tính cẩn thận, trình bày khoa học, vẽ hình hợp lý, tư duy logic, tính sáng tạo, lòng kiên trì…

Theo thầy Tùng, đây là những phẩm chất rất quan trọng với con người, đặc biệt là người Á Đông. Nếu thi trắc nghiệm Toán, ngay từ trong suy nghĩ, học sinh đã thấy không cần thiết phải làm cẩn thận thế, miễn sao ra đáp số nhanh nhất là được. Về lâu dài, đây sẽ là lối tư duy nguy hiểm, làm xói mòn các phẩm chất tốt đẹp đã được kỳ công xây dựng.

Cũng theo thầy Tùng, nếu dự thảo được thông qua, chúng ta sẽ thấy học sinh phải học và ôn thi nhiều môn hơn. Toán là môn rất đặc thù, không nên mang ra so sánh với Lý, Hóa, Sinh. Trong Toán có nhiều phần kiến thức đồ sộ như Đại số, Lượng giác, Giải tích, Hình giải tích, Hình không gian…

Để ôn thi theo cấu trúc tự luận, học sinh đã rất vất vả lắm rồi. Nếu Bộ đổi hình thức thi trắc nghiệm thì trong 9 tháng còn lại, các nhà trường sẽ căng như dây đàn, mà hiệu quả rất khó đảm bảo.

Thầy Trần Xuân Hà, giáo viên Toán trường THPT Hoàng Mai (Nghệ An) cũng cho rằng: Toán là bộ môn khoa học cơ bản, có suy luận và nhận định, khác hẳn với các môn khoa học khác như Lý, Hóa, Sinh nên nếu chuyển sang hình thức thi trắc nghiệm sẽ làm mất đi những thế mạnh và đặc thù của môn khoa học cơ bản này. Bên cạnh đó, cách thi thay đổi sẽ khiến cho cách dạy cũng phải thay đổi.

Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định thi theo hình thức nào thì giáo viên cũng sẽ chuyển sang cách dạy đó, nhưng sự thay đổi này sẽ là một bài toán không dễ đối với học sinh. Bởi lẽ từ trước đến nay, học sinh đã quen với việc thi tự luận nên nếu bất ngờ chuyển sang thi trắc nghiệm, chắc chắn khối lượng kiến thức sẽ tăng lên, phương pháp học, ôn tập cũng phải thay đổi nên sẽ “trở tay không kịp”.

Ngoài ra, thầy Hà cũng băn khoăn, Bộ GD&ĐT có phần hơi vội vàng, chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nhiều mặt, trong đó có đề thi. “Theo phương án của Bộ GD&ĐT, đề thi trắc nghiệm chủ yếu sẽ được rút trong ngân hàng đề thi của Đại học Quốc gia Hà Nội. Các đề thi này chủ yếu là do đội ngũ làm đề của Đại học Quốc gia Hà Nội xây dựng mà chưa có sự kiểm nghiệm đánh giá chính thức nào từ các cơ quan chuyên môn, độc lập.

Trong khi đó, kỳ thi THPT quốc gia sẽ ảnh hưởng đến 1 triệu học sinh và tác động rất mạnh đến quá trình dạy và học nên hoàn toàn không thể chủ quan và xem nhẹ công tác làm đề” - thầy Hà nhấn mạnh.

Giáo sư Nguyễn Hữu Dư, Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam chia sẻ quan điểm: Thi trắc nghiệm hay thi tự luận đều có những điểm mạnh, điểm yếu. Trên thế giới từ lâu đã tồn tại song song hai hình thức kiểm tra đánh giá này. Không có phương thức nào ưu điểm hẳn, cũng không có phương thức nào nhược điểm hẳn. Vì vậy, trên thế giới vẫn tồn tại song song 2 kiểu thi trắc nghiệm và tự luận chứ không chỉ riêng Việt Nam. Điều cần thiết là khi lựa chọn phương thức nào thì cần có sự chuẩn bị hết sức kỹ càng, cần thiết về các mặt tổ chức như nội dung đề thi, phương pháp tổ chức, mục đích sử dụng kết quả, tâm lý của thí sinh và xã hội. 

Không để các thầy cô năng lực quá yếu dạy ngoại ngữ

Ngày 17-9, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 của Đề án “Dạy và học ngoại ngữ (NN) trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” (Đề án ngoại ngữ quốc gia (NNQG) 2020). Hội nghị do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì. Người đứng đầu ngành giáo dục đã thẳng thắn chia sẻ: “Sau 5 năm thực hiện đề án, thấy rõ nhất là đầu tư dàn trải. Chia kinh phí về cho các bộ, ngành, địa phương rồi mới triển khai, như vậy là không hiệu quả… Do đó, thời gian tới phải tập trung vào đội ngũ giáo viên. Thiếu thì đào tạo thêm. Yếu thì bồi dưỡng lại. Yếu quá thì bố trí công việc khác, không để thầy cô quá yếu dạy NN”.

Ngay trong năm học này, Bộ trưởng yêu cầu phải tập trung vào việc rà soát, củng cố, nâng cao kỹ năng dạy NN của giáo viên; các mục tiêu đề ra phải bám sát năng lực thực tế của giáo viên. Các địa phương rà soát số lượng giáo viên, đối chiếu chuẩn giáo viên, đặc biệt coi trọng công tác đào tạo lại.

“Tại thời điểm này không đưa ra mục tiêu tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 của Việt Nam. Nhưng nếu không phấn đấu ngay từ bây giờ, đưa ra kế hoạch, mục tiêu triển khai thì sẽ không thể nào đạt tới mục tiêu đó. Singapore mất 38 năm với lộ trình triển khai bền bỉ để sử dụng tiếng Anh như một NN thứ 2. Chúng ta cũng cần phải đặt mục tiêu phấn đấu”, Bộ trưởng Nhạ cho biết.

Tại hội nghị, nhiều địa phương đã chia sẻ những thuận lợi và khó khăn khi thực hiện Đề án NNQG 2020, trong đó khó khăn vẫn là áp lực lớn ảnh hưởng tới hiệu quả bền vững của Đề án. Giám đốc Sở GD & ĐT Thừa Thiên - Huế, TS. Phạm Văn Hùng cho biết, việc đầu tư trang thiết bị để đáp ứng quá trình dạy học và kiểm tra đánh giá 4 kĩ năng rất hạn chế. Có độ vênh giữa năng lực thực và năng lực bằng cấp. Giáo viên còn tâm lý đối phó. Đa số giáo viên tại Huế chưa đủ năng lực ngôn ngữ để giảng dạy do chưa được đào tạo bài bản từ đại học.

TS. Nguyễn Văn Huấn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bến Tre cho hay, việc triển khai dạy chương trình tiếng Anh ở cả 3 cấp học đạt kết quả thấp so với kế hoạch.

Qua khảo sát, số lượng giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn rất thấp. Bên cạnh đó, chương trình, sách giáo khoa, việc tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá môn NN ở các trường phổ thông còn nhiều bất cập. Ngay như kỳ thi THPT quốc gia, nội dung đề thi NN tập trung kiểm tra kiến thức ngôn ngữ chuyên sâu, mang tính đánh đố nhiều hơn, trong khi năng lực tiếng Anh của học sinh còn hạn chế, dẫn đến kết quả kỳ thi THPT quốc gia rất thấp (điểm trung bình môn tiếng Anh đạt 3.3).

Trước những khó khăn đó, các địa phương đã đề xuất Ban Quản lý Đề án NNQG 2020 nên chỉ đạo dạy và học NN theo hướng phù hợp với điều kiện vùng miền, tăng sự lựa chọn cho các sở, tỉnh, thành phố bằng cách mở rộng khung chuẩn. Nhanh chóng hình thành trung tâm khảo thí quốc gia; nên chọn chuẩn châu Âu làm chuẩn, nhất là khi Việt Nam đã gia nhập TPP và cộng đồng ASEAN. Bên cạnh đó, cần có thay đổi trong kiểm tra, đánh giá môn NN, nhất là trong đề thi THPT quốc gia hiện nay.

Thu Phương

Thu Phương – Huyền Thanh
.
.
.