An ninh trước thềm Euro 2016:

Diễn tập đối phó mọi tình huống

Thứ Tư, 08/06/2016, 16:15
“Các trận đấu dĩ nhiên sẽ tiếp tục diễn ra đúng dự kiến, và các khu vực cổ động viên cũng sẽ được tổ chức” – Thủ tướng Pháp Manuel Valls khẳng định. “Vì sao ư? Bởi trong thời gian mà những lời đe dọa được đưa ra, việc thể hiện rằng cuộc sống vẫn tiếp diễn là điều vô cùng quan trọng”.

Vào ngày 07/6 vừa qua, tại sân vận động quốc gia Pháp – Stade de France, một buổi diễn tập khủng bố đã diễn ra. Một trận đấu giả tưởng giữa Bắc Ireland và Ukraine được tổ chức. Ở đó, hai kẻ đánh bom liều chết đã mang theo chất nổ, vượt qua được các vòng kiểm tra gắt gao bên ngoài để lọt lên khán đài. Chúng hành động, gây ra thương vong. Một số tình nguyện viên đóng vai người chết đã được các phóng viên ghi nhận. Hơn một tá người nữa đóng vai các cổ động viên bị thương nặng. Cảnh sát ào vào khu vực bom nổ, trong đó gồm đầy đủ các đội cứu hỏa, điều tra, y tế và phản ứng đặc biệt.

Có một điều đáng lưu ý trong cuộc diễn tập này: đây có thể sẽ là viễn cảnh ít khả năng xảy ra nhất. Với tất cả sự tôn trọng dành cho Bắc Ireland và Ukraine, trận đấu giữa họ tại bảng E rất có thể sẽ là màn đọ sức... kém hấp dẫn nhất của giải đấu. Lượng khán giả được dự kiến ở mức rất thấp.

Qua đó, có thể thấy rằng ban tổ chức Euro 2016 đang không loại trừ bất kỳ khả năng nào. Và cũng cần biết rằng, cuộc diễn tập trên đây chỉ là một sự kiện trong số một viễn cảnh “thảm họa” kéo dài 30 ngày liên tiếp mà họ đã vạch ra. Cảnh sát và các đơn vị an ninh của đại hội bóng đá châu Âu đã vẽ ra một bức tranh xấu xí nhất có thể, qua đó tính toán công tác an ninh. Một số nguồn tin không chính thức còn cho biết, kế hoạch của họ bao gồm cả việc chống lại khủng bố ở 8-10 địa điểm cùng lúc trên khắp nước Pháp.

Rõ ràng sự cảnh giác đang được đặt ở mức cao nhất có thể. Quốc gia có bản đồ hình lục lăng chuẩn bị đón tiếp khoảng 4 triệu lượt du khách đến với 10 thành phố nhân dịp sự kiện bóng đá lớn nhất châu Âu. Sự cảnh giác ấy là cần thiết, bởi những kẻ khủng bố đã đưa ra lời đe dọa công khai.

Cảnh sát Pháp diễn tập bên ngoài Sân vận động Quốc gia Pháp.

Trong chưa đầy 2 năm qua, nước Pháp nói riêng và châu Âu nói chung đã nhiều lần rúng động vì khủng bố. Vào ngày 07/1/2015, vụ xả súng tại tòa soạn tuần báo Charlie Hebdo xảy ra. Tháng 11/2015, 4 vụ đánh bom liều chết đã được thực hiện tại Paris và Saint-Denis, mà sau này người ta phát hiện rằng 9 kẻ khủng bố nhắm tới 6 mục tiêu khác nhau. Ngay vào tháng 3/2016 vừa qua, 2 vụ quả bom đã được kích nổ tại Brussels, Bỉ. Nhóm tự xưng Nhà nước Hồi giáo Iraq và Syria (ISIS) đã nhận trách nhiệm trong tất cả các vụ việc này.

Tổng thống Pháp Francois Hollande đã tuyên bố rằng khủng bố là nỗi lo lớn nhất trước thềm Euro 2016, vượt trên tất cả những cuộc biểu tình dự kiến được đăng ký “nhân dịp” du khách đến nước Pháp đông đảo. Và thế là suốt hai tháng qua, Pháp đã duyệt chi một khoản tiền rất lớn cho công tác an ninh, bao gồm 2 tháng diễn tập trước mọi hoàn cảnh: đánh bom liều chết, tấn công hóa học, tấn công bằng khi sinh học, tấn công vào các khu vực dành cho cổ động viên bóng đá, bên ngoài và bên trong các sân vận động, các phương tiện vận tải công cộng...

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve khẳng định: “Chúng tôi đang làm mọi thứ để phòng chống các cuộc tấn công khủng bố, và chúng tôi cũng đã sẵn sàng để phản ứng với mọi trường hợp xấu nhất”. Các nhà chức trách cũng đã thay nhau khẳng định rằng có một lời đe dọa vô hình nhắm vào nước Pháp, dù mạng lưới tình báo của nhiều quốc gia khác nhau đều đồng loạt thừa nhận rằng chưa phát hiện bất kỳ một kế hoạch hay mục tiêu cụ thể nào của khủng bố.

90.000 nhân viên an ninh, 42.000 cảnh sát, 30.000 sen đầm, 10.000 lính vũ trang, 13.000 vệ sĩ tư và vô số đặc vụ ngầm đã được Pháp huy động cho chiến dịch bảo vệ an ninh Euro 2016.

Ông Richard Walton, trưởng Ban Phòng chống Khủng bố của Olympics London 2012 nhấn mạnh rằng việc cảnh sát đổ bộ trên đường phố không hẳn là cách tốt nhất để chống khủng bố, mà chủ yếu mới chỉ là cách để phản ứng khi có sự cố diễn ra. Walton khẳng định công tác tình báo cần được nước Pháp đẩy mạnh, qua đó có thể dập tắt những đe dọa từ khi chúng chưa bắt đầu.

Sau cùng, đúng như lời thủ tướng Valls, “cuộc sống vẫn tiếp diễn”. Hủy một sự kiện thể thao, văn hóa lớn như Euro chỉ vì lo sợ sẽ là vẫy cờ trắng trước khủng bố. Ngay lúc này, cả châu Âu đang nắm tay nhau để hướng về phía trước. Euro 2016 sẽ là một sự kiện mang tính biểu tượng.

Không chỉ khủng bố, Pháp lo ngại cả hooligan

Ông Ziad Khoury – trưởng ban an ninh Euro 2016 – mới đây đã lên tiếng khẳng định rằng Pháp sẵn sàng cho “không chỉ khủng bố, mà cả hooligan”. Theo đó, cảnh sát Anh đang làm việc sát sao cùng những người đồng nghiệp Pháp để xác nhận các nhóm hooligan (cổ động viên quá khích).

Pháp đã từng có kinh nghiệm về vấn đề này khi họ tổ chức World Cup 1998. Euro năm nay, khoảng 500.000 người Anh dự kiến sẽ đến Pháp, gần tương đương với con số của 18 năm trước. Một bản danh sách gồm 1.110 cái tên quá khích đã được gửi cho nước Pháp, những người này chắc chắn sẽ không được vào sân vận động.

Lực lượng an ninh tại điểm đóng quân của đội tuyển Anh tại Chantilly.

Theo dự kiến, nước Anh sẽ gửi một lực lượng cảnh sát đặc phái tới thành phố Marseille, nơi ĐT Anh thi đấu trận đầu tiên của bảng B gặp Nga vào ngày 11/6. Nhiệm vụ của họ là “can thiệp văn hóa” nếu xuất hiện những màn phá rối công cộng của những cổ động viên say xỉn quá khích.

Hiện tại Pháp cũng đang liên hệ và làm việc với các liên đoàn bóng đá Nga, Italy, Hà Lan, Ba Lan, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ... để nhận sự hỗ trợ tương tự.


“Tổ chức Copa America ở Mỹ là một sai lầm”

Đó là tuyên bố được đưa ra bởi chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Uruguay, ông Wilmar Valdez. Ông Valdez và rất nhiều cán bộ bóng đá của các quốc gia khác như Chile, Colombia... đang tỏ ý phật lòng về cung cách tổ chức của nước Mỹ chủ nhà.

Copa America Centenario là giải đấu đặc biệt, tổ chức nhằm kỷ niệm 100 năm Copa America đầu tiên được tổ chức. Giải đấu này đã mở rộng qui mô – thay vì gồm các quốc gia Nam Mỹ như thường lệ, họ mời thêm các quốc gia Bắc và Trung Mỹ.

Các cầu thủ Uruguay ngơ ngác khi quốc ca... Chile vang lên

Ông Valdez tỏ ra vô cùng bức xúc khi ban tổ chức giải tại thành phố Glendale nhầm lẫn quốc ca Uruguay. Trong trận đấu giữa Uruguay và Mexico, quốc ca của... Chile đã vang lên trong phần chào cờ của đội tuyển Uruguay.

Đó cũng không phải trận đấu duy nhất mà ban tổ chức gặp vấn đề về lễ chào cờ. Trong trận đấu giữa Argentina và Chile, khi quốc ca Chile đang được cử, một bài hát nhạc rap đã bất ngờ cắt ngang, khiến khán giả Chile có mặt trên sân vô cùng tức giận.

“CONMEBOL đã mắc sai lầm khi tổ chức một giải đấu tầm cỡ, một chiếc cúp với sự góp mặt của những đội tuyển lâu đời nhất của Nam Mỹ tại Hoa Kỳ” – chủ tịch của Liên đoàn Uruguay, kiêm thành viên hội đồng thường trực FIFA trả lời phỏng vấn của đài phát thanh Sport 890.

Hãng đồ thể thao Adidas cũng bị chỉ trích khi mắc lỗi chính tả trong quảng cáo, khi họ ghi nhầm Colombia thành “Columbia”.

Dũng Lê
.
.
.