Euro 2016: Vì sao xuất hiện bàn thắng muộn?

Thứ Sáu, 24/06/2016, 08:28
EURO 2016 đang bùng nổ những bàn thắng muộn. Thậm chí, việc ghi bàn ở phút bù giờ còn dễ hơn nhiệm vụ xuyên thủng mảnh lưới đội bạn trong những phút đầu tiên.

Dưới đây số lần các phút xuất hiện trên bảng tỷ số ở EURO 2016: 5, 7, 10, 10, 11, 18, 18, 19, 19, 20, 30, 31, 32, 32, 34, 37, 37, 40, 41, 42, 42, 43, 45, 45, 47, 48, 48, 48, 49, 50, 50, 51, 54, 55, 56, 57, 57, 59, 60, 61, 61, 62, 62, 65, 65, 67, 70, 71, 73, 76, 80, 81, 84, 85, 87, 87, 87, 88, 88, 89, 89, 90, 92, 92, 92, 93, 94, 96, 96.

Dễ thấy, khoảng bàn thắng trong 15 phút cuối trận tăng đột biến, chiếm 29% tổng số bàn. Tình trạng ấy thậm chí đã trở thành xu hướng phổ quát tại kỳ EURO năm nay, khi số lần lưới rung trong khoảng thời gian bù giờ (7) còn nhiều hơn cả số bàn trong 10 phút đầu tiên (4).
Ivan Perisic của ĐT Croatia tỏa sáng rực rỡ trên đất Pháp.

Không phải ngẫu nhiên mà lượng bàn thắng cuối trận tăng đột biến đến vậy. Đây là giải đấu mà các tinh chỉnh nhân sự của giới chiến lược thường phát huy tác dụng. Mà đã thay người thì chủ yếu là thay sau phút 70, tức là nếu có diễn biến bất ngờ thì cũng sẽ là những diễn biến muộn màng.

Bastian Schweinsteiger, Daniel Sturridge, McGinn, Hal Robson-Kanu, Tomas Necid, Arnor Ingvi Traustason đều ghi bàn ở phút bù giờ sau khi được tung vào sân. Wes Hoolahan – nhân tố vào thay người ở 20 phút cuối của CH Ireland tạt bóng tuyệt đẹp cho Brady đánh đầu ghi bàn.

Nhưng điều đáng nói là những cầu thủ vào sân từ ghế dự bị không chỉ biết lên tiếng một cách trực tiếp. Họ còn là những người tạo ra những thay đổi lớn lao về cách vận hành đội bóng, và vì thế bàn thắng muộn chỉ là hệ quả tất yếu của lối chơi khoa học thôi.

Trận khai màn, Payet xuất phát bên hành lang trái. Pháp bế tắc, và Kinsley Coman vào sân. Payet vì thế được chuyển ra khung trung tâm, và tự dưng lối chơi của Les Bleus thoáng hơn hẳn. Eder nổ súng trận gặp Thụy Điển vì Simeone Zaza vào sân, chịu khó khuấy đảo giúp tiền đạo gốc Brazil rảnh chân hơn, thay vì phải làm nhiệm vụ chim mồi cho Pelle.

Ronaldo ăn mừng sau khi ghi bàn với lưới đội tuyển Hungary.

Vả lại, các cầu thủ “muốn” cố cũng chẳng được. Nếu như thống kê ở 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu về quãng đường di chuyển trung bình của một cầu thủ/45 phút là 5,74km thì tại EURO 2016, con số ấy là 4,5km.

Một mùa giải mệt mỏi cấp CLB kéo theo thể trạng và tâm lý không sung mãn của giới cầu thủ. Vì thể lực suy giảm mà ai ai đều bước vào sân với tâm lý e dè, không muốn dâng cao tránh thủng lưới trước. Do đó, hiệp 1, đặc biệt là khoảng 10 phút đầu rất hiếm muộn bàn thắng.

Chỉ tới hiệp 2, khi buộc phải ghi bàn nếu muốn giành chiến thắng, các đội mới tập trung toàn lực vào khoảng thời gian cuối trận với chung suy nghĩ: Đội bạn chắc mệt rồi, dễ mất tập trung lắm.

Những ngón đòn hay kỹ nghệ tinh xảo nhất đều được họ giới thiệu từ sau phút 75, cộng hưởng với những nhân tố thay người còn khỏe nên EURO 2016 ngập tràn bàn thắng muộn.

Khải Huyền
.
.
.