Hai mặt của một trung vệ

Chủ Nhật, 03/07/2016, 12:49
Nếu không tính thủ môn, các trung vệ là những người chịu nhiều áp lực trên sân nhất.

Vì nếu tiền đạo không ghi bàn, đã có tiền vệ lo. Nếu tiền vệ làm mất bóng, phía dưới còn trung vệ bọc lót. Nhưng nếu trung vệ mắc sai lầm, sau lưng anh chỉ còn là người gác đền với khung thành rộng mở.

Trong cuốn giáo trình Soccer Coaching, các tác giả đã dùng từ “Stopper”, nghĩa là “chốt chặn” để nói về tính chất của vị trí đặc thù này. Các trung vệ phải chơi bóng trong những điều kiện khó khăn nhất nhưng nhiệm vụ luôn là nặng nề nhất.

Họ chơi bóng mà không có bóng, chỉ chăm chăm đuổi theo bên cầm bóng và thực hiện những động tác truy cản trong thế chạy giật lùi để làm sao, vừa phá bóng chính xác, vừa đảm bảo luật chơi.

HLV Van Gaal từng nói trung vệ là những người chơi bóng thụ động. Họ bị mặc định là “không được phép” mắc sai lầm, song chỉ cần một sai sót nhỏ, người làm công việc khó nhất trên dây chuyền sản xuất sẽ bị đem ra “trảm”.

Ai đói đã nói thủ môn là 50% sức mạnh đội bóng, là gương mặt dễ bị đem ra đấu tố nhất trong một trận bóng. Nhưng ở một khía cạnh nào đó, nhất là dưới lăng kính chuyên môn, trung vệ mới là những người “khổ tâm” nhất. Bởi họ đâu có phút nào thảnh thơi, nhàn rỗi như giới so găng.

Luôn phải tập trung, luôn trong tình trạng sẵn sàng đón nhận một đợt lên bóng nào đó từ đối thủ.

Theo dòng chảy chiến thuật thời đại, đòi hỏi cho vị trí trung vệ càng tăng cao. Các trung vệ giờ không chỉ có nhiệm vụ phòng ngự thuần túy, mà còn phải tham gia vào công đoạn sản xuất bản thắng.

Đấy không phải một tình huống dâng cao đánh đầu trong những chấm đá phạt. Trung vệ giờ còn là nguồn cung cấp bóng quan trọng cho tuyến trên, với những cú chuyền dài hệt như một nhà kiến tạo thực thụ.

Trở thành một trung vệ như thế đòi hỏi cả quá trình khổ luyện và chắt lọc của cả nền bóng đá. Thế nên, NHM vẫn thường bông đùa rằng, trung vệ giỏi giờ hiếm như lá mùa thu.

Đội nào sở hữu một chốt chắn uy tín là tự tin lắm, vì đấy là của hiếm mà! Đức và Italia, vì thế, có thể tự hào rằng họ sở hữu hai trung vệ toàn diện bậc nhất thế giới: Jerome Boateng và Leonardo Bonucci.

Nhưng ngay cả thế thì những định kiến xưa cũ về một trung vệ vẫn không thay đổi. Sau một hồi tranh luận, người ta lại đưa câu chuyện về vạch xuất phát: Việc của trung vệ là ngăn cản đợt tấn công của kẻ địch. Làm không tốt phần này, miễn bàn tới góc nhìn khác.

Dù vậy, trung vệ luôn là người đen đủi nhất như đã nói. Bạn có chắc rằng mình không bao giờ phạm phải sai lầm nào trong đời không? Hẳn là không rồi, vì đó là quy luật bình sinh tự nhiên. Ai cũng phải vấp ngã, để từ cú vấp đó đứng lên và làm lại.

Trung vệ cũng vậy thôi. Vậy mà một khoảnh khắc làm người hùng thì chẳng ai nhớ tới, vì thói quen của khán giả là ghi nhớ tên người ghi danh lên bảng tỷ số. Còn mắc sai lầm thì báo đài, NHM, dư luận lập tức nhảy bủa chỉ trích.

Vì thế, sau 59 lần giải thưởng Quả bóng vàng thế giới được tổ chức, chỉ 4 lần vinh quang thuộc về các trung vệ. Người gần nhất chạm tới cái ngưỡng ấy đã cách đây 10 năm, là Fabio Cannavaro.

Đời trung vệ nghiệt ngã là thế. Bonucci sút penalty thành công, thế là thành người hùng. Tất nhiên, Bonucci đúng là người hùng của Italia tại EURO 2016 sau những gì đã thể hiện. Nhưng khen Bonucci bao nhiêu, lại càng thương Boateng bấy nhiêu.

Anh này cũng hay lắm chứ, nhanh khỏe khéo thông minh. Xoạc bóng hay phất dài đều tốt cả. Song, khi cái vòng tròn sai lầm nghiệt ngã kia dừng lại ở trận tứ kết EURO 2016 giữa Italia và Đức, mọi nỗ lực của Boateng bị ngó lơ.

Một tình huống mất tập trung hiếm có, Boateng nhảy lên trong vô thức, dang hai tay và đón lấy trái bóng trong… vòng cấm. Đức tưởng thắng đến nơi, bỗng bước vào cuộc hành xác vì quả phạt đền “trời ơi đất hỡi”.

Tưởng Italia từ đấy quật khởi, thì Bonucci, trên loạt luân lưu định mệnh lại đá ra ngoài, đổi vai cho Boateng.

Đời trung vệ cay đắng là thế. Làm người hùng thì lâu, mà thành tội đồ chỉ trong cái nháy mắt. Người hùng – tội đồ cứ thế luân phiên hoán đổi, chẳng biết đâu mà lần.

Có khổ, chỉ khổ mỗi… trung vệ. 

Khải Huyền
.
.
.