Tự chủ cho các trường đại học - những rào cản cần tháo gỡ

Bài 3: Tự chủ phải đi kèm với cơ chế kiểm tra, giám sát mạnh

Thứ Sáu, 25/05/2018, 08:18
Tự chủ đại học rõ ràng đã trở thành xu thế tất yếu, nói như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam,“tự chủ đại học là đường một chiều, không thể không đi”. Trong quá trình đổi mới tự chủ, các trường sẽ gặp không ít khó khăn, phải giải quyết những vấn đề còn tồn tại theo hướng “vướng” ở đâu, “gỡ” ở đó.

Với quyết tâm đổi mới, đồng bộ cơ chế tự chủ đại học, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (GDĐH) đã đề cập tới những vấn đề căn cốt, cốt lõi của tự chủ đại học, nhằm đảm bảo khung pháp lý tối ưu cho bài toán tự chủ. Đây được xem là giải pháp bao trùm, xuyên suốt, tạo hành lang pháp lý quan trọng để gỡ bỏ những nút thắt của tự chủ đại học.

Để tự chủ không bị lợi dụng

Tiến sĩ (TS) Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD & ĐT) cho hay, Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung 13 điều liên quan đến tự chủ đại học. Đây là một điểm đột phá mạnh mẽ về tư duy, nhận thức, góp phần quan trọng để tự chủ “thực sự là tự chủ”. 

Cụ thể là, về tự chủ trong hoạt động chuyên môn, Dự thảo Luật quy định, các cơ sở GDĐH được tự chủ mở ngành, tự chủ liên kết đào tạo ở trong và ngoài nước; tự chủ trong việc thiết kế mẫu, in phôi, cấp phát văn bằng cho người học; tự chủ đẩy mạnh hợp tác quốc tế và hoạt động khoa học và công nghệ; thúc đẩy khởi nghiệp, gắn với đổi mới sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ của các cơ sở GDĐH.

Tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự trong Dự thảo Luật được tập trung ở nội dung sửa đổi quy định về hội đồng trường, để hội đồng trường có thực quyền trong việc quyết định về tổ chức bộ máy; quyết định nhân sự, tiêu chuẩn hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tiêu chuẩn giảng viên theo quy định của pháp luật. 

Tự chủ tài chính, tài sản thể hiện ở quy định cơ sở GDĐH có quyền chủ động xây dựng và quyết định mức giá dịch vụ đào tạo theo quy định của Chính phủ, đảm bảo tương xứng với chất lượng đào tạo. Cơ sở GDĐH còn được quyết định các dự án đầu tư sử dụng nguồn thu hợp pháp ngoài ngân sách của cơ sở GDĐH; quyết định nội dung và mức chi từ các nguồn thu hợp pháp… 

Theo TS Nguyễn Thị Kim Phụng, “các quy định mới về quyền tự chủ sẽ gắn với trách nhiệm giải trình của cơ sở GDĐH, giúp các trường cạnh tranh lành mạnh để nâng cao chất lượng, hội nhập và phát triển”.

Tuy nhiên, khi quyền tự chủ đã được trao gần như tuyệt đối cho các trường đại học, thì vai trò quản lý của Nhà nước sẽ thể hiện như thế nào? Theo dự báo của nhiều chuyên gia giáo dục, tự chủ nếu không đi kèm với cơ chế giám sát đủ mạnh thì sẽ dễ rơi vào tình trạng cửa quyền, gây ra nhiều bất lợi. Một chuyên gia giáo dục phân tích, chính sách tự chủ dễ bị lợi dụng “để chỉ hưởng quyền” mà không thực hiện nghĩa vụ sẽ gây thiệt hại cho người học và xã hội.

Cụ thể, khi cho các trường tự chủ cụ thể mở ngành đào tạo, tự chủ trong lĩnh vực khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế, tài chính, tài sản thì có thể tăng nguồn thu ngân sách từ thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản thu dịch vụ theo nhu cầu xã hội, nhưng lại có nguy cơ thất thoát tài sản nhà nước nếu không có cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát hiệu quả việc quản lý và sử dụng tài sản của các trường công lập. 

Các cơ sở GDĐH khi được tự chủ có cơ hội tăng nguồn thu từ học phí và các nguồn thu hợp pháp khác, nhưng người học phải đóng học phí cao hơn, liệu có được hưởng chất lượng đào tạo tương xứng? Học phí tăng, những sinh viên không đủ điều kiện theo học các trường theo mong muốn, có nguy cơ phải bỏ học. 

Thêm nữa, việc tự quyết định mức phí có thể dẫn đến nguy cơ mất khả năng kiểm soát và tạo sự cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các cơ sở đào tạo, mặc dù Luật Giá cũng đã khống chế khung giá đối với dịch vụ giáo dục đào tạo. Thêm nữa, khi các trường được tự chủ liên kết đào tạo với nước ngoài, nếu buông lỏng khâu quản lý, thanh tra, kiểm tra, có thể dẫn đến những bất cập về chất lượng chương trình liên kết đào tạo, công nhận bằng cấp, gây lãng phí, thậm chí thiệt hại về tài sản, tiền bạc, thời gian. Đó là những nguy cơ hiện hữu khi các trường đại học được trao quyền tự chủ.

Tự chủ đại học phải mang lại nhiều quyền lợi thiết thực cho sinh viên.

Cần một nghị định về tự chủ  đại học

Về vấn đề này, theo PGS. TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội, việc tăng quyền tự chủ cho các trường thực chất là nhằm mục đích tối ưu hóa hệ thống quản trị đại học trên nguyên tắc việc gì ở cấp nào làm tốt nhất, hiệu quả nhất thì giao quyền và trách nhiệm quyết định cho cấp đó. 

Khi trao quyền tự chủ cho các trường, vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước, của Bộ chủ quản không vì thế mà giảm nhẹ, mà sẽ tập trung hơn vào những nhiệm vụ vĩ mô, tăng cường hiệu lực và hiệu quả quản lý Nhà nước, ví dụ thông qua xây dựng và giám sát thực hiện chiến lược, chính sách, quy hoạch, quy chuẩn và quy chế chung cho toàn hệ thống GDĐH; phân bổ và giám sát việc sử dụng nguồn lực của Nhà nước theo chiến lược, chính sách và quy hoạch.

PGS.TS Lê Hữu Lập, nguyên Phó Giám đốc Học viện Bưu chính Viễn thông cho hay, phải hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm thi hành Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung ngay sau khi được Quốc hội thông qua, trong đó cần có một Nghị định riêng của Chính phủ về tự chủ đại học. 

Các văn bản dưới luật chưa phù hợp với điều kiện tự chủ mới cần điều chỉnh nhằm đảm bảo sự thống nhất trong chính sách. Ví dụ, cho phép các trường tự chủ áp dụng Luật Lao động thay thế Luật Viên chức, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực cũng như phát triển và sử dụng đội ngũ chuyên gia, đặc biệt các chuyên gia nước ngoài. 

Sau khi có hành lang pháp lý thông thoáng cho tự chủ đại học, các cơ quan quản lý nhà nước, ở đây chủ yếu là Bộ GD&ĐT tập trung vào công tác thanh tra, giám sát để kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực thi tự chủ của các cơ sở giáo dục; giám sát về việc nâng cao chất lượng đào tạo của các trường. 

PGS.TS Lê Hữu Lập phân tích, hiện suất đầu tư cho GDĐH của ta rất thấp so với các nước trong khu vực. Mức trần học phí cho phép các trường tự chủ tài chính không đảm bảo nâng cao đáng kể chất lượng đào tạo (trong đó tái đầu tư cơ sở vật chất, thu hút nhân tài… có thể nói là còn thấp). 

Do vậy, Chính phủ cần có cơ chế tăng suất đầu tư cho GDĐH, trên cơ sở đẩy mạnh xã hội hóa. Bên cạnh đó, cần có chính sách đặc thù với các đối tượng chính sách, cũng như các ngành đào tạo được Nhà nước tập trung ưu tiên.

Còn các trường đại học sẽ đổi mới như thế nào để thích ứng với cơ chế tự chủ mới? Về vấn đề này, PGS.TS Hoàng Minh Sơn cho hay, trước hết là các trường phải nhận thức được đầy đủ và đúng đắn bản chất của tự chủ đại học và có đủ năng lực để thực hiện cơ chế tự chủ. Tiếp theo, quyền tự chủ phải luôn đi đôi với trách nhiệm: trách nhiệm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, trách nhiệm thực hiện đúng quy định của pháp luật, trách nhiệm giải trình trước Nhà nước, người học và xã hội về những cam kết… 

Ở đây còn đòi hỏi các cơ chế giám sát chính bao gồm: công khai, minh bạch (đối với các bên có lợi ích liên quan), phân chia quyền lực và kiểm soát nội bộ (giữa hội đồng trường, ban giám hiệu, cán bộ viên chức,…), kiểm định chất lượng, kiểm toán độc lập, thanh tra và giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước… 

Để thực hiện thắng lợi tự chủ, theo PGS.TS Hoàng Minh Sơn, “có nhiều việc phải làm, tuy nhiên từ nhận thức đúng đắn về tự chủ, các trường phải đổi mới mô hình quản trị và nâng cao năng lực quản trị đại học trong bối cảnh mới. Mỗi trường sẽ phải xây dựng chiến lược, tầm nhìn dài hạn, đồng thời hoạch định các nhiệm vụ, giải pháp ngắn hạn phù hợp với sứ mạng và đặc điểm của mình. Tôi tin rằng, hầu hết các trường đều đón nhận tích cực và sẵn sàng với “tự chủ” trong Luật sửa đổi sắp tới”.

Thu Phương
.
.
.