Từ đội tuyển Ý đến... Tư Mã Ý

Thứ Ba, 14/06/2016, 19:09
Ý... Là tuyển Ý - một tuyển Ý phòng ngự cũng được. Mà là Tư Mã Ý - một “thiên hạ đệ nhất phòng ngự” (đối lập với “thiên hạ đệ nhất tấn công” Khổng Minh trong thời Tam Quốc cũng được).


1. Chỉ biết rằng, nếu tách từng con người, từng vị trí rồi đặt lên trên cái nhiệt kế phong độ thì cầu thủ Bỉ "ăn đứt" cầu thủ Ý. Họ giỏi hơn về kỹ năng (đặt trong sự so sánh ở từng vị trí), oách hơn ở tên tuổi, và đơn giản là bây giờ họ có cả một chùm người mà chúng ta thuộc tên vanh vách - điều xa xỉ với người Ý.

2. Thế nhưng khi ghép cái chùm người ấy vào một hệ thống thì Bỉ lại bất lực trước Ý. Một Ý phòng ngự chủ động, già dơ về tư duy chơi bóng, và quan trọng hơn, còn cả điều này nữa: một Ý bị tổn thương khi lần đầu tiên trong lịch sử bị đặt ở thế kèo dưới trước một tập hợp những anh chàng "tuổi trẻ tài cao" (hiểu chữ "tuổi" trong sự đối chiếu với lịch sử hai nền bóng đá).

Từ Ý... đến Ý. Ảnh minh họa.

Điều này một lần nữa cho thấy cái bản chất muôn đời của bóng đá: bóng đá cần ngôi sao để làm sàn đấu lung linh và hồn người ngây ngất, nhưng bản chất của nó vẫn là một vận động tập thể với khả năng làm đấu pháp, cầm nhịp thế trận và thay đổi binh tình cực kỳ quan trọng của các HLV.

Nó cũng giống như việc, Khổng Minh xưa từng bảo đánh giặc không cần quân đông, nhưng phải có quân “tinh”, và đặc biệt, phải hiểu thiên văn địa thế để dụng quân cho phải đạo.

Nó cũng giống như việc, Tư Mã Ý xưa biết xua quân ra đánh Khổng Minh là chết, nên cứ thế tử thủ. Nhất nhất tử thủ bất chấp Nguỵ Diên chửi rủa, xỉ nhục mình, và các tướng lĩnh của mình sục sôi căm phẫn.

Và chúng ta đều biết, người lấy thiên hạ sau này là cháu của Tư Mã Ý.

3. Trở lại với Ý, một Ý bên trời Pháp, chứ không phải một Ý trong sách Tàu, ta thấy: Euro 4 năm trước, Ý cũng phải gặp đội bóng số một thế giới Tây Ban Nha trong ngày ra quân, và cũng bị đánh giá là “kèo dưới”. Thế nhưng HLV Cesare Prandelli với cái đầu pháp 3-5-2 cổ lỗ sĩ (nhưng lại phù hợp với con người mình có) đã làm nên một trận đấu đẹp, giúp Ý xuất sắc cầm hoà 1-1.

Một đội tuyển Ý phòng ngự chủ động, già dơ về tư duy chơi bóng nhưng chiến thắng 2-0 trước đội tuyển Bỉ trong trận đầu ra quân.

Chỉ có điều, khi gặp lại chính Tây Ban Nha ở chung kết, thì Ý với cái ý đồ đánh phủ đầu, gây bất ngờ cho đối thủ đã thua nặng nề 0-4. Với câu chuyện ấy, người Ý hiểu rằng, một chiến thắng trong ngày ra quân giống như một liều "doping tinh thần" tốt, nhưng phía trước vẫn là đường xa vạn dặm.

Nó cũng giống như việc đứa con nhà Tư Mã thống nhất tam quốc, lập nên nhà Tây Tấn, nhưng triều đại ấy rốt cuộc chỉ giống như một cơn gió trong dặm dài lịch sử Trung Hoa. Mà là gió nhẹ, gió không bền.

4. Xem Ý, nhớ Ý nhưng quyết không mù loà với Ý là vì vậy.

Phan Đăng
.
.
.