Bước đột phá trong giảng dạy các môn nghiệp vụ chuyên ngành bằng tiếng Anh

Thứ Tư, 09/05/2018, 11:27
Từ năm 2014, Học viện CSND thực hiện lồng ghép giảng dạy các môn chuyên ngành bằng tiếng Anh cho các lớp đào tạo cử nhân chất lượng cao. Đây là một chủ trương đúng đắn góp phần đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, đáp ứng được yêu cầu công tác và chiến đấu trong xu thế hội nhập quốc tế.

Trong những năm gần đây, cùng với xu thế phát triển của giáo dục đại học thế giới, Học viện CSND đã xác định ngoại ngữ trở thành cầu nối cần thiết về mọi mặt để Học viện sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu khi trở thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm của quốc gia.

Thượng úy, Ths Nguyễn Thu Hương - giảng viên Khoa Luật trong một giờ lên lớp môn Luật Hình sự bằng tiếng Anh.

Theo đó, Học viện đã tiến hành thực hiện chuẩn đầu ra về ngoại ngữ nhằm nâng cao trình độ ngoại ngữ cho cán bộ, giảng viên và học viên. Đặc biệt, từ khóa D40 (năm 2014), Học viện đã triển khai lồng ghép giảng dạy các môn chuyên ngành bằng ngoại ngữ cho cử nhân các lớp chất lượng cao 2 chuyên ngành: Cảnh sát điều tra và Kỹ thuật hình sự.

Học viên sẽ được học tập tối thiểu 20% tổng số môn học trong chương trình đào tạo bằng tiếng Anh, từ giáo trình, tài liệu về các tình huống và bài tập nghiệp vụ đều được đội ngũ cán bộ, chuyên gia giàu kinh nghiệm của Học viện soạn thảo bằng tiếng Anh; một số khác sẽ được tham khảo trực tiếp từ giáo trình, tài liệu nước ngoài. Trên giảng đường, giảng viên và học viên sẽ cùng thảo luận, đối thoại, giải quyết bài tập bằng ngoại ngữ. Giảng viên phải có học vị từ Thạc sĩ trở lên; trình độ IELTS đạt từ 6.0 hoặc được đào tạo hoàn toàn ở nước ngoài.

Để có thể học tập các môn chuyên ngành bằng tiếng Anh, học viên các lớp chất lượng cao phải học 4 kì ngoại ngữ thay vì 3 kì như học viên các lớp cơ bản, trong đó có 2 kì sẽ học tại Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) để đạt trình độ Anh ngữ cấp độ B2. Trong quá trình học tập, số học viên không đảm bảo sẽ phải chuyển ra lớp đại trà.

Mục đích của việc giảng dạy các môn chuyên ngành bằng tiếng Anh, ngoài việc cao năng lực tiếng Anh tổng quát cho học viên theo các tiêu chí của Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020, còn nhằm thúc đẩy và tăng cường khả năng tiếp cận, khai thác các nguồn tài liệu khoa học và chuyên môn bằng tiếng Anh, viết bài báo quốc tế và tham dự các hội nghị hội thảo quốc tế của giảng viên cũng như đối với học viên. Hiện nay, Học viện CSND có khoảng 45% số cán bộ, giảng viên cơ bản đáp ứng được yêu cầu giảng dạy 100% các môn chuyên ngành bằng ngôn ngữ Anh.

Học viện cũng đã chú trọng nâng cao trình độ ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh cho cán bộ, giảng viên và học viên của Học viện bằng nhiều hình thức có hiệu quả, như: Chủ động phối hợp với Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội và các đơn vị mạnh về ngoại ngữ trong nước và quốc tế; thường xuyên tổ chức các hội thảo; chương trình giao lưu giữa cán bộ, giảng viên trực tiếp giảng dạy các môn chuyên ngành bằng tiếng Anh với các chuyên gia Anh ngữ hàng đầu trên thế giới nhằm nâng cao năng lực thiết kế bài giảng, giáo trình… phục vụ cho công tác giảng day; tổ chức các lớp nâng cao trình độ ngoại ngữ thường xuyên cho cán bộ, giảng viên và học viên; mở các lớp liên kết đào tạo bằng tiếng Anh với Đại học tổng hợp Maryland Hoa Kỳ (đã tốt nghiệp được 2 khóa học) và đang xúc tiến mở liên kết đào tạo với Đại học RMIT của Australia…

Học viên Nguyễn Văn Tý - B11D40 chia sẻ: “Năm học này, học viên lớp chất lượng cao, chuyên ngành Cảnh sát điều tra có 16/23 học viên sẽ viết và bảo vệ khóa luận 100% bằng tiếng Anh”.

Từ góc độ giảng viên, Thượng úy, Ths Trương Văn Dương, Khoa Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, cán bộ trực tiếp tham gia giảng dạy môn chuyên ngành bằng tiếng Anh cho rằng: “Khó khăn là trình độ tiếng Anh của học viên không đồng đều. Do đó, để hoàn thành môn học chuyên ngành bằng tiếng Anh với kết quả tốt nhất, mỗi học viên phải tự xác định cho mình một động cơ, thái độ học tập đúng đắn, có kế hoạch cụ thể, phù hợp với khả năng để hoàn thành môn học. Ngoài ra, Học viện cần xây dựng những tình huống nghiệp vụ đòi hỏi khả năng tư duy độc lập, làm việc theo nhóm của học viên bằng tiếng Anh. Với những tình huống nghiệp vụ phức tạp, giảng viên nên mời các chuyên gia, cán bộ thực tiễn… đến báo cáo cho học viên”.

Như vậy, với các điều kiện sẵn có về nguồn lực, chương trình đào tạo, mặt bằng trình độ ngoại ngữ của giảng viên và học viên, Học viện CSND hoàn toàn đủ điều kiện để thí điểm nhiệm vụ hết sức khó khăn và chưa có tiền lệ trong các nhà trường CAND.      

Hải Anh
.
.
.