Gieo sầu người quen

Thứ Sáu, 17/06/2016, 09:29
Italia và Thụy Điển sở hữu một mối quan hệ tương đối đặc biệt. Có thời điểm, nó vô cùng căng thẳng, đặc biệt khi Italia đánh bom một chiếc xe cứu thương Thụy Điển ở Abysssinia năm 1935. Nhưng kể từ sau Thế chiến thứ hai tới nay, họ lại tương đối hòa đồng.

Lý do không quá phức tạp: rất nhiều người Italia đã di cư tới Thụy Điển để tìm kiếm cơ hội sau chiến tranh. Kể từ đó tới nay, giữa hai quốc gia này luôn có một mối giao lưu hàng hóa, du lịch quan trọng.

Gương mặt thân quen

Không khó để nhận ra rằng trong đội tuyển Thụy Điển hiện tại có rất nhiều cầu thủ đã từng thi đấu tại Serie A – giải bóng đá cao cấp nhất của Italia. Zlatan Ibrahimovic là gương mặt nổi bật, rồi còn đó những Andreas Granqvist, Albin Ekdal. Trong quá khứ, còn có Gunnar Nordahl, Gunnar Gren, Roland Nilsson, Olof Mellberg...

Dĩ nhiên Ibra vẫn được chú ý nhất, bởi chẳng mấy cầu thủ đã từng khoác áo cả ba “đệ nhất anh hào” Juventus, Inter Milan và AC Milan. Sự thực là cổ động viên của cả ba câu lạc bộ này vẫn luôn dành cho Ibra một sự yêu thương xen lẫn ghét bỏ. Ibra được gọi là “Ngài Scudetto”, một biệt danh đầy sức nặng: cứ đội nào có anh thì đội ấy sẽ vô địch quốc gia.

Nhưng sau cùng, đó chỉ là những mối hòa hữu vui vẻ. Còn ở góc độ chuyên môn, hãy nghe Ekdal thừa nhận: “Italia mạnh hơn chúng tôi dự đoán. Ban đầu chúng tôi nghĩ rằng Bỉ sẽ là đội mạnh nhất bảng, nhưng giờ tôi đã đổi ý. Italia đã có một màn trình diễn rất tuyệt ở Lyon. Họ tỏ ra vô cùng tập trung và kỷ luật, trên hết ở khâu phòng ngự. Tôi hơi lo lắng, khó khăn đang chờ chúng tôi”.

Cristiano Ronaldo khát khao bàn thắng, bất kể đối thủ là ai. Ảnh: minh họa.

Người Ý không chủ quan

Hạ gục Bỉ với tỉ số 2-0, Italia lập tức phục hồi toàn bộ sự tôn trọng mà người ta dành cho họ. Nhưng có một câu chuyện đáng chú ý: họ không có thời gian để ăn mừng hay nghỉ ngơi. Sau khi đánh bại Bỉ vào tối thứ hai, Italia đã lập tức tập trung vào sáng thứ ba để tiếp tục chuẩn bị cho trận đấu tiếp theo.

“Đạo diễn” không ai khác ngoài Antonio Conte. Phản ứng mạnh mẽ nhất của ông trong trận gặp Bỉ không phải ăn mừng, mà là gào lên phẫn nộ: “Tao sẽ giết chúng mày, tao sẽ giết chúng mày!” khi các hậu vệ của ông sơ hở, mang đến cơ hội rõ ràng duy nhất cho đối thủ.

Nhìn vào bầu không khí tại trại tập trung của Italia, có thể thấy rõ rằng huấn luyện viên Conte đang không cho phép bất kỳ sự mất tập trung nào được thể hiện. Nhưng như Gianluigi Buffon khẳng định ngắn gọn với báo giới, các cầu thủ Italia vẫn đang “tự tin”.

Vào 20h tối này 17-6, trên sân Municipal, Italia và Thụy Điển sẽ gặp nhau. Gặp Thụy Điển là một cơ hội khác để Italy thể hiện bản thân. Tuy không sở hữu nhiều tài năng như Bỉ, nhưng Thụy Điển vẫn có xu hướng muốn chơi tấn công nhiều hơn là phòng ngự. Đó sẽ là điều kiện hoàn hảo để Italia tiếp tục thi triển phong cách phòng ngự phản công mà họ là những bậc thầy.

Graziano Pelle đã gặp một vết đau nhẹ trong trận thắng Bỉ, nhưng dường như anh đã kịp phục hồi và sẵn sàng ra sân đá chính. Tuy nhiên, một lượng không nhỏ cầu thủ rất có thể sẽ được thay thế. Conte đang có trong tay một băng ghế dự bị giàu chiều sâu. Mattia De Sciglio, Lorenzo Insigne và Ciro Immobile đang được báo chí Italia đồn sẽ được đá chính từ đầu.

Dự đoán: Italia 2-0 Thụy Điển

Cái lý của Ronaldo

Trước khi vòng chung kết Euro 2016 bắt đầu, hãng đồ thể thao Nike tung ra một đoạn băng quảng cáo mới. Ở đó, Cristiano Ronaldo là trung tâm của tất cả. Những cái tên như Harry Kane, Anthony Martial, Joe Hart, Javier Mascherano đều chỉ làm “phông nền” cho Ronaldo.

Đoạn quảng cáo này có tên là “Đổi chỗ”. Ở đó, Ronaldo và một chàng trai trẻ đã hoán đổi thân xác cho nhau. Chàng trai kia được sống trong thế giới của Ronaldo: một căn hộ như khách sạn 6 sao, một chiếc xe với nội thất như phi thuyền không gian, một cô bồ siêu mẫu. Và rồi, chàng trai ấy phát hiện ra rằng chính Ronaldo thật cũng không hài lòng với những điều đó.

Cristiano Ronaldo khát khao bàn thắng, bất kể đối thủ là ai. Ảnh: minh họa.

Anh ta chỉ hài lòng khi ghi bàn. Chúng ta đang nói về một người phát cáu, nói xấu đội tuyển Iceland vì không thể chọc thủng lưới họ. Chúng ta đang nói về người ăn mừng một bàn thắng không nhiều ý nghĩa như thể anh đã đưa đội tới một chức vô địch. Với Ronaldo, bàn thắng là tất cả.

Không ngẫu nhiên mà Ronaldo ghi trên 50 bàn từ mùa này qua mùa khác. Ở đó là một nỗ lực đáng kể để “bắt nạt” tất cả. Những đồng đội khác dù tài năng tới mấy cũng phải chấp nhận làm nền cho anh. Đối thủ càng yếu ớt thì càng phải chịu đựng, chứ đừng mong Ronaldo nương chân.

Ronaldo gợi tới hình ảnh của một nhân vật giả tưởng: lãnh chúa Tywin Lannister trong bộ truyện viễn tưởng “Bài ca của băng và lửa” (tác giả George R.R. Martin). Tywin Lannister là một nhân vật ám ảnh về sự tôn trọng. Ông luôn muốn tất cả phải tôn trọng và nể sợ nhà Lannister. Tywin làm tất cả, từ những việc bẩn thỉu nhất, tới những trò chơi chính trị hắc ám để khiến cả lục địa Westeros cúi đầu mỗi khi nhìn thấy người nhà Lannister.

Tywin luôn gần như phát điên mỗi khi biết được có kẻ nào đó dám thách thức nhà Lannister. Không sợ Lannister là một tội ác và phải bị trừng phạt. Ở một góc độ nào đó, Iceland cũng đã “mắc tội” khi không để cho Ronaldo ghi bàn.

Và bản thân Ronaldo cũng cái lý của chính mình. Ở tuổi 31, anh không còn có tốc độ chạy đường dài nhanh như chính bản thân 5 năm trước. Anh đã tự phải cải tạo phong cách chơi bóng để phù hợp với yêu cầu của chiến thuật bóng đá đang thay đổi hằng ngày. 

Trước kia, người ta sẽ nhắc tới Ronaldo như một chân rê dắt thượng hạng, một cầu thủ có thể tạt bóng chính xác và kiến tạo nhiều. Nhưng bây giờ, để bảo vệ đỉnh cao của mình, Ronaldo chỉ còn một cách duy nhất là ghi bàn mà thôi.

Vì anh có đá tốt mà không ghi bàn, người ta cũng sẽ ít sợ anh hơn.

Vu Chân

Dũng Lê
.
.
.