Mong cái khó sẽ ló cái khôn

Thứ Sáu, 01/07/2016, 07:37
HLV Marc Wilmots là một người không rành chiến thuật cho lắm. Antonio Conte từng mỉa mai người đồng nghiệp “Ông ta trông giống lắp lego hơn là sắp đội hình”. 

Nếu Conte là nhà chiến thuật đại tài, Del Bosque là người quản lý nhân sự siêu việt thì Wilmots là anh công nhân lắp ráp từng bộ phận khác nhau của chiếc ô tô.

Không quá khó để nhận ra năng lực chuyên môn hạn chế của Wilmots, khi ông chọn Vital Borkelmens - người thời thi đấu thường xuyên dâng cao, làm phá vỡ kết cấu phòng ngự của ĐT Bỉ - vào vị trí trợ lý.

Ngay từ trận mở màn EURO 2016, việc bố trí Fellaini ra sân từ đầu đã cho thấy sự “ngây thơ” trên mặt trận sa bàn của Wilmots. Không phải cứ to, cứ cao, cứ đánh đầu tốt là có thể làm chủ khu trung tuyến.

Nhịp chạm bóng đầu tiên của Fellaini rất tệ. Tệ thế nào? Trong 37 lần nhận bóng ở vòng tròn giữa sân, 22 lần Fellainibị cướp bóng ngay sau đó.

Bỉ là đội thích tấn công và ưa giữ bóng, bởi thế mà khi tuyến giữa không thể kiểm soát nhịp độ trận đấu, hàng công chơi như gà mắc tóc. Hôm ấy, dù Bỉ cầm bóng nhiều nhưng những ý tưởng nhằm vào cầu môn Buffon lại vô cùng… nhạt nhẽo.

Khả năng phối hợp giữa ba tiền vệ trung tâm của Bỉ không được cải thiện trong những trận tiếp theo. Rất rõ ràng, khi Wilmots phải xoay tua hàng tiền vệ 3 người (Nainggolan mất suất đá chính từ lượt trận thứ hai vào tay Dembele, chỉ trở lại nhờ tiền vệ của Tottenham; trong khi De Bruyne từ cánh được chuyển vào khu trung tâm).

Đến một đội bóng chơi “cục mịch cậy sức” như CH Ireland cũng có thể áp đặt thế trận. Nhưng kỳ thực, đấy lại là lúc Bỉ phát huy những phẩm chất tốt nhất của mình.

Vì kỹ năng phối hợp nhóm của hàng tiền vệ không tốt mà Bỉ đành chơi phản công. Hóa ra, Bỉ chỉ đá hay khi ở thế… cửa dưới. Hazard khi không bị kèm cặp thảnh thơi thực hiện những cú bứt tốc quen thuộc, Lukaku dễ dàng đặt lòng, De Bruyne thỏa sức thả trí tưởng tượng bay xa.

Cho tới trận gặp Hungary, Bỉ cũng tiếp cận trận đấu với tư tưởng ấy. Sớm vươn lên dẫn trước, “Quỷ đỏ” chơi cầm chừng. Trong hiệp 1, họ cũng chỉ cầm bóng 51%, tức là không vượt trội là bao so với Hungary.

Song chỉ cần Hungary dâng cao, mắc lỗi và trả giá bằng tấm thẻ đỏ, Bỉ cho thấy họ đáng sợ thế nào ở trò “phản phản công”. Hôm qua, tờ Bild bình luận “Bỉ là đội chơi gegenpressing tốt nhất EURO 2016”.

Tóm lại, bản sắc của Bỉ là gì, vẫn là câu hỏi chưa lời đáp. Nhưng có một cảm giác thân thuộc Bỉ sẽ chỉ chơi hay nếu đi ngược bản ngã, hay nói đúng hơn, là đi ngược lại những toan tính của Wilmots.

Trước EURO 2016, Wilmots tính xếp Alderweireld và Vertonghen  - cặp trung vệ của Tottenham đá dạt biên vì ở trung lộ là cặp Kompany và Vermaelen. Tuy nhiên, vì Kompany chấn thương mà Alderweireld thuyên chuyển về trung tâm hàng thủ - một quyết định sáng suốt nhất của Wilmots, dù quyết định ấy chỉ là vô tình mà thôi.

Trong trận gặp xứ Wales, thử thách cực đại của Bỉ là làm thế nào chặn đứng Gareth Bale. Tốc độ kinh hoàng của tiền vệ này được dự báo là quá sức chịu đựng của Vertonghen.

Song, Vermaelen sẽ vắng mặt vì thẻ phạt, bởi vậy Vertonghen, một cách “bất đắc dĩ”, phải lui về đá cặp cùng Alderweireld. Bình thường, còn lâu Wilmots mới chịu sử dụng bộ đôi trung vệ của Tottenham ở đúng vị trí nguyên bản, nhưng khi không còn lựa chọn, ông đã phải tính tới phương án dùng Jordan Lukaku, em trai của Romelu Lukaku bên hành lang trái.

Những tưởng Bỉ sẽ có trận đầu tiên ra sân với cặp trung vệ tốt nhất thì phút chót, Vertonghen dính chấn thương nặng, nghỉ thi đấu 4 tháng. Đêm nay, chắc chắn Bỉ phải ra sân với hàng thủ “chắp vá” nhất từ đầu giải.

Khó khăn là điều được dự báo trước, nhưng hãy nhớ rằng, với Bỉ, “tốt nhất” chưa bao giờ… “tốt nhất”. Cứ phải dị biệt, ngược kèo, chệch quỹ đạo, Bỉ mới tạo ra khác biệt.

Thôi thì cùng chờ xem diễn biến ở Lille. 

Khải Huyền
.
.
.