Chung tay đẩy lùi bạo lực học đường:

Bài cuối: Cần trau dồi kỹ năng sống

Thứ Tư, 07/04/2021, 07:05
Đưa bộ môn kỹ năng sống vào giảng dạy tại các trường phổ thông là một giải pháp tối ưu để ngăn chặn bạo lực học đường (BLHĐ) được các nước trên thế giới áp dụng từ lâu. Ở Việt Nam, những năm gần đây cũng được các trường áp dụng nhưng chưa chuyên nghiệp, chưa đi vào chiều sâu, còn mang nặng hình thức...


Mặt khác, phương pháp giảng dạy của các giáo viên ở nhà trường vẫn còn bị lạc hậu, chưa theo kịp xu thế phát triển của xã hội; chưa theo kịp tâm sinh lý, cách nghĩ, cách làm của học trò trong thời đại mới. Không ít giáo viên còn lạm dụng đòn roi, kỷ luật nặng nề để bắt học trò hư phục tùng mệnh lệnh của mình. Mà cách dạy này đã trở nên lạc hậu, phản giáo dục, phản ánh rõ sự bất lực của người dạy và cũng là một trong những nguyên nhân gia tăng vấn nạn BLHĐ!

Em T. đang học năm thứ 2 ở một trường đại học. Tuy xa mái trường xưa ngót ngét 2 năm nhưng hình ảnh của người thầy đáng kính vẫn còn nguyên vẹn như ngày nào và mãi mãi không phai trong tâm trí. Đó là thời điểm vào đầu năm học lớp 12 tại Trường PTTH Nguyễn Du (quận 10, TP Hồ Chí Minh) T. thường đi trễ mỗi ngày từ 10-15 phút trong suốt 21 ngày liền. Có những hôm nghỉ em cũng không thèm xin phép.

Cô giáo chủ nhiệm, thầy cô bộ môn gặng hỏi vì sao đi trễ nhưng T. chẳng nói chẳng rằng. Càng nhắc nhở, phê phán thì em càng lầm lì, ít nói. Giáo viên chủ nhiệm mời phụ huynh đến làm việc nhưng cũng chẳng thấy ai đi. Vụ việc được báo cáo đến thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng nhà trường. Nghe qua, thầy nói, chuyện gì cũng có nguyên do của nó, thôi ca khó này cứ để cho thầy giải quyết.

Thầy Hoàng Sỹ Đăng, giáo viên dạy kỹ năng sống tại Trường Nguyễn Du (TP Hồ Chí Minh) tư vấn cho một học sinh.

Thầy Phú tìm hiểu thì mới hay, gia cảnh em T. khá khó khăn, hằng ngày em phải thức từ 4h30 sáng để phụ mẹ nướng thịt, nhặt rau để kịp bán cơm tấm khi mặt trời ló dạng. Đâu đó xong xuôi em phải chở em gái đến trường rồi mới quay về đi học.

Một đứa trẻ biết phụ mẹ mưu sinh, biết hy sinh cho em gái chắc chắn không thể là một đứa trẻ hư. Sáng ngày hôm sau, thầy Phú có mặt trước cổng trường, gặp T, thầy ân cần mời em nói chuyện. Sau khi nghe em tâm sự, thầy nhẹ nhàng bảo: “Con trai! Giờ mỗi ngày con cho thầy xin con 10 phút. Con có thể thức sớm hơn hoặc đưa em đi học sớm hơn 10 phút thì khi con đến trường học sẽ không bị trễ nữa. Nếu thực hiện được như vậy con không vi phạm nội qui, không bị hạ hạnh kiểm, không bị mất kiến thức vì bỏ các tiết học. Còn trong cuộc sống, nếu có khó khăn gì thầy hỗ trợ cho con”.

T. ngấn lệ gật đầu và cũng kể từ đó em không một lần đi trễ. Đáng quý hơn, T. còn cố gắng học hành để nhận được học bổng của nhà trường…

Qua câu chuyện trên mới thấy được rằng, khi ta hiểu rõ hoàn cảnh của những học sinh được xem là hư… và dùng tình thương, sự bao dung của người thầy để lôi kéo về đúng quỹ đạo là điều không có gì khó. Còn nếu như giáo viên chỉ nhìn bề nổi (vi phạm nội quy nhà trường) rồi lấy quyền làm thầy la lối, kiểm điểm, phạt vạ các em sẽ chẳng mang lại kết quả gì.

Cũng theo thầy Phú, giáo dục học trò ở thế kỷ 21 này cần có sự mở lòng hơn, nghệ thuật hơn, khéo léo hơn thì mới đảm bảo sự hài hòa. Tuy nhiên, những giáo viên mới ra trường chưa tiếp thu, bổ sung được những yêu cầu mang tính nghệ thuật này sẽ bị tụt hậu và gặp nhiều áp lực trong công việc nhất là khi gặp phải tình trạng học sinh nổi loạn, thích thể hiện. Rất nhiều giáo viên mà ông biết đến còn mang nặng tư tưởng lạc hậu ở cách dạy và học trong thế kỷ 20. Thể hiện rõ nhất là ở khối học sinh tiểu học và THCS. Khi bước vào lớp, người thầy chỉ muốn nhìn thấy học sinh ngồi yên lặng, để hai tay trên bàn nghe giảng bài, khi thầy hỏi bài ai biết thì giơ tay xin phép phát biểu. Ai trao đổi, nói chuyện qua lại, táy máy tay chân, tự ý phát biểu thì bị quy chụp cho là quậy phá rồi phê bình, quát nạt, phạt vạ… khiến các em ức chế tinh thần và dễ gây ra nổi loạn.

Cách dạy ngày nay là phải liên tục tương tác, hoạt náo với học sinh. Nhiều lúc phải đưa ra tình huống để cho các em tranh luận nảy lửa thì mới phù hợp với thực tiễn, xu thế, cách sống, cách nghĩ của học sinh thời hiện đại.

“Nhiều giáo viên than với tôi học sinh bây giờ như “ông trời con”. Tôi bảo, thầy cô là người lớn. Là tấm gương cho học trò vậy ta phải bắt kịp xu thế thay đổi này mà giáo dục chúng. Nếu các em là “ông trời con” thì ta phải là nhà giáo của “ông trời con” thì mới có thể hoàn thành trách nhiệm của mình” - thầy Phú kể.

Trường THPT Nguyễn Du có ban tư vấn học đường gồm các thầy trong Ban giám thị cùng toàn thể các thầy cô. Có 3 người gồm thầy hiệu trưởng, thầy dạy kỹ năng và thầy trưởng giám thị là thành viên “cứng”, còn mỗi thầy cô trong trường là một tư vấn viên học đường. Hình thức tư vấn là trực tiếp, qua điện thoại, qua fanpage và qua Zalo. Tất nhiên để được tư vấn, truyền đạt kỹ năng sống cho học sinh thì thầy cô phải được bồi dường kiến thức. Tư vấn phải đi vào thực tế, cụ thể từng tình huống chứ không nói giáo điều, chung chung vì học sinh sẽ không nghe.

Các học sinh cho biết, 3 thầy trong ban tư vấn được các em xem là thần tượng, chuyện gì khó nói, thầm kín các em cũng tâm sự. Khi bị các bạn dọa nạt, hăm he, nói xấu, cô lập các em đều nhờ thầy giúp đỡ. Nhiều trường hợp HS nhắn tin nhờ thầy tư vấn lúc 1, 2 giờ sáng, các thầy cũng sẵn lòng nghe, chỉ dẫn tận tường và cũng không quên dặn dò các em bỏ qua mọi chuyện, ngủ ngon để sáng còn phải đến trường.

“Có những học sinh trong phút giây nóng giận động tay động chân với bạn học, các giám thị còn chưa hay chuyện thì em đã lên “tự thú”, xin lỗi thầy cô và người bị đánh. Nhờ vậy mà trong những năm qua Trường Nguyễn Du chưa xảy ra vụ BLHĐ đáng tiếc nào” - thầy Huỳnh Tuấn Khải, giám thị nhà trường cho biết.

Kỹ năng sống quan trọng là vậy nhưng nhiều nhà trường hiện nay ít quan tâm hoặc chỉ dạy mang tính hình thức, làm cho có và không xem là một học chính trong nhà trường. Năm 2018, Việt Nam là một trong những quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương được Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) chọn thử nghiệm bộ công vụ “xây dựng các mối quan hệ tôn trọng và bình đẳng”.

Có 15 trường THCS (8 trường thử nghiệm, 7 trường đối chứng) ở 7 tỉnh, thành (TP Hồ Chí Minh, Hòa Bình, Hòa Giang, Cao Bằng, Bắc Cạn, Hà Nội và Đà Nẵng) được chọn thử nghiệm với 1.000 học sinh tiếp cận bộ công cụ. Kết quả sau 2 năm thử nghiệm cho thấy 80% học sinh nữ, 65% nữ tham gia thử nghiệm cho biết việc học bộ công cụ này là “quan trọng” và “rất quan trọng” với các em. Các em trở nên chững chạc, chín chắn hơn, nhờ đó mà BLHĐ cũng được đẩy lùi.

Còn theo Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT), hiện nay Bộ đã quy định trong mỗi trường phổ thông phải thành lập tổ tư vấn tâm lý thực hiện công tác tư vấn, bài bản, chuyên nghiệp. Để mỗi trường có từ 3-5 giáo viên tư vấn theo quy định, Bộ đã và đang đào tạo, bồi dưỡng cho khoảng 70.000 giáo viên tư vấn để đáp ứng cho 14.000 trường phổ thông trong cả nước. Quy định, lộ trình, kế hoạch, mục tiêu đưa kỹ năng sống vào giảng dạy tại các trường phổ thông đều đã có để ngăn chặn, đẩy lùi BLHĐ, vấn đề còn lại là các trường triển khai như thế nào, tổ chức dạy ra sao để đạt hiệu quả tối ưu.

Huyền Nga- Mã Hải
.
.
.