Khi bê tông đã hóa thần thánh

Thứ Ba, 28/06/2016, 08:13
Người Italia khác biệt ở chỗ luôn nhìn nhận đúng về bản thân mình. Điều này tưởng chừng đơn giản nhưng ngay đến ĐKVĐ EURO như Tây Ban Nha cũng không làm được.

Sau trận chung kết EURO 2012, Gianluigi Buffon lặng người nhìn phòng thay đồ của Italia. Không ai nói với nhau câu nào, chỉ có sự im lặng cắt sâu vào tâm khảm mỗi người. Không đau sao được khi họ vừa thua trắng tới 4 bàn, trong một trận chung kết.

Chỉ một mình Mario Balotelli nổi nóng. Chàng tiền đạo phá tan bầu không khí bằng những lời miệt thị ném vào hàng thủ. Chẳng ai trách Balotelli. Với tính khí thất thường, chân sút gốc Ghana không nổi điên mới là lạ, đằng này anh còn… nói đúng nữa.

Buffon chứng kiến tất cả và lao ra can ngăn người đồng đội trẻ tuổi. Dùng hết sức bình sinh, thủ môn của Juventus cố tách Balotelli ra khỏi những cái đầu nóng. Nhưng trong thâm tâm, những câu nói mà Mario thốt ra hằn sẹo lên trí nhớ Buffon:

“Mấy người nhìn lại mình đi. Italia cái nỗi gì, đám ô hợp thì có. Chúng ta vừa thua đội từng dẫn trước tại vòng bảng đấy. Đá như vậy mà gọi là phòng ngự hả, về quê hết cả lũ đi. Các người quên hết mình là ai rồi”.

“Chúng ta là ai?”, câu hỏi này đến người đội trưởng của tuyển Italia như Buffon cũng không rõ. Từ bỏ phòng ngự chắc chắn, từ bỏ 3-5-2 kinh điển, Italia đã chơi đôi công với Tây Ban Nha. Nghĩ lại đến hàng trăm lần, Buffon vẫn không hiểu nổi sao mình không can ngăn Cesare Prandelli khi ông ta quyết làm điều điên rồ đó.

Và viên gạch của lịch sử đó vẫn tồn tại đến tận EURO 2016. Buffon, ở tuổi 38, khắc cốt ghi tâm điều cần làm trước mỗi trận đấu: Nhắc nhở đồng đội xem mình là ai. Không một phút xao nhãng, không một giây buông bỏ, chỉ có màu Thiên thanh bất diệt đến hồi còi kết thúc.

Trước lần tái đấu Tây Ban Nha tại vòng 1/8, những ký ức 4 năm trước lại gợi về. Nhưng không còn cảm giác cắn rứt, thay vào đó là sự quyết tâm rừng rực trong huyết quản Buffon. Anh dẫn đầu đoàn người, kéo đồng đội ra sân, hát quốc ca to nhất và không bao giờ quên hét vào mặt họ: “Chúng ta là Italia”.

Trước một Tây Ban Nha hùng mạnh, Italia phiên bản thần thánh nhất đã tái hiện. Những chàng trai Địa Trung Hải chơi như thể đã đi guốc trong bụng đối phương dù bị đánh giá thấp hơn. Thấp hơn, không sao cả! Italia chẳng bao giờ là kẻ mạnh trước cuộc đấu, họ chỉ luôn là người chiến thắng sau 90 phút thôi.

Chơi thong dong và bài bản, Italia gián tiếp điều khiển trận đấu theo ý mình dù Tây Ban Nha cầm bóng tới 70%. Phân bổ khoảng cách hợp lý, có cảm giác chỉ cần co vào nhau, những mắt xích áo xanh bật tung quả bóng ra khỏi chân những nghệ sĩ bên kia chiến tuyến.

Lạt mềm buộc chặt, từng bước từng bước một, Italia dồn Tây Ban Nha vào thế bế tắc đến cùng cực. Tiqui-taca đình đám một thời giờ luống cuống đến mức phải chuyền dài, tạt bóng đánh đầu, thậm chí là phạm lỗi. Số thẻ của thầy trò Del Bosque là 3, cân bằng với đội chơi tử thủ như Italia.

Khéo léo kéo đối phương vào cái bẫy đã giăng, Italia lạnh lùng đâm 2 nhát kiếm chí mạng vào người kẻ mang danh ĐKVĐ. Thật vậy, khi Italia biết rõ mình là ai, Thiên thanh thật đáng sợ.

Khải Huyền
.
.
.