Sẽ không ai nhớ tới đội tuyển Italy này

Chủ Nhật, 03/07/2016, 19:01
Một chiến thuật gia tài giỏi sẽ không thể đưa một đội tuyển đến với thành công, dù ông có thao lược hay đến mấy. Những giọt nước mắt của trung vệ Andrea Barzagli là một lời nhắc nhở với người Italy nói riêng và tất cả nói chung rằng, bóng đá luôn cần một sự cân bằng.


Đưa trận đấu đến loạt luân lưu cân não một cách thuyết phục, có thể khẳng định rằng Đức và Italy đã chơi một trận cầu hoàn toàn cân bằng và ngang sức, ngang tài. Chiến dịch Euro 2016 của Italy đã kết thúc một cách đáng tôn trọng. Họ đã cầm hòa đương kim vô địch thế giới (Đức), hạ gục đương kim vô địch châu Âu (Tây Ban Nha), dạy cho một nền bóng đá mới nổi (Bỉ) một bài học về chiến thuật.

Thế nhưng, đó vẫn là chưa đủ. Trả lời phỏng vấn sau khi mọi thứ khép lại, trung vệ Andrea Barzagli chia sẻ: “Một nỗi buồn rất lớn vì chúng tôi đã cống hiến tất cả, nhưng thật không may là những gì đọng lại chỉ là thất bại. Những gì chúng tôi đã làm được... sẽ không còn gì cả”. Nói tới đây, anh khóc. “Thật buồn khi hiểu rằng chỉ vài năm nữa thôi, sẽ chẳng ai nhớ tới đội tuyển này, dù chúng tôi đã cống hiến tất cả”.

Liệu có thật là sẽ không ai nhớ tới đội tuyển Italy này?

Có thể, lời của Barzagli là chính xác. Đến những đội á quân đôi khi còn rơi vào lãng quên. Cộng hòa Czech của Euro 1996, Đức của World Cup 2002, Đức của Euro 2008 giờ chỉ còn là những cái tên mờ nhạt. Lịch sử bóng đá thế giới có lẽ chỉ ghi nhận Hà Lan của thập niên 1970 như một trong những đội bóng xuất sắc nhất mọi thời đại mà không vô địch ở một giải đấu lớn nào, nhưng chủ yếu bởi họ đã để lại ấn tượng về một lối chơi lần đầu được trình diễn, trở thành cảm hứng của tất cả các đội bóng tương lai.

Barzagli khẳng định đội tuyển Italy này sẽ bị quên lãng.

Chính Italy của thế hệ này cũng không có đủ bề nổi thương hiệu để được nhớ tới. Họ chỉ là á quân Euro 2000, nhưng thường được nhớ tới nhờ một thế hệ toàn dày đặc những danh thủ như Paolo Maldini, Fabio Cannavaro, Filippo Inzaghi, Alessandro Del Piero, Francesco Totti... Họ chỉ là á quân Euro 2012, nhưng đó là giải đấu đầu tiên (và có thể là duy nhất) mà Mario Balotelli tỏa sáng, cũng là giải cuối cùng mà Andrea Pirlo tỏa sáng.

Nghĩa là vẫn có một lý do nào đó rất lãng mạn để đại chúng nhớ tới. Còn năm nay, ai sẽ nhớ tới Marco Parolo của Lazio? Ai sẽ nhớ tới Eder của Inter? Ai sẽ nhớ tới Emanuele Giaccherini của Sunderland? Ai sẽ nhớ tới Andrea Barzagli? Có lẽ, chỉ những người Italy khắc cốt ghi tâm sự cống hiến của họ.

Antonio Conte là ngôi sao sáng nhất của Italy ở giải đấu này. Rõ ràng, khả năng huấn luyện và tổ chức chiến thuật của ông là tác nhân chính đi đến những trận đấu đáng nhớ trên chặng đường của Azzurri. Nhưng bóng đá không chỉ là cuộc chơi của chiến thuật, bởi khi hai đội hòa nhau tới phút chót thì vẫn còn loạt luân lưu. Bóng đá vẫn cần những tài năng, cầu những cầu thủ chất lượng thực thụ để mang tới chiến thắng.

Sau cùng, những Graziano Pelle, Eder dù đều đã làm tất cả những gì họ có thể, nhưng đều chỉ là cầu thủ tầm trung. Đây là một hồi chuông cảnh tỉnh với người Italy. Họ vẫn luôn được biết tới như nền bóng đá của những chiến thuật gia hảo hạng, nhưng đến một lúc nào đó, khi yếu tố con người không còn đạt tiêu chuẩn nhất định, họ sẽ không thể đi tới thành công.

Và hãy nhìn lại những thế hệ Italy được ghi nhớ. Đó luôn là những thế hệ tràn ngập nhân tài.

Italy và sự tôn trọng của đối thủ

“Trước những thử thách lớn, chúng tôi đã thể hiện rằng đây là một tập thể cứng rắn, được mọi đối thủ tôn trọng” – Antonio Conte chia sẻ sau khi chính thức cùng ĐT Italy rời giải. Và ở điểm này, ông hoàn toàn chính xác.

Vì đó là Italy. Italy đi kèm với chiến thuật thượng thừa, với bản lĩnh, với sự tôn trọng của mọi đối thủ. Nói một cách chính xác thì đã ba giải đấu lớn gần nhất, Italy luôn đón nhận sự nghi ngờ về lực lượng. Euro 2012, người ta nói rằng Mario Balotelli và Antonio Cassano chỉ là những siêu quậy ngoài sân cỏ, sẽ không thể hiện được bản lĩnh nghiêm túc. World Cup 2014, người ta nói rằng Andrea Pirlo và một số cầu thủ đã quá già cỗi cho “Bảng tử thần” với Anh, Uruguay, Costa Rica. Euro 2016, người ta nói rằng Italy chẳng có lấy một ngôi sao, trừ bộ tứ Juventus ở hàng phòng ngự.

Nhưng rồi Italy vẫn luôn biết cách để khiến tất cả phải nể phục. Euro 2012, họ đi tới chung kết, chỉ thua “Thế hệ vàng” của Tây Ban Nha. World Cup 2014, dù không qua được vòng bảng khi thua “Thế hệ vàng” của Uruguay, nhưng họ cũng đã dạy cho Anh một bài học. Euro 2016, họ đã đánh bại Tây Ban Nha, nhắc lại cho Bỉ bài học họ từng dạy Anh 2 năm trước, và cầm hòa Đức.

Rõ ràng bóng đá Italy vẫn thể hiện được truyền thống lâu đời mà thành quả của họ chính là sự tôn trọng của đối thủ. Nó khác hẳn cách Xứ Wales hay Iceland thẳng thắn phát biểu rằng họ biết họ có thể đánh bại Anh.

Sự tôn trọng ấy rõ ràng không tự nhiên mà đến.

D.L.

Dũng Lê
.
.
.